pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nguyên nhân khiến miệng có vị mặn và cách xử lý
Một người bình thường có thể cảm thấy miệng có vị mặn khi ăn các thực phẩm có chứa muối hoặc đi bơi nuốt phải nước biển,... Tuy nhiên, nếu như lưỡi của bạn không tiếp xúc với những lý do kể trên mà vẫn có vị mặn thì cần phải xem xét một số dấu hiệu liên quan để xác định các nguy cơ sức khoẻ mà bạn có thể đang gặp phải.
1. Những nguyên nhân phổ biến khiến miệng có vị mặn
Cơ thể đang bị mất nước
Nếu bạn không cung cấp đủ nước cho cơ thể, nhất là khi ở ngoài trời nóng hay hoạt động thể chất nhiều có thể dẫn tới tình trạng mất nước. Khi cơ thể bị mất nước, nồng độ muối - nước sẽ bị mất cân bằng. Điều này dẫn tới nước bọt phát sinh nhiều khoáng chất có vị mặn hơn.
Khô miệng
Khô miệng cũng là một trong những dấu hiệu mất nước của cơ thể. Ngoài ra thì khô miệng cũng có thể là biểu hiện của một vài bệnh lý khác. Người bị khô miệng không chỉ cảm thấy miệng bị khô mà còn cảm thấy các vị khác như mặn hay đắng.
Chảy máu trong miệng
Nếu cảm thấy miệng có vị mặn xen lẫn với vị kim loại thì có thể bạn đang bị chảy máu trong miệng. Có nhiều lý do dẫn tới việc bị chảy máu trong miệng như ăn phải thức ăn sắc nhọn (gai, xương cá,...) hay gặp các tổn thương về nướu khác như chảy máu lợi, xây xát do dùng chỉ nha khoa, tăm xỉa răng, bị viêm lợi,...
Cơ thể bị thiếu chất dinh dưỡng
Thiếu hụt chất dinh dưỡng cũng có thể khiến miệng có vị mặn. Với những trường hợp nghi ngờ miệng có vị mặn do thiếu dinh dưỡng sẽ thường được chỉ định làm xét nghiệm máu để kiểm tra xem cơ thể bạn đang thiếu hụt nhóm chất nào.
Chất nhầy chảy xuống cổ họng
Với những người bị hội chứng chảy dịch mũi sau hay cảm lạnh, viêm xoang, viêm mũi dị ứng,.. thường gặp phải tình trạng chất nhầy chảy xuống cổ họng. Những chất nhầy này thường có vị mặn khiến bạn cảm thấy khó chịu.
Bị trào ngược dạ dày thực quản
Biểu hiện phổ biến của bệnh trào ngược dạ dày thực quản chính là miệng có vị mặn trong thời gian dài. Cơ chế gây ra hiện tượng này là do cơ thắt thực quản bị suy yếu làm cho mật hay acid từ trong dạ dày bị trào lên thông qua ống dẫn thức ăn. Lúc này bạn sẽ cảm thấy nóng rát lồng ngực và miệng có vị chua, vị mặn hoặc vị đắng.
Bị các tổn thương dạng nhiễm trùng trong miệng
Những bệnh nhiễm trùng miệng phổ biến như viêm nướu, viêm nha chu có thể khiến miệng có vị mặn và vị kim loại. Bạn có thể quan sát dựa trên các dấu hiệu như nướu bị đau, răng bị lung lay, hơi thở có mùi hôi khó chịu, chân răng có mủ, nướu bị lở loét,...
Ngoài nhiễm trùng nướu thì nhiễm trùng nấm men trong miệng cũng có thể khiến miệng có vị mặn. Người bị nhiễm trùng nấm men trong miệng hay xuất hiện những đốm trắng và cảm giác bị nóng rát. Bên cạnh vị mặn, bệnh nhân cũng có thể nếm thấy mùi kim loại hay vị đắng.
Người bị nhiễm virus HPV cũng có thể có cảm giác miệng có vị mặn. Nguyên nhân là do bệnh không được điều trị kịp thời, gây ho ra máu, khiến bạn nếm được vị mặn và vị kim loại.
Cơ thể bị mất cân bằng hormone
Nếu cơ thể bị mất cân bằng hormone sẽ có tác động tiêu cực tới vị giác của bạn. Đặc biệt là người đang ở giai đoạn mãn kinh hay đang mang thai.
Do tác dụng phụ của thuốc
Người đang điều trị ung thư rất hay gặp phải trạng thái miệng có vị lạ, trong đó có vị mặn do bị khô miệng. Ngoài ra cũng có một số loại thuốc có tác dụng phụ gây khô miệng hoặc ảnh hưởng đến vị của nước bọt khiến miệng có vị mặn.
Tốt nhất, khi được chỉ định dùng loại thuốc nào bạn nên hỏi bác sĩ về các tác dụng phụ có thể gặp, tránh hoang mang và có phương pháp can thiệp khi cần thiết.
Các vấn đề sức khỏe khác
Một vài vấn đề sức khoẻ có ảnh hưởng tới não hay dây thần kinh cũng có thể khiến miệng có vị mặn. Chẳng hạn như các chấn thương vùng đầu, chấn thương vùng cổ, tổn thương thần kinh, đa xơ cứng, liệt Bell hay u não,...
2. Cách xử lý miệng có vị mặn
Tuỳ vào nguyên nhân khiến miệng có vị mặn mà sẽ có các cách xử lý khác nhau. Nếu liên quan tới bệnh lý, tới loại thuốc đang được chỉ định sử dụng bạn nên nhanh chóng tới cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn sớm.
Ngoài ra, một số phương pháp giúp giảm vị mặn trong miệng mà bạn có thể tham khảo như:
- Uống đủ nước
- Khám nha khoa định kì
- Sinh hoạt và có chế độ ăn lành mạnh, giảm bớt đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ
- Hạn chế uống rượu, hút thuốc
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ,...