Những kiểu bạo hành trẻ camera cũng ‘bó tay’

19/03/2016 - 09:43
Việc trẻ bị bạo hành thể chất được camera ghi lại khiến phụ huynh có con gửi trẻ lo sợ, cộng đồng bức xúc. Thế nhưng, theo chuyên gia giáo dục Catherine Yến Phạm, còn có những kiểu bạo hành camera cũng không phát hiện được.

Sau chuỗi cảm xúc phẫn nộ, rất nhiều phụ huynh có con lứa tuổi mầm non là hoang mang về môi trường giáo dục mà con mình đang thụ hưởng. Chị Xuân Thủy (Ngã Tư Sở, Hà Nội), chia sẻ dự định con được 9 tháng sẽ cho con đi nhà trẻ, nhưng nhìn những vụ việc này lại sợ con sẽ bị tổn thương. ‘Mấy ngày nay đi trên đường toàn nghĩ mình sẽ mua quà gì tặng cô để cô thương con mình hơn’.

 Bé 4 tuổi bị cô giáo xách tím tai (Nguồn: vietnamnet)

Chị Vương Ly (Q. Tân Bình- TP.HCM) kể, chị hầu như không dám xem những clip thế này vì cảm thấy không chịu được cảm giác thắt lòng. Bản thân chị, ngày đầu con đi học vô cùng lo nên mỗi lần đón về đều hỏi thăm và dò thái độ con xem có gì khác biệt không. Thỉnh thoảng lấy cớ đưa sữa để đột xuất qua trường xem tình hình con thế nào.

 Bảo mẫu xách ngược trẻ ném vào chỗ ngủ trưa (Nguồn: cắt từ clip)

Cha mẹ trao con vào tay cô giáo, rồi yên tâm đi làm dõi theo từng cử chỉ của con qua camera mà không biết rằng, khi cô đã muốn ‘xử’ con thì cách nào con cũng không tránh được. Trường có camera đã vậy, nhiều phụ huynh hoang mang hơn khi trường con mình không lắp đặt camera. 

Theo chuyên gia Catherine Yến Phạm, dù có camera nhưng có những thứ camera không thể nào nhìn thấy được, gọi là bạo hành tinh thần. Điều này còn khủng khiếp hơn cả bạo lực thân thể. Bản thân chị Catherine Yến Phạm khi bất ngờ tới một trường mầm non đã vô tình chứng kiến cảnh cô giáo ngồi trước mặt trẻ cầm 1 con búp bê và đánh con búp bê rất đau. Vừa đánh cô vừa nói: ‘Không ngủ nè! Không dọn dẹp nè!’ giống như trong một bộ phim… kinh dị mà camera sẽ không thể truyền tải được. Hay cảnh cô giáo dọa trẻ bằng cách lấy kim châm đâm búp bê.

Cũng vô tình, chị nghe được các cô ‘chia sẻ’ với nhau cách làm cho trẻ không xuống sàn bằng cách hễ trẻ thò chân xuống là cô khẽ để cây kim chích vào chân trẻ một nhát cho nhớ. Và cô hỏi: Con xuống nữa không? Hay những ‘thủ thuật’ rất ác độc: Đánh trẻ trong lỗ tai sẽ không gây đau hay để lại dấu vết, nhốt trẻ trong toilet khi trẻ không ngủ và tắt đèn rồi dọa ‘ngóc đầu dậy là tao khóa cửa đến mai’. Điều này từng được chị thu nhận tại một trường quốc tế.

Chị Catherine Yến Phạm phân tích, có rất nhiều cách dạy trẻ mà không cần đến những hành động ác độc kia, nhưng ở rất nhiều trường mầm non, ‘người trên dạy người dưới cách đối phó’ thay vì hợp tác với trẻ. Không ít cô truyền tai nhau rằng ‘phải la hét đánh đập tụi nó mới sợ’. Đa số phụ huynh mong muốn cô sẽ cưng con mình. Lương giáo viên không đủ sống, công việc stress nhiều lại không được quan tâm nên giáo viên sẽ trút lên đầu trẻ.

Nhà giáo Trần Thị Giáng Châu (Q.2- TP.HCM): Qua nnhững vụ này cho thấy việc đào tạo giáo viên mầm non bị coi nhẹ quá hoặc người ta đang tuyển ‘tay ngang’ vào trường. Họ đã xem nhẹ giáo dục mầm non nên mới để những người không yêu trẻ, không qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng sư phạm giữ trẻ chứ không phải giáo dục trẻ. Giá như, lương giáo viên mầm non cần cao hơn, để các cô yên tâm làm việc, vừa là cô, vừa là mẹ hiền của các con.  

3 dấu hiệu nhận biết trẻ bị bạo hành

Để giúp cha mẹ tinh ý phát hiện các dấu hiệu con ở lớp bị cô ghét hoặc đánh đòn, chuyên gia Catherine Yến Phạm lưu ý mấy điều cơ bản:

- Khi đón con về mà con vui như Tết và không muốn ở lại trường thêm một giây phút nào nữa.

- Đi học đã hơn 1 tuần hoặc 2 tuần mà con vẫn khóc lóc.

- Cả khi nằm ngủ con cũng xin đừng đưa con đến trường.

3 yếu tố trên góp phần cho thấy chắc chắn có yếu tố bạo hành về thể chất hoặc tinh thần. Những trẻ chưa biết nói, từ 6 đến 18 tháng thì cha mẹ càng rất phải tinh tế quan sát và đoán biết thái độ của con.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm