pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
Những người kể sử: Tự hào một thời "Ba đảm đang"
Bà Quýnh kể: "Trong giai đoạn đất nước có chiến tranh, phụ nữ huyện Đan Phượng chúng tôi rất trăn trở khi thanh niên thì có "Ba sẵn sàng", phụ lão có "Ba mẫu mực" nhưng phụ nữ không có khẩu hiệu nào để phấn đấu. Vì vậy, chị Thái, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đan Phượng lúc đó, rất trăn trở. Chị đã tổ chức một hội nghị mở rộng, mời tất cả đảng viên, hội viên phụ nữ của các xã về để xác định nhiệm vụ mới của phụ nữ địa phương. Tại Hội nghị mở rộng ngày 5/2/1965, chúng tôi đã bàn bạc và đi đến quyết định phụ nữ phải thực hiện 3 mục tiêu. Đó là: Đảm nhiệm sản xuất, thay thế chồng con đi chiến đấu; đảm nhiệm việc gia đình để chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm phục vụ chiến đấu khi cần thiết. Ngày 8/3/1965, lễ mit tinh phát động phong trào phụ nữ "Ba đảm nhiệm" được tổ chức. Cả hội trường ai cũng nhất trí cao. Sau đó, chúng tôi về triển khai ở tất cả 16 xã của huyện…
Sau khi phong trào "Ba đảm nhiệm" được Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động trên cả nước, rồi được Bác Hồ đổi tên thành phong trào "Ba đảm đang", phụ nữ xã Trung Châu rất phấn khởi, một người làm việc bằng hai, ngày đi sản xuất, tối tập luyện dân quân. Chúng tôi có câu khẩu hiệu "ruộng đồng là chiến trường, cày, cuốc là vũ khí". Phong trào sản xuất của chúng tôi nhờ có "Ba đảm đang" mà vụ sau cao hơn vụ trước. Đời sống của người dân được nâng lên, có đủ lương thực cung cấp cho tiền tuyến. Trong lúc đó, muốn cho năng suất cao, chúng tôi vận động chị em nhận ruộng cao sản, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức cấy chăng dây thẳng hàng. Trước đây, cấy không chăng dây thì mất nhiều diện tích. Từ khi cấy chăng dây thì mật độ khóm, mật độ hàng đầy đủ, năng suất cao hơn.
Thực hiện đảm đang gia đình để chồng con yên tâm đi chiến đấu, chúng tôi quán xuyến việc nhà, nuôi con, chăm sóc cha mẹ già chu đáo. Chúng tôi vận động mỗi chị em một tháng viết một lá thư động viên chồng, con ở tiền tuyến. Lúc đó, tôi là Chủ tịch Hội LHPN xã. Nhiều chị mang giấy, mang bút đến nhờ tôi "chị ơi, viết hộ em lá thư cho nhà em". Tôi vẫn nhớ, khi viết thư hộ, tôi phải đóng vai người vợ, động viên người chồng rằng: "Anh cứ yên tâm chiến đấu. Ở nhà, em sẽ chăm sóc bố mẹ, con chu đáo".
Phong trào "Ba đảm đang" được lan tỏa rộng khắp cả nước, nơi nào cũng nỗ lực thực hiện. Các xã ở gần chúng tôi như Thọ Xuân, Thọ An, trước đây, phong trào sản xuất rất khó khăn. Từ khi có "Ba đảm đang", họ đã tổ chức sản xuất đi vào quy mô, năng suất rất cao. Phụ nữ xã Trung Châu cũng đạt được nhiều kết quả, góp phần vào những mốc son của phong trào "Ba đảm đang".
Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều phụ nữ trong xã đã đảm nhiệm các vị trí như: Chủ nhiệm hợp tác xã, xã đội trưởng rồi Chủ tịch UBND xã. Những chị em được phân công đều rất cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được huyện, được xã giao. Đối với cá nhân tôi, từ Chủ tịch Hội LHPN xã, tôi đã được nhân dân tin tưởng, bầu làm Chủ tịch UBND xã. Nếu không có phong trào "Ba đảm đang" thì tôi cũng không thể trưởng thành được như vậy.
Hướng tới kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba đảm đang" (1965 - 2025), tôi nghĩ rằng, chúng ta cần nhóm lên "ngọn lửa" phong trào "Ba đảm đang". Để phát huy tinh thần "Ba đảm đang", tôi mong phụ nữ chúng ta không ngừng học tập, phát huy năng lực của người phụ nữ thời đại mới, góp sức xây dựng đất nước".
Từ phong trào “Ba nhiệm vụ” của phụ nữ huyện Đan Phượng đến cuộc vận động “Ba đảm đang” trên toàn miền Bắc
Từ đầu năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cả nước có chiến tranh. Chống Mỹ, cứu nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng nhất của toàn dân tộc.
Trong bối cảnh một bộ phận lớn nam giới ra tiền tuyến, việc phát huy cao độ truyền thống cách mạng, trí sáng tạo và khả năng lao động của phụ nữ ở hậu phương là một yêu cầu đặc biệt quan trọng.
