Những người phụ nữ gìn giữ hồn gốm Chăm

Mộc Lan
02/12/2022 - 18:28
Những người phụ nữ gìn giữ hồn gốm Chăm

Ảnh: Nguyễn Luân

Nghề gốm giúp phụ nữ Chăm giao lưu, tương tác trong lao động sản xuất, sinh hoạt xã hội. Di sản gắn liền với phong tục tập quán của người Chăm. Bảo vệ di sản là giữ gìn bản sắc văn hóa của người Chăm ở Việt Nam.

Những người phụ nữ Chăm làng Bàu Trúc thị trấn Phước Dân (Ninh Phước - Ninh Thuận) ai cũng biết làm gốm. Họ chính là nhân tố quyết định để nghề làm gốm cổ truyền của dân tộc được bảo tồn, lưu giữ và sống mãi với thời gian.

Làng gốm Bàu Trúc nay là một trong 15 khu phố thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. 94% dân số của làng là đồng bào Chăm, với 661 hộ/3.219 khẩu. Hầu hết các hộ người Chăm ở đây gắn bó với nghề làm gốm truyền thống của dân tộc.

Những người phụ nữ gìn giữ hồn gốm Chăm - Ảnh 1.

Những người phụ nữ Chăm làng Bàu Trúc thị trấn Phước Dân (Ninh Phước - Ninh Thuận) ai cũng biết làm gốm

Cho dù sản phẩm gốm tới nay không bán thật chạy, nhưng nó vẫn là công việc nuôi sống người dân làng Bàu Trúc. Làng có 400 hộ dân thì gần 80% sống bằng nghề gốm, hoặc liên quan tới gốm. Tới nay, những em gái Chăm 13 tuổi ngoài giờ đi học lại được bà, được mẹ dạy cho cách làm gốm. Điều đó giúp nghề truyền thống này không bị đứt đoạn.

Gốm của người Chăm chủ yếu là đồ gia dụng, đồ dùng cúng lễ và đồ mỹ nghệ như chum, nồi, mâm, bình... do phụ nữ sáng tạo. Bà Trương Thị Gạch (80 tuổi) ở làng Bàu Trúc – người phụ nữ đã học nghề làm gốm truyền thống từ năm 10 tuổi. Bà Gạch cho biết: "Tôi học được nghề là do bà nội để lại cho mẹ, rồi mẹ dạy cho tôi, bây giờ tôi truyền lại cho các con. Nghề nặn gốm ở Bàu Trúc chỉ dành cho phụ nữ làm, đàn ông chỉ đi hái củi, đào đất, gánh rơm phụ giúp lúc nung gốm thôi". Theo bà Gạch, gốm ở Bàu Trúc được làm thủ công ở tất cả các công đoạn và khác biệt so với bất kỳ loại gốm nào trên thế giới.

Những người phụ nữ gìn giữ hồn gốm Chăm - Ảnh 2.

Nét độc đáo trong công đoạn làm gốm ở Bàu Trúc là người thợ không dùng bàn xoay như ở các vùng làm gốm khác

"Có nhiều công đoạn làm gốm, trước hết và quan trọng nhất là công đoạn chọn nguồn đất làm nguyên liệu. Đất dùng làm gốm phải là đất ở con sông gần làng mang về phơi khô, rồi đổ nước vào ngâm cho đất mềm ra rồi lọc các tạp chất như rác, đá sỏi. Sau đó đất được trộn với cát và nước theo một tỉ lệ nhất định, dùng chân nhồi, trộn sao cho đất trở nên thật dẻo và thật nhuyễn, người ta gọi là "đất chín" thì mới dùng để nặn gốm được" – bà Gạch cho hay.

Nét độc đáo trong công đoạn làm gốm ở Bàu Trúc là người thợ không dùng bàn xoay như ở các vùng làm gốm khác mà dùng đôi chân di chuyển quanh khối đất cùng đôi tay khéo léo của mình để uốn nắn. Ở Bàu Trúc không có bất kỳ một khuôn đúc nào để làm gốm, mà tất cả các sản phẩm đều được làm từ đôi bàn tay điêu luyện. Gốm không tráng men và được phơi khô, nung ở ngoài trời bằng củi và rơm trong 7-8 giờ ở nhiệt độ khoảng 800 độ C.

Vừa qua, nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Quyết định được đưa ra trong phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, Marocco tối 29/11 (giờ Hà Nội).

Theo đại diện Cục Di sản Văn hóa, kiến thức và kỹ năng làm gốm được truyền cho nhiều thế hệ trong các gia đình. Nghề gốm giúp phụ nữ Chăm giao lưu, tương tác trong lao động sản xuất, sinh hoạt xã hội, giáo dục nghề nghiệp cho con cái, tăng thu nhập, nâng cao vai trò của họ trong xã hội. Di sản gắn liền với nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, trong đó có các nghi lễ liên quan đến ông tổ nghề làm gốm của người Chăm. Vì vậy, bảo vệ di sản là giữ gìn bản sắc văn hóa của người Chăm ở Việt Nam.

Những người phụ nữ gìn giữ hồn gốm Chăm - Ảnh 3.

Hiện nay nghề gốm đứng trước nguy cơ mai một

Hiện nay nghề gốm đứng trước nguy cơ mai một do số lượng nghệ nhân, người thực hành và học nghề tại các làng gốm ngày càng ít. Thợ lành nghề tuổi đã cao, trong khi thế hệ trẻ không có hứng thú. Tác động của quá trình đô thị hóa ảnh hưởng đến không gian các làng nghề thủ công truyền thống và nguồn nguyên liệu sẵn có. Ngoài ra, sản phẩm thiếu sự đa dạng, không phù hợp với nhu cầu khách hàng, chi phí sản xuất tăng cao và ảnh hưởng bởi Covid-19.

Bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Di sản Văn hóa - cho biết sẽ thực hiện các biện pháp bảo vệ các giá trị nghề làm gốm của người Chăm. Trong hồ sơ đề cử nêu chi tiết kế hoạch được thực hiện trong bốn năm, từ 2023 đến 2026. Trong đó, đề cập đến việc đào tạo, tư liệu hóa, giải quyết các vấn đề liên quan nguồn nguyên liệu và tạo sinh kế bền vững cho những người hành nghề.

Những người phụ nữ gìn giữ hồn gốm Chăm - Ảnh 4.

Cục Di sản Văn hóa sẽ thực hiện các biện pháp bảo vệ các giá trị nghề làm gốm của người Chăm

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm