Những điều cần biết về đứt dây chằng chéo trước để xử lý sớm tránh biến chứng nguy hiểm

HT
03/08/2021 - 17:10
Những điều cần biết về đứt dây chằng chéo trước để xử lý sớm tránh biến chứng nguy hiểm
Đứt dây chằng chéo trước là tổn thương thường gặp ở các vận động viên hoặc những người thường xuyên chơi thể thao với cường độ mạnh.

Đứt dây chằng chéo trước khiến cho khớp gối không vững khi vận động. Tổn thương này nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng trong tương lai.

Đứt dây chằng chéo trước sẽ làm thay đổi cấu trúc khớp gối của người bị tổn thương. Cụ thể là nó khiến mâm chày bị di lệch ra trước so với xương đùi, làm cho khớp gối bị không vững gây khó khăn cho người bệnh khi đi lại.

Tình trạng đứt dây chằng chéo trước kéo dài nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các tổn thương khác như teo cơ, rách sun thêm, thoái hóa khớp,...Dưới đây là một số thông tin cần biết về đứt dây chằng chéo trước bạn nên nắm vững để xử lý kịp thời ngay khi tổn thương xảy ra.

1. Đứt dây chằng chéo trước là gì?

Cấu trúc khớp gối có 4 loại dây chằng chính, đó là: Dây chằng chéo trước (DCCT), dây chằng chéo sau (DCCS), dây chằng bên ngoài (DCBN), dây chằng bên trong (DCBT). Tổn thương đứt dây chằng đầu gối thường xảy ra khi người bệnh đột ngột chuyển hướng trong lúc vận động với tốc độ cao. Đó là chấn thương gặp phải khi chơi thể thao, bị tai nạn hoặc té ngã.

Dây chằng chéo trước (ACL) nằm ở trung tâm khớp gối. Đây là dãy mô liên kết xương đùi với xương chày, có tác dụng cố định xương chày không bị trượt ra trước hoặc xoay vào trong. Nói cách khác nhiệm vụ của dây chằng chéo trước ổn định cấu trúc và hoạt động của khớp gối.

Đứ dây chằng chéo trước là chấn thương thường gặp nhất ở các vận động viên hoặc những người chơi thể thao với cường độ mạnh. Tổn thương dây chằng chéo trước khiến phần mâm chày bị lệch ra trước so với xương đùi.

Hậu quả khi bị đứt dây chằng chéo trước là khớp gối lỏng lẻo, sụn chêm và mặt khớp bị hư tổn. Nếu tình trạng tổn thương kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ thoái hóa khớp.

Những điều cần biết về đứt dây chằng chéo trước để xử lý sớm tránh biến chứng nguy hiểm - Ảnh 1.

Cấu trúc khớp gối hoàn chỉnh - Ảnh: Internet

Đọc thêm bài viết: Chấn thương dây chằng chéo sau là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị.

2. Nguyên nhân và hiệu nhận biết bị đứt dây chằng chéo trước

Các chuyên gia chỉ ra rằng, nguyên nhân gây đứt dây chằng chéo trước thường là do chấn thương trực tiếp khi xảy ra va chạm mạnh vào vùng đầu gối. Nguyên nhân này thường gặp khi chơi các môn thể thao đối kháng như bóng đá, bóng chuyền hoặc tai nạn giao thông. Và chấn thương gian tiếp khi đang chạy bộ thì dừng lại hoặc chuyển hướng đột ngột trong lúc bàn chân giữ nguyên.

Dấu hiệu nhận biết bị đứt dây chằng chéo trước bao gồm: Sau khi xảy ra va chạm hoặc tác động mạnh vào vùng đầu gối người bệnh nghe thấy tiếng "bực, cụp hoặc rắc" khá lớn.

Đầu gối bị đau, sưng nề do dây chằng vừa đứt dẫn đến chảy máu và tổn thương cấu trúc khớp bên trong. Cơn đau trở nên dữ dội hơn nếu người bệnh tiếp tục di chuyển hoặc vận động mạnh. Cơn đau sẽ mất dần sau 2 - 3 tuần kể từ lúc bị tổn thương.

Một thời gian sau người bệnh có thể gặp phải các dấu hiệu:

Có cảm giác kẹt khớp như bị trật, kẹt ở một tư thế nào đó. Khi cử động hoặc duỗi gối khớp mới trở về trạng thái bình thường.

Khớp gối mất vững khiến người bệnh dễ bị té ngã khi di chuyển nhanh. Khi lên cầu thang có cảm giác không vững, khó kiểm soát khớp gối, đồng thời gặp khó khăn khi xuống dốc hoặc xuống cầu thang.

Kích thước đùi bị chân thương nhỏ dẫn co teo cơ tứ đầu khiến chân yếu đi, gặp khó khăn khi vận động. Tình trạng teo cơ có thể xảy ra nhanh hơn nếu người bệnh là phụ nữ, nhân viên văn phòng hoặc người ít vận động.

Ở một số trường hợp các triệu chứng đứt dây chằng chéo trước không rõ ràng do chấn thương ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên chấn thương lặp lại khiến các bó sợi của dây chằng bị đứt từ từ. Do đó dẫn đến nguy cơ đứt dây chằng mãn tính.

3. Các biện pháp chẩn đoán thường gặp

Khi bị đứt dây chằng chéo trước, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng đầu gối. Sau đó kiểm tra khả năng vận động và các chức năng tổng thể của khớp gối bằng cách di chuyển theo nhiều hướng khác nhau.

Bên cạnh đó áp dụng một trong số các phương pháp kiểm tra dưới đây để xác định đúng nguyên nhân và tính nghiêm trọng của tổn thương.

- Chụp X - quang để loại trừ khả năng bị gãy xương.

Đọc thêm: Chấn thương gãy hai xương cẳng chân của Hùng Dũng nguy hiểm như thế nào?

- Chụp cộng hưởng từ MRI: Sử dụng sóng radio và từ trường mạnh để tạo hình ảnh các mô trong cơ thể và xác định mức độ tổn thương của dây chằng chéo trước và các tổn thương khác.

- Siêu âm để kiểm tra tổn thương dây chằng đầu gối và gân.

- Nội soi để xác định loại chấn thương và mức độ nghiêm trọng của nó.

Những điều cần biết về đứt dây chằng chéo trước để xử lý sớm tránh biến chứng nguy hiểm - Ảnh 2.

Chẩn đoán đứt dây chằng chéo trước - Ảnh: Internet

4. Đứt dây chằng chéo trước có thể gây ra hậu quả gì?

Đứt dây chằng chéo trước không chỉ khiến việc đi lại khó khăn hơn mà còn gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho sức khỏe của người bệnh, đó là:

- Tổn thương sụn chêm thứ phát (sụn nằm giữa mặt khớp của xương chày và xương đùi). Nếu tổn thương sụn chêm kéo dài có thể dẫn đến tình trạng tái chấn thương dây chằng.

- Tổn thương sụn khớp, làm tăng nguy cơ bào mòn sụn khớp và thoái hóa khớp sớm.

- Teo hệ thống cơ đùi, bắp chân dẫn đến giảm chức năng vận động kéo dài.

- Tổn thương thứ phát nhiều dây chằng dẫn đến mất chức năng, khó điều trị phục hồi.

5. Các phương pháp điều trị và phục hồi

Nhiều người thắc mắc rằng, đứt dây chằng chéo trước có tự lành được không? Câu trả lời là không, bởi bất cứ tổn thương dây chằng nào trên cơ thể muốn hồi phục đều phải áp dụng các phương pháp trị liệu nhất định. Một số phương pháp điều trị thường gặp là: Điều trị bảo tồn, điều trị phẫu thuật và tập vật lý trị liệu.

