pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những điều cần biết về quá trình điều trị bệnh Rubella
- 1. Nguyên tắc điều trị bệnh Rubella
- 2. Điều trị bao lâu thì khỏi bệnh Rubella?
- 3. Phác đồ điều trị
- 3.1. Điều trị Rubella không có biến chứng
- 3.2. Điều trị bệnh Rubella có biến chứng
- 3.3. Điều trị cho phụ nữ mang thai mắc Rubella
- 3.4. Phòng chống lây lan bệnh Rubella
- 4. Bệnh Rubella có bị tái lại sau khi chữa khỏi không?
Bệnh Rubella (hay còn gọi là bệnh sởi Đức) là bệnh lý truyền nhiễm do Rubella virus gây nên. Bệnh lây dễ dàng từ người mắc bệnh sang người lành thông qua virus chứa trong các giọt bắn từ dịch tiết đường hô hấp.
Với một trường hợp thông thường, khi nhiễm Rubella virus thì virus sẽ xâm nhập, nhân lên và gây bệnh qua các giai đoạn chính bao gồm:
- Thời kỳ ủ bệnh; Kéo dài từ 12-23 ngày, đây là giai đoạn virus nhân lên về mặt số lượng, chưa có các triệu chứng của bệnh.
- Thời kỳ phát bệnh: Các biểu hiện đặc trưng của bệnh được thể hiện đầy đủ, dễ dàng nhận biết bao gồm sốt, phát ban và nổi hạch. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp phải các biểu hiện của tình trạng viêm khớp,...
- Thời kỳ lui bệnh: Các triệu chứng của bệnh nhanh chóng thoái lui trong vòng 3-4 ngày và các triệu chứng của viêm khớp có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn để mất đi.
Mặc dù bệnh Rubella không phải là một bệnh truyền nhiễm nguy cấp nhưng nó lại được đánh giá là một căn bệnh nguy hiểm. Nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, một số trường hợp mắc bệnh Rubella có thể sẽ gây các biến chứng như viêm màng não, xuất huyết giảm tiểu cầu.
Tuy nhiên, mối lo ngại chính về hậu quả khi mắc bệnh Rubella chính là nguy cơ cao gây dị tật thai nhi ở các đối tượng mắc bệnh là phụ nữ mang thai.
Do đó khi mắc bệnh Rubella (đặc biệt là ở đối tượng phụ nữ mang thai) thì vấn đề điều trị bệnh Rubella và chăm sóc bệnh nhân đúng cách là vô cùng quan trọng để có thể hạn chế được các nguy cơ sức khỏe do căn bệnh này gây nên.
1. Nguyên tắc điều trị bệnh Rubella
Khi một bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc bệnh Rubella thì vấn đề điều trị cần phải được đặt ra. Tuy nhiên, để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trong quá trình điều trị bệnh Rubella cho người bệnh thì cần tuân thủ một số các nguyên tắc cơ bản như sau:
- Điều trị triệu chứng bệnh:
Cho đến hiện nay, chưa có loại thuốc nào có tác dụng đặc hiệu trong điều trị bệnh Rubella. Do đó, tất cả các phương pháp điều trị áp dụng cho bệnh nhân đều nhằm mục đích điều trị triệu chứng của bệnh như giảm đau, hạ sốt,...
- Phát hiện và điều trị sớm các biến chứng:
Các biến chứng của bệnh như viêm não - màng não, xuất huyết giảm tiểu cầu cần được phát hiện sớm các biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng và tiến hành điều trị thích hợp cho từng biến chứng.
- Dự phòng lây nhiễm:
Bệnh Rubella có thể lây truyền dễ dàng. Do đó, trong quá trình điều trị bệnh Rubella cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp dự phòng lây nhiễm, cách ly người bệnh trong vòng ít nhất 7 ngày kể từ khi phát ban để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh ra cộng đồng.
2. Điều trị bao lâu thì khỏi bệnh Rubella?
Nhìn chung, khó có thể đưa ra một con số chính xác về thời gian điều trị khỏi bệnh Rubella cho tất cả các ca bệnh. Bởi thời gian điều trị Rubella có thể thay đổi rất khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thể bệnh mắc phải, cơ địa của người mắc, các biến chứng của bệnh,...
Đối với một trường hợp mắc bệnh Rubella thông thường, bệnh sẽ phải trải qua thời gian để diễn tiến đủ các giai đoạn của bệnh bao gồm thời kỳ ủ bệnh (từ 12 - 23 ngày), thời kỳ phát bệnh (thường trong vòng 1 tuần), và thời kỳ lui bệnh (từ 3 - 4 ngày). Do đó, nếu một trường hợp bệnh nhân bị nhiễm Rubella không có biến chứng thì sẽ cần thời gian từ 1 - 2 tuần để bệnh có thể được điều trị khỏi.
Nhưng nếu trong trường hợp bệnh nhân có biến chứng của Rubella xảy ra, người bệnh có thể sẽ cần các biện pháp điều trị tích cực hơn và thời gian điều trị bệnh Rubella kéo dài hơn đáng kể so với các trường hợp không có biến chứng.
3. Phác đồ điều trị
3.1. Điều trị Rubella không có biến chứng
Các nội dung trong điều trị bệnh Rubella không có biến chứng chủ yếu bao gồm điều trị giảm nhẹ triệu chứng và nâng đỡ thể trạng của bệnh nhân, bao gồm:
- Giảm đau, hạ sốt: Các loại thuốc giảm đau hạ sốt như paracetamol, ibuprofen,... có thể được sử dụng để giảm nhẹ các triệu chứng đau nhức hoặc sốt trên 38,5 độ C nếu có xảy ra. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể sử dụng các phương pháp giảm đau, hạ sốt không dùng thuốc như chườm nóng hay chườm lạnh,...
- Bổ sung các vitamin: Các loại vitamin có thể được sử dụng thêm để tăng cường sức đề kháng cho bệnh nhân, giúp rút ngắn thời gian mắc bệnh.
- Bổ sung dinh dưỡng: Nâng cao thể trạng cho bệnh nhân bằng chế độ dinh dưỡng tốt, cung cấp đủ năng lượng và đa dạng về thực phẩm,...
3.2. Điều trị bệnh Rubella có biến chứng
Tùy thuộc vào biến chứng của bệnh Rubella gây ra là gì mà các bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị thích hợp cho từng trường hợp.
- Với các bệnh nhân bị biến chứng viêm não - màng não: Bệnh nhân cần được điều trị theo quy trình điều trị viêm màng não chung bao gồm các nội dung hạ sốt (paracetamol, hoặc chườm nóng, chườm lạnh), chống co giật (diazepam), hỗ trợ hô hấp (thở oxi hoặc thở máy khi cần thiết), chống phù não (dung dịch Glucose 30%, dung dịch manitol, hoặc các dung dịch ưu trương khác),...
Ngoài ra, bệnh nhân viêm não - màng não do biến chứng Rubella có thể được chỉ định sử dụng corticoid (methylprednisolon) để kháng viêm và gamaglobulin để nâng cao hệ miễn dịch giúp giảm nhẹ nhanh chóng các triệu chứng của viêm não - màng não, hạn chế các nguy cơ tổn thương thần kinh,...
- Với các bệnh nhân bị biến chứng xuất huyết giảm tiểu cầu: Lựa chọn điều trị cho bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu do biến chứng Rubella cần dựa trên mức độ giảm tiểu cầu và nguy cơ xuất huyết ở bệnh nhân.
Methylprednisolon được chỉ định sử dụng cho tất cả các trường hợp có mức tiểu cầu giảm dưới 20G/L. Tuy nhiên, khi sử dụng cần tuân thủ các các nguyên tắc về liều lượng, theo dõi chặt nguy cơ và các biểu hiện xuất huyết ở bệnh nhân.
