pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Những mất mát bề ngoài không làm ảnh hưởng đến việc chúng ta đẹp như thế nào"
Bà Nguyễn Thủy Tiên, Đồng sáng lập Mạng Lưới Ung Thư Vú Việt Nam, chia sẻ tại chương trình.
Chương trình Talkshow "LoveYourBreast - Khoa Học và Tình Yêu" và triển lãm bộ ảnh "Cùng Nhau Bảo Vệ - Cùng Trao Yêu Thương" do tổ chức LoveYourBody kết hợp cùng Mạng Lưới Ung Thư Vú Việt Nam (BCNV) thực hiện với chủ đề phòng ngừa sớm ung thư vú. Chương trình nhằm hưởng ứng kỷ niệm 112 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, mang đến kiến thức và những giải pháp hiện đại hỗ trợ phụ nữ hiểu rõ sức khỏe bản thân hơn, ngăn ngừa bệnh ung thư vú. Chương trình đã thu hút nhiều chị em phụ nữ tại TPHCM tham gia.
Tại chương trình, bà Nguyễn Thủy Tiên, Đồng sáng lập BCNV, cho biết: Tại Việt Nam, hằng năm có khoảng 20.000 ca mắc ung thư vú, con số này còn cảnh báo tỷ lệ mắc ung thư vú ngày càng tăng. Rất nhiều người còn nghĩ rằng bệnh ung thư sẽ không đến với mình và gia đình mình. Nhưng những con số trên nêu ra để nhắc nhở mọi người rằng bệnh ung thư vú có thể xảy đến bất kể lúc nào. Khi chúng ta quan tâm đến vấn đề này sẽ có vốn kiến thức nhất định để phòng ngừa và giảm nguy cơ rủi ro xảy ra.
"Một số năm gần đây tỉ lệ mắc ung thư trẻ hóa rất cao. Tôi từng gặp em bé mới 9 tuổi và 12 tuổi mà đã mắc bệnh ung thư vú. Hiện nay, nhiều trẻ dậy thì sớm hoặc người trẻ hay tiêm các loại hormone nam hoặc nữ vào trong cơ thể cũng khiến nguy cơ ung thư vú tăng lên. Vậy nên, khi con cái bắt đầu có những dấu hiệu dậy thì, phụ huynh cũng nên quan tâm đến sức khỏe của con, trong đó có bệnh ung thư vú", bà Nguyễn Thủy Tiên cho biết thêm.
Cùng chia sẻ tại chương trình, bác sỹ Lê Hạnh, CKI tạo hình thẩm mỹ, bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM), cho biết: "Phụ nữ nên tầm soát ung thư vú từ khi bước vào độ tuổi sinh sản, trung bình từ 20-50 tuổi. Ngoài ra, phụ nữ bị hiếm muộn, vô sinh, người sinh con đầu lòng trên 35 tuổi cũng nên tầm soát vì những đối tượng này liên quan đến nội tiết tố. Hoặc những người có người thân trong gia đình mắc bệnh ung thư như buồng trứng, ung thư vú và những người có gen liên quan đến bệnh ung thư. Ung thư vú kết hợp bởi nhiều yếu tố như thể trạng, tiền sử gia đình và các gen đột biến khác. Ung thư vú phát triển thầm lặng nên khi phát hiện thường ở giai đoạn nặng. Nhưng nó cũng có những triệu chứng ban đầu nhưng vô tình chúng ta bỏ qua".
Tại chương trình, các khách mời tham dự đã dành nhiều thời gian đưa ra lời khuyên, động viên tinh thần và truyền năng lượng tích cực đến các bệnh nhân đang mắc bệnh ung thư vú nhân Ngày 8/3.
Bà Nguyễn Thủy Tiên nhấn mạnh: "Khi mắc bệnh ung thư vú, nhiều chị em phải cắt tóc hay cắt bỏ 2 bầu ngực, cơ thể phù nề vì vô hóa chất thì. Với người phụ nữ đây được xem là những phần kiêu hãnh nhất trên cơ thể. Khi phụ nữ mắc bệnh ung thư vú sẽ có nhiều thay đổi, mất mát. Những ai không may mất đi những bộ phận trên cơ thể của mình, tôi muốn nhấn mạnh rằng: Những mất mát bên ngoài sẽ không bao giờ ảnh hưởng đến việc chúng ta đẹp như thế nào và giá trị của chúng ta trong cuộc sống. Dù hoàn cảnh có làm ngoại hình chúng ta ra sao thì tâm hồn, thái độ sống của chúng ta không bao giờ thay đổi. Những chị em phụ nữ đang mắc bệnh ung thư càng phải làm cho bản thân mình đẹp nhất và rực rỡ nhất".
Còn bác sỹ Lê Hạnh chia sẻ: "Tôi cũng muốn nói với các chị em gái rằng vẻ đẹp của một cô gái không chỉ đến từ ngoại hình mà còn là những gì tình cảm, năng lượng mà cô ấy tạo ra. Mỗi người phụ nữ đều có một năng lượng riêng, có nét đáng yêu riêng. Vì vậy, chúng ta đừng bao giờ bỏ quên điều đó. Nếu không may, chúng ta mắc phải căn bệnh ung thư vú thì đừng quá tự ti. Còn vẻ đẹp tâm hồn đáng để chúng ta trân trọng".
Chị Võ Thị Kim Loan (Q.Bình Thạnh, TPHCM), bệnh nhân ung thư vú hơn gần 5 năm, cho biết: "Lần đầu tiên tôi nghe bác sỹ thông báo tôi mắc bệnh ung thư vú, tâm trí tôi hụt hẫng, chân tay rã rời. Bác sỹ kêu tôi ra đóng tiền mà tôi đi lòng vòng trong bệnh viện một cách vô định. Tôi đi đến lúc mỏi chân mới nhớ lại mình đi đóng tiền. Lúc đó tôi 37 tuổi, tâm lý bi quan lắm. Nhờ động lực từ con gái, gia đình và bạn bè tôi đã lấy lại tinh thần. Tôi bắt đầu suy nghĩ tích cực hơn. Tôi tìm cách giải quyết hơn là ngồi lo. Vậy nên, khi ai rơi vào hoàn cảnh như tôi, điều đầu tiên phải lạc quan, vì không ai giống ai hết. Đặc biệt, phải tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sỹ, phải giữ gìn sức khỏe".
Còn chị Trần Bảo Ngọc (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), bệnh nhân ung thư vú, gửi gắm: "Chị em hãy lắng nghe cơ thể mình nhiều hơn, đừng vì bon chen trong cuộc sống mà quên đi bản thân mình. Hãy theo dõi bản thân, khi có bất cứ dấu hiệu nào bất thường phải đến các cơ sở y tế để kiểm tra ngay. Nếu không may mắc các bệnh ung thư thì đừng quá hoang mang, bi quan. Hãy lạc quan và tìm niềm vui trong cuộc sống. Chúng ta phải bình tĩnh xử lý tình huống. Khi ta có lý do để sống, thì nghịch cảnh nào cũng sẽ vượt qua".