pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những “nữ chiến binh” bảo vệ rừng ở Indonesia
Một đội nữ kiểm lâm độc nhất vô nhị tuần tra rừng rậm ở Sumatra, chiến đấu với những kẻ săn trộm và lâm tặc trái phép. Ảnh: AFP
Ở Indonesia, một đội nữ kiểm lâm đã được thành lập để tuần tra rừng Sumatra, chiến đấu với những kẻ săn trộm và lâm tặc.
Bà mẹ 5 con 45 tuổi Sumini là một trong số những nữ kiểm lâm đó. Sumini thức dậy lúc bình minh để làm việc nhà, sau đó dẫn đầu một nhóm phụ nữ vào rừng sâu trên đảo Sumatra của Indonesia, thực hiện nhiệm vụ chống nạn phá rừng và săn bắt động vật hoang dã.
Đội nữ kiểm lâm độc đáo này chuyên truy quét những kẻ săn bắt và khai thác gỗ trái phép đe dọa các loài hổ, tê tê và các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng khác ở Indonesia.
Thủ phạm chủ yếu là nam giới, có thể là hàng xóm, thậm chí là chồng của các thành viên trong nhóm, những người sống tại làng Damaran Baru ở phía bắc Sumatra.
Trên đường đi, đội kiểm lâm 30 thành viên phải đối mặt với những định kiến phân biệt giới tính ở tỉnh Aceh, một nơi cực kỳ bảo thủ cũng như việc các nhà chức trách thờ ơ với sự tàn phá môi trường do khai thác gỗ trái phép và giải phóng mặt bằng cho nhiều đồn điền cà phê trong khu vực.
Mất rừng và mất môi trường sống từ lâu đã là một vấn đề ở Indonesia, một trong những quốc gia đa dạng sinh học nhất trên thế giới.
"Rừng luôn gắn liền với nam giới. Nhưng chúng tôi muốn thay đổi điều đó và cho mọi người biết rằng đó cũng là vấn đề của phụ nữ. Phụ nữ đang quan tâm về việc hủy hoại môi trường và đang hành động để khắc phục vấn đề này" - Sumini chia sẻ.
Hiện tại, con trai của Sumini và chồng cô cũng tham gia đội kiểm lâm. Đội bắt đầu hoạt động vào năm 2015 sau khi trận lũ quét phá hủy hàng chục ngôi nhà trong cộng đồng khoảng 1.000 cư dân. Sumini đã yêu cầu nói lý do tại sao lại có quá nhiều gỗ và cành cây trong dòng nước lũ từ một ngọn núi lửa gần đó.
"Khi chúng tôi đến đó, tôi thấy ngọn núi đã không còn cây cối", cô nói.
"Rừng bị tàn phá bởi nam giới trong vùng. Tôi đã rất tức giận và ngay từ lúc đó, tôi đã tự nhủ rằng mình sẽ đảm nhận vai trò bảo vệ rừng".
Tuy nhiên, những người phụ nữ này không nhận được sự trợ giúp từ chính quyền khi họ phàn nàn về những sườn đồi trọc do cây bị đốn. "Họ nghĩ rằng chúng tôi bịa chuyện. Đó là lý do tại sao chúng tôi thành lập đội", Sumini nói.
Cứ một tháng 2 lần, những người phụ nữ đầu trùm khăn, chân mang ủng cao su lên đường vào rừng khoảng năm ngày, nơi địa hình đồi núi dốc làm nhiệm vụ bảo vệ lá phổi thiên nhiên.
Đội kiểm lâm quan sát những nơi có dấu hiệu săn trộm và khai thác gỗ, bỏ đi bẫy động vật được đặt sẵn, ghi nhận các loài động thực vật và động vật hoang dã đặc hữu và dán các biển cảnh báo ngăn chặn các hoạt động trái phép.
Ngoài ra, đội cũng theo dõi các hoạt động phá rừng, cũng như trồng cây gây rừng của hàng nghìn người với sự giúp đỡ của nhiều tình nguyện viên hơn.
Nhưng ban đầu, đội không nhận được sự ủng hộ ở Aceh. Đây là khu vực duy nhất ở Indonesia có đa số người Hồi giáo áp dụng luật Sharia, các hành vi vi phạm có thể bị trừng phạt bằng hình thức đánh đập công khai.
Sumini nói: "Mọi người nghĩ rằng phụ nữ có thể tham gia vào các hành vi đồi bại trong rừng bởi vì chúng tôi thường có một người đàn ông đi cùng làm người dẫn đường". Sumini nói tiếp "Họ sẽ nói rằng tại sao lại để phụ nữ bảo vệ rừng? Đó không phải việc của phụ nữ".
Tuy nhiên hiện tại, một số kẻ săn trộm và lâm tặc trước đây đã trở thành tình nguyện viên. Trong số đó có Bustami, 54 tuổi, người đã dành nhiều năm săn bắn tê tê - loài động vật có vảy bị săn trộm để lấy thịt và vảy.
"Tôi thậm chí không thể đếm được số lượng tê tê mà tôi đã giết", ông nói. "Tôi đã kiếm được rất nhiều tiền từ việc săn bắt. Bây giờ, tôi đang bảo vệ môi trường và bù đắp lại cho những sai lầm trong quá khứ".
Tham gia đội với tư cách là người hướng dẫn và khuyến khích những thợ săn và lâm tặc khác bỏ nghề, Bustami bị một số nam giới trong làng chế giễu.
"Tôi không còn ngại ngùng khi làm việc cùng một nhóm phụ nữ vì những gì họ làm cho môi trường là một điều đáng quý", Bustami nói. "Tôi phải hỗ trợ họ chiến đấu vì chính nghĩa".
Thành viên của đội, Annisa cho biết, cô quyết tâm thay đổi những sai lầm trong quá khứ, bao gồm cả những tội lỗi của chồng cô, người từng phải ngồi tù vì khai thác gỗ trái phép. Người phụ nữ 40 tuổi này chia sẻ: "Ngôi làng của chúng tôi sẽ phải đối mặt với nhiều thảm họa hơn nếu không có các nữ kiểm lâm viên như thế này".
Chồng của Annisa là Muhammad Saleh, hiện cũng là thành viên của nhóm. Saled hiện không còn làm công việc phá hoại môi trường thiên nhiên như trước.
"Tôi xấu hổ vì vợ tôi đang làm việc để bảo vệ môi trường, còn tôi thì ngược lại", anh nói. Saled tiếp lời "Điều khiến tôi hối tiếc nhất là một số loài động vật hoang dã mà tôi từng săn bắt đã gần như không còn trong rừng nữa".
"Ban đầu, tôi thấy thật kỳ lạ khi phụ nữ lại bảo vệ rừng. Nhưng điều đó đã thay đổi sau khi tôi thấy tất cả những đóng góp tích cực mà họ đã thực hiện", một dân làng chia sẻ.