Tiểu cầu khối được chỉ định thường quy cho các trường hợp có mức tiểu cầu giảm dưới 20G/L dù không có xuất huyết. Đối với các trường hợp mức tiểu cầu cao hơn nhưng có biểu hiện xuất huyết thì vẫn có thể được xem xét sử dụng.
3.3. Điều trị cho phụ nữ mang thai mắc Rubella
Phụ nữ mang thai mắc Rubella được xem là một nhóm đối tượng mắc bệnh đặc biệt do cơ địa đang mang thai và nguy cơ dị tật thai nhi do Rubella cao. Do đó, tùy thuộc vào tuổi thai khi mắc bệnh Rubella và nguy cơ dị tật thai nhi tương ứng với tuổi thai mà ngoài các điều trị như đối với nhiễm bệnh Rubella thông thường thì còn cần có các chiến lược can thiệp thích hợp đối với thai kỳ.
- Mắc Rubella trong 3 tháng đầu (trước 13 tuần): Nhiễm Rubella sớm trong 3 tháng đầu trong thai kỳ có nguy cơ gây dị tật thai nhi rất cao. Do đó, khuyến cáo nên tiến hành chấm dứt thai kỳ cho các trường hợp thai phụ bị mắc bệnh Rubella sớm trong 3 tháng đầu.
- Mắc Rubella trong 13 đến 18 tuần: Nguy cơ dị tật bẩm sinh giảm đi đáng kể, do đó có thể tư vấn để làm các xét nghiệm cần thiết trước khi đưa ra quyết định có nên chấm dứt thai kỳ hay không, đặc biệt là xét nghiệm nước ối. Nếu trong xét nghiệm nước ối tìm thấy Rubella virus thì cần chấm dứt thai kỳ ngay.
- Mắc Rubella khi thai trên 18 tuần: Nguy cơ dị tật thai nhi do Rubella là rất thấp vì thai nhi đã hoàn thành các giai đoạn biệt hóa cơ quan. Vì vậy nếu mắc Rubella khi thai kỳ trên 18 tuần thì có thể giữ thai và theo dõi như một thai kỳ bình thường.
3.4. Phòng chống lây lan bệnh Rubella
Bởi nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, đặc biệt là với đối tượng chưa được tiêm chủng do đó trong điều trị bệnh Rubella thì vấn đề phòng chống lây lan bệnh trong cộng đồng cần được chú trọng đặc biệt.
Các biện pháp dự phòng lây nhiễm bệnh Rubella bao gồm:
- Người bệnh phải được cách ly ít nhất trong vòng 7 ngày kể từ khi phát ban.
- Người bệnh cần được nằm phòng riêng để chăm sóc.
- Khi bị mắc bệnh Rubella cần nghỉ học, nghỉ làm đủ thời gian cách ly cần thiết, tránh tập trung đông người.
- Phòng của bệnh nhân mắc Rubella và các vật dụng trong phòng cần phải được tiến hành sát khuẩn thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn nhằm tiêu diệt mầm bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân, nếu cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh thì nên đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm bệnh.
- Các vật dụng vệ sinh cá nhân của người bệnh cần phải được xử lý riêng bằng các dung dịch sát khuẩn.
4. Bệnh Rubella có bị tái lại sau khi chữa khỏi không?
Bệnh Rubella có nguy cơ tái lại sau khi đã được điều trị khỏi không là thắc mắc chung của rất nhiều người.
Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng do chỉ có một type virus gây bệnh và miễn dịch mà cơ thể thu được sau khi điều trị bệnh Rubella sẽ tồn tại suốt đời. Do đó, nếu như đã mắc bệnh Rubella và được điều trị khỏi thì người bệnh sẽ không bị mắc bệnh thêm các lần sau nữa, kể cả khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
Trên đây là một số các kiến thức sơ lược về điều trị bệnh Rubella mà bệnh nhân và người nhà cần biết. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến quá trình điều trị bệnh Rubella, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được giải đáp chính xác và đầy đủ nhất.