Những lý do khiến chị em ít đi tầm soát ung thư cổ tử cung

Phạm Thương
02/12/2023 - 19:16
Những lý do khiến chị em ít đi tầm soát ung thư cổ tử cung

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương (Linh Tây, TP Thủ Đức, TPHCM) được bác sĩ tư vấn về phương pháp tự lấy mẫu xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung tại nhà.

Nhiều rào cản về tâm lý, chi phí, địa lý hay khả năng tiếp cận phương pháp sàng lọc hiệu quả đã khiến nhiều ca ung thư cổ tử cung phát hiện ở giai đoạn muộn, giảm hiệu quả điều trị và tỷ lệ sống sau 5 năm.

Ngày 2/12, tại TP Thủ Đức, Hội LHPN TP Thủ Đức (TPHCM) phối hợp cùng chiến dịch "Để Cổ nói" tổ chức chương trình truyền thông "Tầm soát ung thư cổ tử cung ngay hôm nay" cho hơn 300 hội viên, phụ nữ trên địa bàn.

Thông qua chương trình, phụ nữ được trò chuyện trực tiếp cùng các chuyên gia đầu ngành về sản phụ khoa, tìm hiểu về ung thư cổ tử cung (UTCTC), virus HPV - nguyên nhân gây nên 99% các trường hợp UTCTC, lý do chậm trễ trong việc tầm soát UTCTC và các phương pháp xét nghiệm sàng lọc định kỳ để phòng ngừa bệnh.

Bác sĩ CK II Phạm Hồ Thúy Ái - Phó Trưởng Khoa khám Phụ khoa, Bệnh viện Từ Dũ cho biết: Hiện nay, các Hội phụ nữ, báo đài, mạng xã hội đã truyền thông rất nhiều về UTCTC nhưng vì sao nhiều chị không đi làm tầm soát. Bởi vì, phụ nữ thường dành thời gian lo toan cho gia đình, con cái, công việc, nếu đi khám thường tốn thời gian hơn 1 buổi, 1 ngày. Nhiều chị bận rộn quá nên quên chăm sóc bản thân. Thứ 2, xét nghiệm sàng lọc mỗi năm tốn kém chi phí cũng khiến chị em lăn tăn. Thứ 3, nhiều chị em ngại ngùng trong quá trình đi khám, chị em từng sinh thường thì ít ngại, nhiều chị em sinh mổ hay mới lập gia đình thì việc thăm khám lấy mẫu xét nghiệm khiến chị em khó chịu. Thứ 4, nhiều chị em cứ nghĩ chỉ đi khám khi có bất thường. Chị em không tiếp cận với thông tin, không hiểu rằng đi khám phụ khoa là phải sàng lọc ung thư để bảo vệ sức khỏe cho mình.

Những lý do khiến chị em ít đi tầm soát ung thư cổ tử cung- Ảnh 1.

Bác sĩ CK II Phạm Hồ Thúy Ái (bên phải) - Phó Trưởng Khoa khám Phụ khoa, Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ tại chương trình.

Chị Trương Thị Nhiều (An Phú, Thủ Đức, TPHCM) cũng thừa nhận bản thân từng chủ quan với sức khỏe sinh sản của mình. Chị Nhiều từng mắc bệnh ung thư cổ tử cung vào năm 45 tuổi. Trước khi phát hiện có bệnh, chị không đi tầm soát. Nhưng trong một lần cơ quan cho đi khám sức khỏe định kỳ và phát hiện có tế bào lạ, chị phát hiện ra bệnh và điều trị kịp thời. "Tôi cũng may mắn khi phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời nên hiện nay sức khỏe đã ổn định. Tôi muốn nhắn gửi với các chị em rằng, bệnh có thể đến bất cứ lúc nào nên chị em phải biết yêu thương chính mình, phải đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư. Đừng vì bận rộn hay ráng kiếm thêm tiền mà bỏ qua lịch đi khám", chị Nhiều nhắn nhủ.

