Những người "sống liều" ở điểm nóng sốt xuất huyết
12/08/2017 - 20:39
Những người "sống liều" ở điểm nóng sốt xuất huyết; Đường tranh bích họa đầu tiên ở Hà Nội; "Xóm âm dương" kì lạ giữa Thủ đô... là những tin đô thị đáng quan tâm ngày 12/8.
"Sống liều" ở điểm nóng sốt xuất huyết
Ngách 59, ngõ Linh Quang (quận Đống Đa) dài khoảng hơn 100 mét, đây là lối đi duy nhất thông ra mặt hồ Linh Quang. Những mái nhà hai bên ngách 59 được phủ dưới bóng những rặng tre, điều hiếm thấy ở giữa Thủ đô Hà Nội. Đi sâu vào ngách 59 là cụm dân cư không số nhà, sống tạm bợ dưới những mái nhà lợp nilon, bạt hoặc tấm fibro xi măng. Họ là dân lao động ngụ cư từ khắp nơi lân cận trở về Hà Nội mưu sinh.
Con đường nhỏ hai bên là rác thải chất cao ngang ngực người chạy sâu vào trong ngõ, nơi mép hồ Linh Quang. Càng ra phía hồ, mùi hôi thối càng nặng, ruồi muỗi càng nhiều.
Hàng chục hộ gia đình sống trong môi trường cáu bẩn. Nhà vệ sinh lộ thiên được che bằng những tấm bì rách rưới, trống huếch trống hoác của nhà này lại kề với lu nước sinh hoạt dự trữ của gia đình khác.
Họ lấy nước nấu cơm, rửa rau, đi vệ sinh, thậm chí trẻ con mình trần tắm giặt vãi nước chảy ra cả con đường đất ẩm thấp, nhầy nhụa. Một số gia đình làm nghề đậu phụ, nước thải màu trắng đục, mùi chua chảy quanh quẩn nhả rồi xả xuống kênh. Ở một nơi gần đó, thùng chứa nước bằng nhựa cáu bẩn do để lâu ngày, người dân dùng nước trong đó để rửa rau.
Nơi đây đã có nhiều người dân bị sốt xuất huyết. Một số cư dân tỏ ý muốn được cơ quan chức năng vào bơm thuốc, xử lý khâu phòng bệnh sốt xuất huyết, nhưng phần đông trong số họ lại có ý muốn giấu diếm bởi đây là khu đất ngụ cư tạm bợ. (Nguồn: Gia đình & Xã hội).
Bé trai bị bỏ rơi ở Bệnh viện Từ Dũ đã được mẹ đón về
Sáng 12/8, chị Phạm Thùy Ngân (30 tuổi, quê Cà Mau, tạm trú huyện Bình Chánh, TPHCM) đã đến UBND phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 (TPHCM) để xin nhận lại con. Sau khi làm các thủ tục, đại diện UBND phường, Công an phường… đã tiến hành bàn giao cháu bé cho chị Ngân.
Trước đó sau khi xác minh các giấy tờ liên quan, UBND phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 đã xác định chị Ngân chính là mẹ ruột của cháu bé bị bỏ rơi tên Phạm Gia Huy, sinh ngày 16/1/2014.
Sau khi xác minh đầy đủ, đại diện UBND phường Phạm Ngũ Lão đã làm các thủ tục tiếp nhận cháu bé từ Làng Hòa Bình ở Bệnh viện Từ Dũ để tiến hành bàn giao lại cho mẹ ruột, tức chị Ngân.
Như tin đã đưa, khoảng 23h tối 11/7, trong lúc đang trực ở Bệnh viện Từ Dũ, các bảo vệ phát hiện bé trai khoảng 2 tuổi đang đi bộ một mình trước cổng bệnh viện.
Thời điểm các bảo vệ phát hiện bé, do không thấy người thân đi cùng nên các bảo vệ đưa bé vào Làng Hòa Bình ở Bệnh viện Từ Dũ để các bác sĩ chăm sóc, sau đó trình báo cơ quan chức năng địa phương.
Ngay khi tiếp nhận thông tin, phía UBND phường Phạm Ngũ Lão phối hợp cùng công an phường tiến hành các thủ tục xác minh thân nhân của cháu bé (Nguồn: Dân trí)
Đường tranh bích họa đầu tiên ở Hà Nội
Đường Hủng (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) là con đường đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội tính tới thời điểm này có những bức tranh bích họa xinh đẹp. Đây là công sức của người dân và Đoàn thanh niên xã Đan Phượng từ những ngày đầu tháng 7 năm nay.
Đường Hủng chỉ dài khoảng 200m nhưng dày kín những bức tranh rực rỡ sắc màu, từ những bức tranh cổ động xây dựng làng xóm tới những bức tranh khắc họa cuộc sống làng quê, khung cảnh đô thị tương lai đều được vẽ lên tường một cách sinh động.
Điều đặc biệt, những bức tranh này được vẽ hoàn toàn bởi những người con sinh ra và lớn lên tại địa phương, đang học tập những ngành liên quan đến mỹ thuật. Để hoàn thành con đường bích họa độc đáo này, không chỉ các bạn trẻ, người dân trong làng cũng góp tiền mua màu, mua bút thực hiện bức tranh này. Kể từ khi được hoàn thành, con đường bích họa đã thu hút được rất nhiều người từ xóm bên, thậm chí xã khác tới thăm quan. Đây cũng trở thành nơi trẻ con vui chơi mỗi buổi chiều bởi sự sặc sỡ của những bức tranh trên tường. (Nguồn: Trí Thức Trẻ).
"Xóm âm dương" kì lạ giữa Thủ đô
“Nghĩa trang mini” rộng khoảng 300m2 với gần 200 ngôi mộ, nằm trong khu dân cư thuộc phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Lối vào đây là con hẻm nhỏ rộng chừng 1m, đường đi chỉ vừa 1 xe máy.
Khu mộ này là một phần còn sót lại của nghĩa trang thuộc làng Quan Hoa cũ, hình thành từ năm 1985 khi mở đường Nguyễn Khánh Toàn. Trước kia, nơi đây là vùng đất hoang vu, chỉ có vài khu nhà trọ xập xệ dựng tạm cho sinh viên và người lao động thuê. Khi làng lên phố, mật độ dân cư tăng, nhà dân ngày càng tiến gần với những phần mộ. Tới bây giờ, khoảng cách từ cửa nhà dân tới những ngôi mộ chỉ là…vài gang tay.
Nơi đây, người dân sống ngay cạnh những ngôi mộ, với tay là chạm mộ, mở cửa sổ là nhìn thấy bia mộ, bát hương.
Những hôm nắng ráo, người dân bên đường còn tận dụng bờ tường, vòm mộ để phơi phóng và kê gác đồ đạc. Còn những hôm mưa to là nước tràn ra ngõ đi, có khi tràn vào nhà dân, kéo theo cả rác rưởi với vài cái kim tiêm theo dòng nước ra đường”. Về đêm, những phiến bia, ngôi mộ trở thành địa điểm cho con nghiện tìm đến, kim tiêm vương vãi khắp nơi.
Người dân nơi đây đã kiến nghị nhiều và từ lâu rồi về việc di dời khu nghĩa trang này ra một nơi tập trung xa khu dân cư nhưng chưa được. (Nguồn: Dân Việt)