Nhạy cảm trước sự biến chuyển của tình hình đất nước, một ngày sau sự kiện Mỹ đánh bom, bắn phá một số nơi trên miền Bắc (5/8/1964), Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ra Nghị quyết về công tác của Hội trong tình hình mới nhằm làm cho cán bộ, hội viên nhận thức rõ nhiệm vụ, tập trung mọi lực lượng làm tròn vai trò hậu phương lớn miền Bắc, cùng Nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Phát huy truyền thống cần cù, dũng cảm và khả năng lao động dồi dào của phụ nữ trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước, cùng truyền thống cách mạng của phụ nữ Việt Nam hình thành và phát triển kể từ khi có Đảng, lại được gợi mở bởi nhiều phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Ba sẵn sàng”, phụ nữ miền Bắc quyết xả thân vì nghĩa lớn. Nhiều nữ thanh niên viết đơn tình nguyện “Ba sẵn sàng”, xung phong làm thêm những công việc vốn của nam giới, sẵn sàng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu…
Đặc biệt, Hội Phụ nữ huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội) sớm đề xuất phong trào “Ba nhiệm vụ”, thể hiện ý chí và nguyện vọng của đông đảo phụ nữ trên địa bàn “cửa ngõ Thủ đô”. Ngày 18/2/1965, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ huyện họp hội nghị mở rộng với 130 đảng viên nữ để phổ biến tình hình và xác định nhiệm vụ mới của phụ nữ địa phương. Chị em bàn bạc sôi nổi và đi đến quyết nghị phụ nữ phải làm “Ba nhiệm vụ” để sẵn sàng thay thế anh em đi chiến đấu.
Sáng 8/3/1965, một ngày sau khi Mỹ chính thức tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đông đảo phụ nữ trong huyện tập trung tại Trường Phổ thông cấp II xã Đan Phượng nghe phát động phong trào.
Hội Phụ nữ Đan Phượng gửi quyết tâm thư lên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Đông, hứa thực hiện “Ba nhiệm vụ” trước mắt (1- Gánh vác thêm phần việc lao động của chồng con, anh em, hoàn thành mọi nhiệm vụ sản xuất ở địa phương, để chồng con, anh em yên tâm, sẵn sàng đi chiến đấu; 2- Khuyến khích chồng con, anh em gia nhập bộ đội hoặc tiếp tục ở lại bộ đội chiến đấu cho đến ngày không còn một tên lính Mỹ trên đất nước; 3- Tích cực tham gia mọi công tác chính quyền, đoàn thể, bảo vệ trị an, phục vụ chiến đấu ở địa phương, đồng thời sẵn sàng gia nhập bộ đội, chiến đấu giết giặc khi Tổ quốc cần nữ thanh niên tham gia).
Phong trào phụ nữ huyện Đan Phượng phát triển sôi nổi, được đưa tin trên báo Nhân dân và sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam, như một nhân tố mới xuất hiện trong phong trào phụ nữ miền Bắc lúc đó. Huyện Đan Phượng được đồng bào và chiến sĩ cả nước biết đến với tên gọi “Quê hương người gái đảm”.
Sớm nắm bắt tình hình thực tế, phát hiện kịp thời những nhân tố mới, nhất là tâm tư, nguyện vọng và khả năng cách mạng của phụ nữ, Ban Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đề xuất với Trung ương Đảng việc phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” và nhận được sự đồng ý của Bộ Chính trị. Ngày 18/3/1965, Trung ương Hội “kêu gọi chị em hãy nhiệt liệt hưởng ứng chủ trương của Trung ương Hội phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” (1-Đảm nhiệm sản xuất thay thế cho chồng con đi chiến đấu; 2- Đảm nhiệm gia đình để chồng con yên tâm chiến đấu; 3- Đảm nhiệm sẵn sàng phục vụ chiến đấu khi cần thiết).
Ngày 22/3/1965, Ban Thường trực Trung ương Hội ra Chỉ thị số 03/CT về mở cuộc vận động “Ba đảm nhiệm”. Cuộc vận động được các cấp hội triển khai mạnh mẽ đến từng cơ sở, được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương ủng hộ, được toàn thể Nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt. Đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp thường xuyên bám sát cơ sở, kịp thời động viên, thúc đẩy phong trào phát triển ngày càng sâu rộng.
Theo gợi ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đổi tên phong trào “Ba đảm nhiệm” thành phong trào “Ba đảm đang" (1-Đảm đang sản xuất và công tác; thay thế cho chồng, con đi chiến đấu; 2-Đảm đang việc gia đình cho chồng, con, anh em tòng quân và phục vụ lâu dài trong quân đội; 3-Đảm đang phục vụ chiến đấu, tham gia dân quân tự vệ, tập luyện quân sự để sẵn sàng chiến đấu; phục vụ bộ đội, công an, dân quân tự vệ khi chiến đấu).
Người kêu gọi: “Chị em phụ nữ hãy thực hiện thật tốt “Ba đảm đang” góp phần đắc lực đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Trước khi qua đời, Người còn căn dặn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ".
Nguồn: PGS.TS. Vũ Quang Hiển - Tạp chí Nhịp cầu tri thức