Còn chị Nguyễn Thị Thanh Hương (Linh Tây, Thủ Đức, TPHCM) cho biết, vợ chồng chị bị hiếm muộn con cái, sau thời gian 5 năm chữa trị mới sinh được con. Vậy nên, chị rất quan tâm đến việc tầm soát bệnh tật. Chị Hương chia sẻ: "Vợ chồng tôi cưới nhau từ năm 25 tuổi, nhưng đến 30 tuổi tôi mới sinh được con đầu lòng. May mắn là đứa con thứ 2 thì đến tự nhiên, nên tôi đặt tên con là Nhiên. Vì thế, tôi rất sợ đau ốm, mắc bệnh hiểm nghèo. Nếu tôi mắc bệnh gì nặng thì tội nghiệp cho các con. Cho nên, tôi rất quan tâm đến các chương trình truyền thông về sức khỏe, tôi cũng hay dành tiền để đi lên bệnh viện Từ Dũ tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung. Tôi nghĩ rằng, không phải đợi có nhiều tiền mới đi khám, đừng đổ lỗi cho chi phí. Đừng để khi mắc bệnh thì việc chữa trị còn tốn kém hơn rất nhiều".

Những lý do khiến chị em ít đi tầm soát ung thư cổ tử cung- Ảnh 2.

Các tuyên truyền viên tại TP Thủ Đức hưởng ứng lễ phát động chiến dịch "“Để Cổ nói”.

Tại chương trình, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, hiện nay mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 4.132 ca mắc mới và 2.223 ca tử vong (chiếm khoảng 54%). Chỉ 17% phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 65 từng tiến hành tầm soát UTCTC trong 3 năm vừa qua. Đây cũng là một con số khá khiêm tốn so với mục tiêu 70% phụ nữ trước 35 tuổi được khám sàng lọc sử dụng các hình thức xét nghiệm với độ chính xác cao, được tái xét nghiệm trước 45 tuổi, trong chiến lược toàn cầu của WHO, nhằm tăng tốc loại trừ ung thư cổ tử cung vào năm 2030.

Nhiều rào cản khiến cho nhiều ca UTCTC phát hiện ở giai đoạn muộn, giảm hiệu quả điều trị và tỷ lệ sống sau 5 năm. Không ít trường hợp phụ nữ phải cắt bỏ tử cung, mất đi khả năng sinh con và thiên chức làm mẹ. Thực tế, đa số các ca UTCTC đều có thể phòng ngừa, tránh được những hậu quả không đáng có này nếu được sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị các tổn thương tiền ung thư.

Những lý do khiến chị em ít đi tầm soát ung thư cổ tử cung- Ảnh 3.

Hơn 300 hội viên, phụ nữ tham gia chương trình.

Bà Trần Thị Đoan Trang - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Thủ Đức phát biểu: "Việc nâng cao nhận thức và chăm sóc cải thiện sức khỏe cho phụ nữ là mục tiêu luôn được Hội LHPN các cấp quan tâm, tổ chức, triển khai thực hiện. Sức khỏe phụ nữ được đảm bảo thì cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ hạnh phúc, sự ổn định trong công việc và tài chính của gia đình, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch". Chiến dịch "Để Cổ nói" và Chương trình "Tầm Soát Ung Thư Cổ Tử Cung Ngay Hôm Nay" là một hoạt động thiết thực, mang đến cho phụ nữ tại địa phương những kiến thức chắt lọc và chất lượng về căn bệnh phụ khoa phổ biến này, đồng thời truyền cảm hứng cho phụ nữ vượt qua những trở ngại của cá nhân để hành động ngay".

Chiến dịch "Để Cổ nói" được phát động từ tháng 6/2023, do Trung tâm vì sự phát triển Phụ nữ Bắc Trung Bộ (thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển, Hội LHPN Việt Nam), Hội Phụ sản Việt Nam với sự đồng hành của Roche Việt Nam khởi xướng. Đến nay, chương trình đã mang đến cho hàng nghìn phụ nữ nhiều kiến thức bổ ích về ung thư cổ tử cung, các biện pháp phòng ngừa và phát hiện sớm cùng phương pháp sàng lọc có độ chính xác cao.

Trong giai đoạn 2024-2026, chiến dịch "Để Cổ nói" đặt mục tiêu tăng cường các buổi truyền thông, tư vấn sức khỏe phòng chống UTCTC cho phụ nữ trên toàn quốc. Hướng tới việc mỗi cá nhân sẽ chủ động chia sẻ và truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe phụ khoa cho chính gia đình và bạn bè của mình. Từ đó, chiến dịch cũng góp phần tích cực vào kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm