Những đứa trẻ bị đánh cắp ở Mexico

19/03/2016 - 07:00
Hằng năm có khoảng 900 vụ bắt cóc và giết hại phụ nữ xảy ra ở Mexico. Riêng bang Guerrero, miền Nam Mexico, từ đầu năm đến nay đã có 600 vụ mất tích. Con số này cho thấy, nạn bạo lực đối với phụ nữ đã tăng lên...

Một số người đứng đầu các trung tâm bảo trợ gia đình và trẻ em ở Mexico bị tố cáo là có liên quan đến những vụ bắt cóc và buôn bán trẻ sơ sinh. Maria Garcia, một bà mẹ đơn thân 24 tuổi ở bang Sinaloa đến Sonora làm công nhân cho biết, người ta bắt cóc con cô chỉ 2 ngày sau khi sinh ra. Vì gia cảnh khó khăn, cô có ý định sẽ cho người bạn tốt đứa con mình mới sinh và đã ghi tên người ấy vào giấy chứng sinh. Nhưng khi ẵm bồng con, tình mẫu tử thiêng liêng trong cô bỗng trỗi dậy mạnh mẽ. Để sửa sai, cô nhờ những người làm việc tại Trung tâm hỗ trợ xã hội cải chính thông tin. Không những họ không giúp cô mà còn bắt luôn con của cô vào đấy. Ban đầu, cô còn được tới thăm con nhưng sau đó, họ lấy lý do cô không phải là người mẹ hợp pháp nên không cho cô gặp đứa bé nữa. Đã 3 năm nay, Garcia không biết con mình ở đâu, lòng cô đầy nghi hoặc không biết nó có bị bán đi hay không. Giờ đây, cô sẵn sàng làm mọi thứ để con cô có thể về đoàn tụ với gia đình.

Còn Silvia Campos (21 tuổi) là người làm công tự do trên các cánh đồng  ở Sonora. Không người thân thích, không kẻ đỡ đần, hàng ngày cô phải cõng con trai 4 tuổi Ángel Jesús cùng đi làm với mình. Tháng 6 rồi, dưới cái nắng cháy da cháy thịt, cậu bé có dấu hiệu kiệt sức vì mất nước. Cô đưa con đến bệnh viện gần đấy rồi vội vã quay lại nơi làm việc để hoàn thành nốt công việc của mình. Thế nhưng, sau khi quay lại bệnh viện thì cô hay tin người ta đã đem cho con mình mà không hề hỏi bất kỳ ý kiến nào của cô. Họ nói rằng, cô không thể đem đứa trẻ về nhà vì nhà cô không có máy lạnh, không thể chăm sóc tốt cho bệnh tình của đứa trẻ.

Hay chuyện bé Karen (14 tuổi) đột nhiên biến mất năm 2013 sau khi vào nhà vệ sinh công cộng khiến cả nhà cô nháo nhác đi tìm. Ba mẹ cô nghĩ rằng con gái mình đã bị bắt cóc bởi vì cô không hề mang theo bất cứ vật tùy thân nào bên mình. Một mặt họ đến đồn cảnh sát báo vụ mất tích, mặt khác họ huy động bạn bè cùng tham gia giúp sức tìm kiếm. Khi đăng nhập vào tài khoản Facebook của Karen, họ thấy có một người đàn ông khả nghi đã tặng cho con gái mình một điện thoại thông minh và hứa hẹn sẽ mang đến cho Karen cả hạnh phúc và sự  nổi tiếng. Sợ Karen bị bắt cóc đem ra nước ngoài, gia đình gây áp lực để cảnh sát thông báo về vụ mất tích trên bản thông báo điện tử ở các nhà ga, bến xe. 16 ngày sau, cô bé được tìm thấy ở bến xe bus. Ban đầu Karen rất giận vì bố mẹ đã cản trở tương lai của cô. Nhưng sau khi được gặp gỡ với nạn nhân của những vụ buôn bán người, Karen mới vỡ lẽ ra.

Những người mẹ ở Mexico tìm con trong vô vọng. 

Chính quyền huy động biện pháp khẩn cấp

Theo thống kê của Tổ chức Quan sát Nữ quyền Mexico, hiện ở Mexico, mỗi ngày có trung bình 6 phụ nữ bị giết hại. Tuy nhiên, chỉ có 24% vụ giết hại đang được điều tra và 1,6% tìm được nghi can. Bang Mexico được coi là nơi nguy hiểm nhất đối với phụ nữ Mexico, khi trong vòng gần một thập kỷ qua đã có 2.228 phụ nữ bị sát hại. Điều này đã gây phẫn uất trong dư luận. Họ đứng lên kêu gọi Chính phủ điều tra làm rõ và ngăn ngừa những vụ mất tích để không còn những cái chết thương tâm xảy ra nữa. Thông qua hiệp hội “Có lẽ con gái tôi sẽ quay về”, họ tổ chức những cuộc biểu tình với quy mô lớn để gây sức ép cho Chính phủ. Bà Norma Andrade, ở Ciudad Juárez, mẹ một cô gái 17 tuổi tên là Lilia bị giết hại vào năm 2001, là một trong những người sáng lập tổ chức trên đã nhiều lần bị cảnh sát đe dọa và bắn vào người nhưng bà không sợ mà vẫn tiếp tục đi tìm “công lý” cho con mình và những nạn nhân khác.

Bên cạnh đó, những vụ mất tích cũng gây chấn động những ngôi trường mà nạn nhân theo học. Dù ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng Katie Romanovich ở  trường Trung học Calabasas không cho phép mình đứng ngoài cuộc. Katie tâm sự: “Nạn bắt cóc, buôn bán là mối nguy hại đối với các bạn nữ đồng trang lứa với em. Do vậy, em thấy rất cần mọi người chung tay để chống lại nó”. Trong một lần nghe cô giáo kể về các vụ bắt cóc xảy ra trong trường mình, Katie và cô bạn Cassidy Koch cùng bàn nhau kế hoạch tuyên truyền, đồng thời tổ chức những sự kiện quyên góp quỹ cho tổ chức Unlikely Heroes - một tổ chức giải cứu các nạn nhân của các vụ buôn bán tình dục và giúp họ có cuộc đời tốt đẹp hơn.

Tháng 7 vừa qua, các thống đốc bang tại Mexico phải thừa nhận rằng, bạo lực giới là một vấn đề nghiêm trọng. Chính quyền liên bang hứa sẽ điều tra nguyên nhân về bạo lực giới, những vụ mất tích, bắt cóc phụ nữ và trẻ em gái để sớm ngăn chặn. Ngoài ra, chính quyền huy động lực lượng cảnh sát đưa ra biện pháp khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

 
Tháng 9/2014, qua kỹ thuật ADN kiểm tra những mảnh xương được tìm thấy tại kênh đào Grand Canal cho thấy, các xác chết này thuộc về những bé gái bị mất tích trước đây.
 Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) ước tính, mỗi năm có khoảng 20.000 người bị buôn bán trái phép ở Mexico. Đa phần những người này đều được “săn lùng” thông qua mạng xã hội, bằng những lời hứa ảo như cho đi học trở thành ca sĩ, người mẫu... nhưng thực chất là bị ép làm gái mại dâm.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm