Những người hàn vết rạn hôn nhân

Linh Trần - Đình Hưng
28/06/2022 - 11:50
Những người hàn vết rạn hôn nhân

Bà Dương Thị Nguyệt (bìa phải) nhiều năm làm công tác hòa giải

Trong cuộc sống hôn nhân, những mâu thuẫn trong gia đình khó tránh khỏi. Mỗi lần các gia đình xảy ra mâu thuẫn đều có mặt các thành viên tổ hòa giải cộng đồng. Họ được bà con yêu mến gọi là “người hàn gắn hôn nhân”.

Hòa giải bằng lẽ phải, tình người

Năm nay đã 70 tuổi, nhưng ông Trần Đức Hậu, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 38, 40, 41 (Khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Đặc biệt, ông là Tổ trưởng Tổ hòa giải cơ sở, được cán bộ và nhân dân nơi đây đánh giá cao bởi làm tốt công tác hòa giải. Mới đây, ông đã hòa giải thành công mâu thuẫn của gia đình chị Linh - anh Kiên thuộc địa bàn của Tổ dân phố.

Chia sẻ về trường hợp này, ông Hậu cho biết, anh Kiên làm về du lịch, thường xuyên đi công tác xa nhà. Gần đây, vợ sinh con thứ 2, ông bà nội lên ở cùng để hỗ trợ trông cháu. Cũng từ đây, nảy sinh mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu. Chị Linh đi làm về lại tất tả lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, rồi chăm con. Ấy thế mà mẹ chồng không vừa mắt, lại hay nói xấu con. Chồng không đứng ra ngăn cản mà đứng về phía mẹ khiến chị Linh uất ức. Mâu thuẫn dồn nén, lên đến đỉnh điểm, chị Linh nộp đơn ly hôn.

Nhận được đơn của gia đình, Tổ hòa giải do ông Hậu làm Tổ trưởng đã đến tìm hiểu thông tin, gặp riêng chị Linh; anh Kiên để trao đổi, trò chuyện, từ đó nắm được nguồn gốc của vấn đề. Ông động viên, vợ chồng chị mỗi người nhường nhịn một chút, nghĩ đến 2 đứa con nhỏ. Thấy ông phân tích đúng, cả 2 cũng mềm lòng. Nhưng chỉ được vài hôm, mọi việc lại trở về như cũ. Sau khi Tổ hòa giải họp, đánh giá tình hình và xác định rằng, nguyên nhân chính là mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu. Vì thế, ông đã gặp riêng bố mẹ anh Kiên phân tích, động viên 2 cụ về quê một thời gian để hàn gắn tình cảm 2 con. Nghe lời khuyên, ông bà đã về quê. Hiện tại, vợ chồng chị Linh đã rút đơn ly hôn, cuộc sống êm đềm như trước.

Những người đi hàn vết rạn hôn nhân - Ảnh 1.

Ông Trần Đức Hậu

Câu chuyện của vợ chồng chị Linh là một trong số hàng chục trường hợp mà tổ hòa giải do ông Hậu làm tổ trưởng đã hòa giải thành công. Ông bảo, để hòa giải thành công, bản thân ông và các thành viên phải đi sâu tìm hiểu đời sống, tâm tư tình cảm của từng nhà trên địa bàn mình phụ trách. Ông tìm hiểu, nắm chắc vụ việc để phân tích đúng - sai cho từng bên rồi thuyết phục bằng lẽ phải, tình người.

Theo ông Hậu, người làm công tác hòa giải phải có uy tín trong cộng đồng dân cư, am hiểu pháp luật, nhất là Luật Hôn nhân-gia đình, Luật Thừa kế… Quá trình hòa giải phải biết lắng nghe, hiểu rõ nội dung sự việc. Nhiều việc phải hòa giải từng phần, phần nào cần làm trước, phần nào làm sau. "Mâu thuẫn ở cơ sở thường không lớn nhưng nếu không xử lý, giải quyết, hòa giải ngay từ đầu sẽ trở nên phức tạp. Mâu thuẫn giống như đám cháy nhỏ nếu không kịp thời dập tắt sẽ trở thành đám cháy lớn, khó khăn và phức tạp", ông Hậu nói.

Phải kiên trì

Tại địa bàn phường 14 (quận 11, TP HCM), khi nhắc đến bà Dương Thị Nguyệt làm công tác hòa giải thì hầu như ai cũng biết. Ở tuổi 65, bà Nguyệt đã có thâm niên hơn 20 năm làm công tác hòa giải và hiện là thành viên câu lạc bộ nữ hòa giải viên, tổ tư vấn cộng đồng. Bà chia sẻ, do tham gia công tác tại địa phương nên bà có điều kiện tiếp xúc nhiều với người dân. Với sự am hiểu về pháp luật, có cách tiếp cận khéo léo, bà đã giúp nhiều cặp vợ chồng hàn gắn hạnh phúc trước bờ vực tan vỡ.

Theo bà Nguyệt, bí quyết hòa giải thành công là trước khi tư vấn cho các cặp vợ chồng, bà đều tìm hiểu kỹ càng hoàn cảnh, nguyên nhân mâu thuẫn, tâm tư nguyện vọng để có cách tiếp cận phù hợp, hòa giải thành công. "Khi vợ chồng xảy ra cãi vã, đòi ly hôn thì chứng tỏ mâu thuẫn giữa họ đã diễn ra trong một thời gian dài, dai dẳng. Đối với những trường hợp này, việc hòa giải không thể diễn ra trong "một sớm một chiều" mà cần phải kiên trì, chia sẻ với cả vợ và chồng, của các thành viên trong gia đình thì mới có thể thành công", bà Nguyệt đúc kết.

Cũng theo bà Nguyệt, để làm tốt công tác hòa giải thì phải luôn lường trước được mọi tình huống có thể xảy ra để xử lý một cách kịp thời, đúng mực. "Nhiều năm làm công tác hòa giải, vui có buồn cũng có. Đã làm công việc này thì phải xác định không kể giờ giấc, ngày đêm, cứ có vụ việc xảy ra là đi ngay. Để làm được công việc này thì phải đam mê, may mắn là tôi còn được các con hỗ trợ, đồng tình nên gắn bó với công việc này lâu dài. Hiện nay, khi mạng xã hội phát triển, người dân tiếp xúc thông tin từ nhiều kênh khác nhau nên đòi hỏi công tác hòa giải ngày càng phải kiên trì hơn. Phải tìm hiểu, đưa ra hướng giải quyết đúng, thuận cho cả hai bên thì công tác hòa giải mới thành công", bà Nguyệt chia sẻ.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm