Còn hơn 1 tháng nữa con mới bắt đầu bước vào lớp 6 nhưng chị Hoàng Thu Huệ (Khương Trung, Hà Nội) đã “nhắm” cho con vào lớp chọn của trường, tìm hiểu giáo viên nào dạy giỏi để gửi gắm. Chị cũng nhờ giáo viên quen dạy trước chương trình lớp 6 cho con để con tự tin khi đi học.
Điều khiến chị lo lắng là trong khi chương trình tiểu học thì có ít môn thì lên THCS, số môn nhiều hơn, giáo viên dạy nhanh hơn, chị sợ con không quen và tiếp thu không kịp. Hơn nữa, trong khi học tiểu học không chấm điểm thì từ lớp 6, việc chấm điểm của giáo viên là rất thường xuyên và những điểm đó để đánh giá học lực của con trong cả năm học.
Thế nhưng, một đứa trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từTiểu học lên THCS gặp phải nhiều thách thức chứ không chỉ riêng việc thay đổi về môn học, chấm điểm. Đó là các em phải thay đổi về phương pháp học, về tâm lý lứa tuổi sẽ khiến các em lo lắng, hoang mang. Đó là, khi bước vào THCS, các em phải chép bài nhanh hơn, hoàn thành nhiều môn học hơn, điểm số không còn cao như ngày học tiểu học.
Chia sẻ về những thay đổi của các con bước vào THCS, chuyên gia tâm lý, TS. Lê Văn Hảo (viện Tâm lý học) cho biết: Môi trường học thay đổi và con cũng đang thay đổi về tâm sinh lý. Lúc này, con cần có tính độc lập và có trách nhiệm nhiều hơn đối với việc học và sinh hoạt của mình. Trong quá trình con lớn lên, sự thay đổi, sai lầm, vấp ngã… là điều khó tránh khỏi. Cha mẹ nên coi việc mắc lỗi của con là một phần trong quá trình trưởng thành và là cơ hội để giúp con học tập. Cha mẹ cũng cần thay đổi cách thức giáo dục để phù hợp với con ở tuổi teen.
Khi con trong giai đoạn đầu tuổi teen này, kỹ năng rất quan trọng với cha mẹ là làm bạn với con, nói sao cho con chịu nghe; nghe sao cho con chịu nói; giúp con hình thành và duy trì hành vi tốt; giúp con cảm thấy tự tin hơn; kiểm soát căng thẳng và giận dữ đối với hành vi mắc lỗi của con… Cha mẹ cần luôn lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng, khích lệ con ở lứa tuổi dậy thì này.
Trước việc nhiều cha mẹ lo lắng dạy con như thế nào khi lên lớp 6, TS Vũ Thu Hương gợi ý các cha mẹ dạy con phân phối thời gian học. Đó là cùng con lập thời gian biểu, giám sát con thực hiện theo giời gian biểu, bổ sung cho con và tạo hứng thú đọc sách cho con, tập cho con đưa kiến thức đã học ra ngoài thực tế, cho con lựa chọn và theo đuổi một bộ môn thể thao... Theo TS Vũ Thu Hương, ở lứa tuổi chuyển tiếp này, cha mẹ nên cho con tham gia các câu lạc bộ sinh hoạt tuổi trẻ để con sống hữu ích và vui vẻ, từ đó giúp con giảm bớt các suy nghĩ tiêu cực và sống hạnh phúc hơn.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên duy trì các giờ tâm sự riêng giữa con và cha mẹ, dành thời gian cho con nghe nhạc và xem các loại hình nghệ thuật, yêu cầu con làm công việc nhà. TS Vũ Thu Hương lưu ý các cha mẹ không được phép quên việc chuẩn bị tuổi dậy thì cho con. Các cha mẹ có thể kể chuyện với con, mua sách cẩm nang tuổi teen cho con đọc và chia sẻ kinh nghiệm cho con.