5.1. Phương pháp điều trị bảo tồn

Điều trị bảo tồn dây chằng chéo trước là phương pháp được áp dụng cho các trường hợp: Đứt bán phần dây chằng chéo trước (không bị đứt hoàn toàn), khớp gối chưa bị tổn thương và vẫn còn vững. Bệnh nhân là người lớn tuổi hoặc trẻ em có sụn đang tăng trưởng.

Phương pháp điều trị chủ yếu dùng thuốc giảm đau, kháng viêm và tập vật lý trị liệu để tăng sức mạch cơ ở người bệnh.

5.2. Phương pháp điều trị phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật đứt dây chằng chéo trước thường được áp dụng cho các trường hợp bệnh nhân là người trưởng thành dưới 50 tuổi, hoặc vận động viên đang ở thời kỳ đỉnh cao. Phương pháp điều trị phẫu thuật giúp chữa lành các tổn thương một cách nhanh chóng. Đặc biệt là với trường hợp bị đứt dây chằng.

Có nhiều bệnh nhân thắc mắc rằng điều trị phẫu thuật đứt dây chằng chéo trước bao lâu thì lành? Liệu phẫu thuật có thể giúp họ khôi phục chức năng của dây chằng chéo trước như cũ hay không?

Thực tế, quá trình khôi phục chức năng của dây chằng chéo trước sau khi phẫu thuật còn phụ thuộc vào thể trạng của người bệnh. Chính vì thế rất khó có thể trả lời rõ ràng cho câu hỏi này. Tuy nhiên nếu bệnh nhân có thể trạng bình thường thì có thể trở lại với hoạt động thể thao sau 9 tuần mổ.

Phương pháp phẫu thuật điều trị thường được áp dụng trong trường hợp người bệnh bị đứt dây chằng chéo hoàn toàn, hoặc đứt dây chằng chéo trước nghiêm trọng đến mức độ không còn đủ khả năng giữ vững khớp gối.

Việc phẫu thuật nối lại dây chằng giúp cải thiện chức năng khớp gối và phòng ngừa các tổn thương thứ phát có thể xảy ra.

Những điều cần biết về đứt dây chằng chéo trước để xử lý sớm tránh biến chứng nguy hiểm - Ảnh 3.

Tập vật lý trị liệu sau phẫu thuật nối dây chằng chéo trước - Ảnh: Internet

6. Luyện tập vật lý trị liệu

Sau khi trị liệu bằng phương pháp phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được chỉ định luyện tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của chuyên gia. Quá trình tập vật lý trị liệu được tiến hành theo từng giai đoạn.

Giai đoạn 1: Tiến hành sau 2 tuần kể từ khi phẫu thuật: Người bệnh mang nẹp Zimmer 24/24h trừ khi luyện tập. Thực hiện chườm đá phía đầu gối bị chấn thương từ 2 - 3 lần/ ngày, mỗi lần từ 5 - 10 phút.

Tập lắc xương bánh chè, day sẹo vết mổ, gồng cơ tĩnh, tháo nẹp tập gấp gối 60 độ và tập nâng chân khỏi giường.

Giai đoạn 2 : Tuần thứ 3, 4 sau khi phẫu thuật: Người bệnh cần tập gấp gối với cường độ tăng dần. Tiếp tục tập gồng cơ đùi và cẳng chân với lực cản tăng lên. Sau 3 tuần thì bỏ nạng và nẹp để tập đạp xe trong phòng.

Giai đoạn 3: Sau tuần thứ 4 kể từ khi phẫu thuật: Tiếp tục tập gấp duỗi gối, gồng cơ với kháng lực tăng lên. Bắt đầu tập lên xuống cầu thang, nhún đùi với dáng đi bình thường.

Trên đây là một số thông tin về hội đứt dây chằng chéo trước, nguyên nhân, biểu hiện và cách xử lý khi bị tổn thương. Tốt hơn hết nếu bạn gặp phải chấn thương này hãy đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời giúp phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm