Những 'đứa trẻ vô hình' ở Malaysia

11/03/2016 - 07:00
Không giấy tờ tùy thân và dường như bị bỏ quên bên lề xã hội, những đứa con của dân nhập cư luôn đối diện với nỗi lo sợ bị bắt, bỏ tù và thậm chí bỏ mạng tại Sabah, Malaysia.

Maslina Massail lao vội xuống chiếc thuyền nhỏ bằng gỗ ọp ẹp và chèo cật lực ra những túp lều nổi trên mặt nước của làng mình, mỗi khi cô bé nghe tin có những người trong chính quyền đang ở đâu đấy. “Chúng tôi phải chạy khi nhìn thấy xe cảnh sát. Chúng tôi chèo thuyền để đi trốn”, Maslina giải thích. Với dáng vẻ lanh lợi, Maslina trông nhỏ hơn tuổi 11 của mình nhưng cô bé đã học được mánh khóe  trốn cảnh sát để họ không thể tìm thấy.

Từ những ngôi làng nổi đến những đồn điền trồng cọ dầu, hơn 10 ngàn đứa trẻ ở bang Sabah trên đảo Borneo thuộc Malaysia đang chơi một trò chơi nguy hiểm mèo vờn chuột với chính quyền. Trong con mắt của chính quyền sở tại, chúng là tội phạm, chúng vô chính phủ và “không là công dân của bất kỳ quốc gia nào”. Trên giấy tờ, chúng không tồn tại.

Theo ước tính của tổ chức phi chính phủ Asia Foundation, tại Sabah có ít nhất 50.000 đứa trẻ dễ bị tổn thương. Chúng là con cái của những người công nhân nhập cư từ Philippines, Indonesia hoặc những bộ tộc sống du mục trên biển được biết đến như bộ tộc Bajau Laut. Theo luật, chúng không được phép kết hôn và sinh con đẻ cái.

Nhiều người nhập cư làm việc tại Malaysia bất hợp pháp nhưng họ là “xương sống” của nền kinh tế Sabah khi lao động trong các ngành công nghiệp như đồn điền cọ dầu, xây dựng và nghề cá.

 

1.jpg
 Những đứa trẻ buộc phải làm quen với sông nước từ rất nhỏ

“Sống trong sợ hãi”

Một số gia đình nhập cư đã sống tại Malaysia nhiều thế hệ nhưng vì cha mẹ không đăng ký hộ tịch nên họ luôn trong trạng thái sợ bị bắt. Ngoài việc bị từ chối không được học trong các trường công, hưởng dịch vụ y tế công cộng, những đứa trẻ và cha mẹ của chúng có thể bị bắt giữ và trục xuất bất kỳ lúc nào. “Chính quyền thường xuyên kiểm tra và những đứa trẻ luôn sống trong sợ hãi”, Flora Yohanes, một giáo viên tại một trường học tạm của một tổ chức phi chính phủ tại Sabah cho biết.

Những trường công chỉ giới hạn cho những học sinh có đầy đủ giấy tờ, những đứa trẻ còn lại thường phải học trong những ngôi trường tạm do các tổ chức phi chính phủ lập nên. Có khoảng 80% học sinh tuổi từ 7 đến 12, có cha mẹ là người Indonesia, đang theo học tại ngôi trường nơi Yohanes dạy cùng với 3 giáo viên khác. Indonesia và Malaysia đã có một thỏa thuận không chính thức rằng, những đứa trẻ này sẽ không bị bắt giam trong khi chúng đang ngồi học trong lớp nhưng chúng vẫn có thể bị bắt bên ngoài trường học. Thế nên khi những đứa trẻ nghe thấy cảnh sát đi tuần tra, chúng thường ở lại trong trường cả tuần.

Việc chạy trốn cảnh sát của bọn trẻ đôi khi đã làm đảo lộn trường học. “Thỉnh thoảng, chỉ có giáo viên trong trường mà không có học sinh nào. Khi hỏi ra mới biết, học sinh đã đi trốn hết rồi. Khi chúng cảm thấy ổn, chúng lại bắt đầu đi học trở lại. Thỉnh thoảng, dù đang ở trong trường, những đứa trẻ này vẫn cảm thấy rất sợ mỗi khi thấy cảnh sát đi tuần. Vì thế, nhiều đứa trẻ đã phải trốn vào rừng qua đêm để tránh cảnh sát”, Yohanes cho hay. 

2.jpg
Đa số những đứa trẻ là con người nhập cư sớm thất học.

Những cái chết không rõ nguyên nhân

Không phải lúc nào những đứa trẻ đáng thương cũng bị bắt. “Khi học sinh bị bắt, giáo viên chúng tôi rất buồn - Yohanes tâm sự - Thỉnh thoảng, chúng tôi lại không thể ngủ vì lo lắng cho học trò và cố gắng tìm cách giúp chúng được tự do”. Một số trường hợp, giáo viên có thể giúp được nhưng đa phần học sinh bị giam giữ hơn 3 tháng trước khi bị trục xuất. Đau lòng hơn, nhiều đứa trẻ vì chạy trốn mà bị bỏ mạng. Hồi tháng 3 vừa qua, có 3 anh em đang tuổi thiếu niên đã bị chết trong khi trốn cảnh sát dưới một chợ cá tại thị trấn Lahad Datu. Cha mẹ của những đứa trẻ xấu số này đã đến Sabah từ những năm 1970 để tránh cuộc nội chiến ở tỉnh Mindanao của Philippines. Tất cả 10 đứa con của họ đều sinh ra tại Malaysia. Mẹ của chúng, Erma Manding, rất đau lòng và khóc ngất khi cùng lúc mất 3 đứa con trai.

Chính quyền địa phương cho biết, những cậu bé đã bị chết đuối khi họ tìm thấy chúng. Tuy nhiên, một số người dân địa phương lại tiết lộ rằng, cảnh sát đã xịt hơi cay và làm chúng chết ngạt. Cảnh sát từ chối bình luận sự việc này.

 

4.jpg
Nhiều đứa trẻ là con của dân nhập cư lấy bãi rác làm chỗ mưu sinh. 

Trục xuất người nhập cư để phòng chống tội phạm?

Abdul Rashid Harun, người đứng đầu Sở An ninh của Sabah cho biết, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra hằng ngày để theo dõi những người di cư bất hợp pháp và con cái của họ. Nhà chức trách đã trục xuất hơn 18.000 người nhập cư không giấy tờ từ Sabah năm ngoái. “Những người di cư bất hợp pháp thường tham gia vào nhiều hình thức tội phạm, trong đó buôn lậu là một trong những loại tội phạm điển hình nhất. Nếu chúng tôi có thể ngăn chặn tình trạng buôn lậu, chúng tôi sẽ có thể kiểm soát được các vấn đề liên quan như bắt cóc và tấn công  vũ trang”, Abdul Rashi lý giải vì sao phải dùng “biện pháp mạnh” với nhóm người nhập cư trái phép.

Quân lệnh được thực hiện vào năm 2013 để tăng cường an ninh cho miền đông Sabah, sau cuộc tấn công của phiến quân Sulu từ miền Nam Philippines. Quân đội Malaysia đã tiến hành nhiều cuộc đáp trả và kể từ đó, sự thành kiến với người di cư bất hợp pháp càng sâu sắc hơn. Người dân địa phương thường đổ lỗi cho những đứa trẻ không quốc tịch là những thành phần tệ nạn xã hội.

“Chúng thất học và nhiều người trong số đó trở thành con nghiện. Đây là một vấn đề lớn. Để thỏa mãn cơn nghiện, chúng đi ăn cắp, thậm chí là cướp bóc”, Lu - người bán cá ở thị trấn Tawau bức xúc.

3.jpg
 

 

Nhập tịch - ước mơ không tưởng

Jerry Abbas, một giáo viên 37 tuổi hiểu rõ cuộc sống của một người lớn lên mà không có quốc tịch hơn ai hết. Cha của anh là người bộ tộc Bajau và mẹ là người Malaysia nhưng họ không bao giờ đăng ký giấy khai sinh cho anh. Jerry Abbas cho biết, anh đã không thể tìm được một công việc ổn định nào trước khi có hộ chiếu Malaysia cách đây 5 năm. “Giấy tờ này là cuộc sống của tôi. Nếu tôi không có nó, đồng nghĩa là cuộc sống của tôi đã kết thúc”, Jerry Abbas nói.

Abbas hiện đang giảng dạy tại một trường tạm dành cho những đứa trẻ bộ tộc Bajau. Những đứa trẻ không giấy tờ thường lớn lên trong nghèo đói và phải dùng đến ma túy để dịu cơn đói. “Chúng phải kiếm ăn trên đường phố, đặc biệt những người trẻ thường tìm thức ăn trong những thùng rác. Đó là cuộc sống của những người Bajau Laut”, Abbas chia sẻ.

Triển vọng của trẻ em không quốc tịch không bao giờ tươi sáng dù rằng họ cũng muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói và hòa nhập vào xã hội bằng nhiều cách. Maslina, đang theo học tại trường Abbas dạy, sống trong một túp lều nhỏ với 26 người thân. Gia đình cô chuyên làm những túi nhựa để bán cho những người đi chợ mua cá. Cô nói rằng, cô muốn trở thành một nhân viên di trú khi lớn lên để cô có thể giúp gia đình được nhập tịch. Nhưng trong một đất nước mà thậm chí đã không nhận ra sự tồn tại của mình, mục tiêu của Maslina có thể vẫn vượt quá tầm với của cô.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm