pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những điều đặc biệt của người nữ chiến sĩ kiên trung, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hoàng Thị Ái
Mẹ nữ Anh hùng Doia Cosmodemianskaya, Liên Xô, đón Đoàn đại biểu Phụ nữ Việt Nam do Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hoàng Thị Ái (áo dài trắng, thứ tư từ trái sang) dẫn đầu tại ga Moscow, tháng 6/1953
Ngày sinh trùng hợp ngẫu nhiên với ngày thành lập Đảng
Bà Hoàng Thị Ái sinh ngày 3/2/1900 - một sự trùng hợp ngẫu nhiên với ngày thành lập Đảng (3/2/1930), như là định mệnh của một con người gắn bó, cống hiến cả cuộc đời cho Đảng, cho cách mạng.
Ông nội làm quan triều đình, bố là trí thức Tây học nhưng bà phải thất học, mù chữ
Bà sinh ra trong một gia đình nhà Nho, tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông nội bà là cụ Hoàng Hữu Xứng, có 30 năm làm quan dưới 7 đời của triều đình nhà Nguyễn. Cha là trí thức Tây học, vì yêu nước mà trở về Việt Nam; không ra làm quan mà quyết định mở trường tư dạy con em người Việt tinh thần yêu nước. Ông không may mắc bệnh đột ngột qua đời trong khi gia đình lâm vào cảnh nợ nần vì vay mượn mở trường dạy học. Cảnh nhà sa sút, con thất học. Bà cũng vì thế mà không được đi học, chịu cảnh mù chữ.
Sớm giác ngộ, bà đi làm Cách mạng với "3 không"
Lớn lên trong cảnh nhà sa sút, cha mất, em còn nhỏ, bà là trụ cột gia đình (phải chăn bò thuê, mót lúa, mót khoai, mò cua, bắt ốc…). Sau này, trong hồi ký của mình, bà tâm sự "Người tôi không lớn được vì quanh năm gánh nặng đè trĩu vai".
Anh trai bà từng nói "Làm cách mạng phải có hoàn cảnh không lo đến gia đình, phải biết chữ, phải là đàn ông" - bà Hoàng Thị Ái khi ấy không có cả 3!
Nhưng bà có trái tim (trái tim của một người giàu lòng nhân ái, xót thương đồng bào khi bị kẻ thù chà đạp, bóc lột dã man).
Bà có ý chí (ý chí của người chiến sĩ sớm giác ngộ và quyết tâm theo cách mạng).
Và quan trọng, người phụ ấy đã nhìn ra được rằng "tôi bắt đầu thấy đời mình khổ, mẹ mình, em mình khổ là vì có thằng Tây cai trị, là vì có quan lại phong kiến làm tay sai cho Tây, bóc lột và đàn áp những người nghèo khổ", và quyết chí "thề không làm chi để xấu hổ đến gia đình".
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà Nho; được hun đúc, nuôi dưỡng và thấm nhuần tình yêu quê hương, đất nước, lòng căm thù giặc ngoại xâm sâu sắc, bà Hoàng Thị Ái sớm giác ngộ Cách mạng. Năm 1927, bà chính thức đi theo cách mạng, bắt đầu từ việc tham gia Hưng hiệp hội xã.
Năm 1929, bà làm liên lạc Xứ ủy Trung Kỳ và Xứ ủy Bắc Kỳ tại Vinh (công việc chủ yếu là làm liên lạc, in ấn tài liệu, truyền đơn; quản lý cơ quan Xứ ủy như: Thuê nhà, mua đồ dùng, mua vật liệu, dụng cụ ấn loát cho các tỉnh, địa phương... Bà làm tất cả các công việc này trong điều kiện, hoàn cảnh - không biết chữ!)
Bà tham gia tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội từ năm 1928 và đến năm 1930 và trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng với tên tuổi của những nữ chiến sĩ cách mạng đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc như: Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế…
Đòn roi không khuất phục nổi bà, lao tù nuôi thêm chí lớn!
Khoảng giữa năm 1931, cơ sở cách mạng bị lộ, bà bị địch bắt đưa về sở mật thám. Không khai thác được gì, chúng đưa bà vào nhà lao Vinh với án 7 năm tù.
Trong vô số cuộc tra tấn dã man, sự sống và cái chết chỉ là ranh giới rất mong manh, bà chỉ có một ý nghĩ duy nhất, phải sống, bởi "sống để hoạt động cách mạng thì nên sống lắm chứ"!
Với ý nghĩ "thà chết vinh còn hơn sống nhục, quyết không phản bội nhân dân, không phản bội Đảng; bà đã can trường vượt qua mọi đòn roi tra tấn dã man, những bức cung tàn bạo trong những năm tháng tù đày; cùng đồng chí, đồng đội của mình thắp nên ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt tại Nhà lao Vinh".
Tháng 5/1940, bà bị mật thám Pháp bắt ở Đà Nẵng. Do không tìm được chứng cứ nên chúng kết án 2 năm tù giam rồi đưa ra Hà Nội. Tòa án binh của Hà Nội tăng án lên 5 năm tù và chuyển về giam tại nhà tù Hỏa Lò.
Bà lại tiếp tục trải qua những hình thức giam cầm, tra tấn man rợ, tàn độc ở một nhà tù được mệnh danh là nỗi sợ hãi, khiếp đảm, ám ảnh bậc nhất lịch sử với sự kiên cường, bình thản đến kỳ lạ!
Cuộc đời thăng trầm, khổ đau nhưng sức cống hiến của bà bền bỉ, dẻo dai lạ thường
Năm 1945, được ra tù, bà đã "mượn vài chục bạc sắm quang gánh, áo tứ thân đi buôn rau - tìm cách đi các nơi bắt liên lạc với đồng chí!" và lại tìm đường trở về quê hương Quảng Trị, không quản gian nguy. Bởi quê hương nghĩa nặng tình sâu, nơi đó có mẹ và những người thân yêu! Hai lần ra tù, người đầu tiên bà khao khát được gặp chính là Mẹ.
Năm 1935, lần ra tù thứ nhất vào ngày 30 Tết, bà bước ra từ nhà lao Vinh, tê tái thương mẹ, nhớ con da diết - đứa con rứt ruột đẻ ra nhưng phải trao gửi cho cơ sở cách mạng nuôi dưỡng khi mới hơn tháng tuổi!
Những bước chân của bà như ríu lại ở đầu làng sau chặng đường dài từ Vinh về Quảng Trị. Bà hoang mang khi "Xóm giềng đã hiện ra trước mắt, luỹ tre vẫn còn, đèn các nhà vẫn đỏ, nhưng nhà tôi thì không!!!".
Trước đòn roi tra tấn cực kỳ man rợ của kẻ thù, bà chưa hề nao núng, không hề sợ hãi, nhưng bà có nỗi sợ vì không biết mẹ còn hay mất! Và thật may, mẹ còn đó, ngồi như hóa đá, đỏ mắt trông con trong túp lều dựng tạm ở góc vườn!
Mười năm sau đó (năm 1945), một lần nữa, 3 giờ sáng, bước thấp bước cao từ bến thuyền quen thuộc từ thời con gái, bà lao về nhà để gặp mẹ sau "5 năm trời không ra khỏi cửa sắt, không gặp một người nào là bà con quen thuộc, không người nhà, không ai thăm hỏi" nơi Hỏa Lò.
Nhưng lần về quê này, may mắn đã không còn! Trong Hồi ký của mình, bà kể: "Nhà vẫn chong đèn, nhưng trông lên bàn thờ, thấy bài vị và mũ rơm, cây vông - Mẹ tôi đã chết", "Bà đã không còn sức để đợi" sau những ngày dài ngồi "tính đốt ngón tay, tính ngày, tính tháng chờ tôi trở về", vì ""Tôi đã hứa với mẹ là sau khi ra tù, dù đi đâu, trước khi đi, tôi cũng sẽ về thăm mẹ".
Trong cuốn hồi ký của mình, bà Hoàng Thị Ái tuyệt nhiên không nói tới những đau khổ, mất mát mà bà từng trải qua, phải chịu đựng. Ngay cả với những người thân trong gia đình, bà cũng hầu như không chia sẻ những câu chuyện buồn đau cũ nhưng tất cả con cháu đều hiểu sự xót xa, tê tái của người một người phụ nữ phải trao lại đứa con mới hơn tháng tuổi cho cơ sở cách mạng nuôi, rồi sau khi ra tù về tìm lại thì con đã mất. Hiểu sự đau đớn của người vợ khi nhận tin chồng bị địch thủ tiêu trong tù khi mới chỉ kịp có những ngày hạnh phúc thật ngắn ngủi!
Nén mọi đau thương đó, bà tiếp tục hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ: "Tôi đi tìm các đồng chí và các đồng chí cũng tìm tôi… Nỗi buồn nén sâu xuống đáy lòng. Nhục hình trước đây không khuất phục nổi tôi thì đau thương ngày hôm nay cũng không thể dồn tôi vào thế bị động. Cuộc đời tôi đã từng hiến dâng cho Đảng, nay nhất quyết lại đi theo Đảng"…
Cuộc đời chông gai với nhiều biến cố thăng trầm, khổ đau, khắc nghiệt nhưng sức cống hiến của bà thật bền bỉ, dẻo dai! Bà tham gia là Tỉnh ủy viên và Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh Quảng Trị, đồng thời đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Phụ nữ cứu quốc của tỉnh.
Cuối năm 1945 cho đến năm 1948, bà giữ các chức vụ: Bí thư Phụ vận Trung bộ và Xứ uỷ viên Xứ ủy Trung kỳ, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Trị; Khu ủy viên và Bí thư Phụ vận khu 4. Năm 1949, sau khi đồng chí Hoàng Ngân hy sinh, bà được điều về Trung ương, phân công làm Bí thư Ban Phụ vận Trung ương.
Tại Chiến khu Việt Bắc, điều kiện thiếu thốn mọi bề, ăn nghỉ trong nhà dân hoặc tại các lán trại trong rừng, giường ngủ là những sạp nứa dài, mỗi người mắc chiếc màn đơn nằm cạnh nhau. Đêm xuống, chiếc chăn trấn thủ mỏng không đủ ấm, vì vậy thường phải đốt lửa giữa nhà để ngủ cho đỡ rét. Bữa ăn chỉ có cơm độn sắn, thức ăn là canh măng nấu suông với muối hoặc luộc chấm nước muối ớt, là người Chị lớn tuổi nhất của cơ quan lúc bấy giờ, sức khỏe bị ảnh hưởng sau nhưng năm tháng tù đày nhưng bà luôn tận tụy, gương mẫu cùng chị em, sau giờ làm việc cuốc đất tăng gia, trồng rau để thêm rau xanh cho bữa ăn; với kinh nghiệm dày dặn trong thực tiễn, bà luôn bám sát cơ sở vận động phụ nữ hăng hái tăng gia sản xuất chống đói và phục vụ chiến trường; vận động chị em đấu tranh chống bắt lính, chống đi lính, tích cực tham gia công tác địch vận và trực tiếp tham gia đội du kích làm nhiệm vụ canh gác, giữ gìn an ninh thôn xóm, gây dựng lực lượng cơ sở….
Sau khi bà Hoàng Thị Ái qua đời, người con riêng của chồng bà là Nguyễn Phong Vinh (con của nhà cách mạng Nguyễn Phong Sắc và người vợ đầu là Trịnh Thị Cán) đã đưa di ảnh của bà về thờ tại gia đình, bên cạnh ông Nguyễn Phong Sắc và bà Trịnh Thị Cán.
Hiện nay, bà Hoàng Thị Ái còn được thờ tại quê nhà, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đây là địa chỉ đỏ để các cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước đến viếng thắp hương, tri ân!
Bà đã cùng với cán bộ Cơ quan Trung ương Hội khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn, nỗ lực chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất ngay tại Chiến khu Việt Bắc. Việc đảm bảo nơi ăn, nghỉ và các điều kiện khác cho hơn 300 đại biểu mời từ các địa phương về là không hề đơn giản. Tại Đại hội lần này, bà đã được bầu là Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.
Năm 1953, bà dẫn đầu đoàn đại biểu phụ nữ Việt Nam dự Đại hội Liên đoàn phụ nữ dân chủ thế giới lần thứ 3 tại Liên Xô, và được bạn bè phụ nữ Quốc tế vô cùng yêu quý khâm phục bởi sự chân tình, khả năng ngoại giao và những ý kiến sắc bén của bà trong quá trình tham dự Đại hội.
Những năm sau đó, bà một lòng cống hiến cho Đảng, cho Cách mạng, cho công tác Hội và phong trào phụ nữ. Bà tiếp tục đảm nhiệm trọng trách Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu (năm 1963). Khi đó, bà vừa tròn 73 tuổi.