pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những "ông bố toàn thời gian" ở Trung Quốc
Một ông bố chơi với con tại nhà
He Jun cảm thấy khó xử khi mọi người hỏi anh làm công việc gì. Sau khi nhận được câu trả lời từ He, thoạt đầu người ta cho rằng anh là người giàu có nhưng khi hiểu ra mọi chuyện, thái độ của họ đều thay đổi. Người đàn ông 40 tuổi này là một trong những nam giới Trung Quốc đang làm một công việc từng được coi là "không thể tưởng tượng": nghỉ việc và ở nhà làm nội trợ. Mỗi sáng, anh chuẩn bị thức ăn cho con trong khi vợ đến văn phòng làm việc. Sau khi đưa con đến lớp, anh trở về làm việc nhà và cập nhật trang blog.
Vai trò đảo ngược
Việc một người đàn ông ở nhà chăm con gần như chưa từng được biết đến ở Trung Quốc cho đến gần đây. Xã hội truyền thống Trung Quốc vốn gia trưởng. Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi. Mặc dù vẫn còn khoảng cách giới trong thu nhập nhưng ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc giữ vị trí cao trong công ty và có thu nhập cao hơn bạn đời. Đó là lý do vì sao họ không muốn hy sinh sự nghiệp sau khi sinh con. Trong khi đó, nam giới trẻ Trung Quốc đang ấp ủ ý tưởng trở thành những ông bố hiện đại, đảm đang. Một cuộc khảo sát năm 2019 về các cặp vợ chồng trẻ của China Youth Daily cho thấy, hơn 50% nam giới ủng hộ ý tưởng trở thành một ông bố toàn thời gian.
Theo Li Xuan, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học New York-Thượng Hải, các ông bố Trung Quốc ngày nay sẵn sàng tham gia vào việc chăm sóc và thiết lập mối quan hệ tình cảm thân thiết hơn với con hơn thế hệ trước. Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích xu hướng này, vì nó giúp giảm gánh nặng cho các bà mẹ trẻ. Mặc dù vậy, đàn ông Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều áp lực xã hội để trở thành hình mẫu truyền thống. Lựa chọn từ chối vai trò đó không dễ dàng.
He và vợ đều làm công việc văn phòng ở Bắc Kinh, cả hai kết hôn vào năm 2010 và đón con đầu lòng năm 2016. Vì vợ sinh mổ, He xin nghỉ phép để chăm sóc vợ và con. Khi cả hai phải trở lại làm việc và gặp vấn đề trong việc chăm con, He đồng ý nghỉ việc, ở nhà làm nội trợ vì lương của vợ cao hơn. "Chúng tôi không xảy ra bất kỳ tranh cãi nào. Nó chỉ xảy ra một cách tự nhiên", He nhớ lại. Tuy nhiên quyết định này của He khiến bố mẹ đôi bên thất vọng. "Hầu hết mọi người đều cho rằng con người được tôn trọng chỉ khi kiếm ra tiền", anh chia sẻ.
Năm ngoái, câu hỏi "bạn có muốn trở thành một ông bố toàn thời gian?" thịnh hành trên Weibo với hơn 170 triệu lượt xem và câu trả lời từ nhiều cư dân mạng là "không". Nhiều người cho rằng, cả hai giới sẽ bị chỉ trích vì phá vỡ truyền thống. Những ông bố ở nhà thường bị chế giễu "không có khả năng hỗ trợ gia đình" trong khi những người vợ đi làm bị định kiến rằng "độc đoán và thiếu quan tâm". Mặc dù nhiều phụ nữ Trung Quốc phải gồng gánh để nuôi dạy con cái nhưng nhiều người cho biết không muốn chồng làm nội trợ.
Chen, một ông bố 38 tuổi làm nội trợ, khẳng định rằng xã hội đang thay đổi. Sau khi Chen kết hôn với một nhà văn người Thượng Hải vào năm 2012, cặp đôi đã thỏa thuận: Ai kiếm được ít tiền sẽ đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc con cái. Chen cho biết: "Vì vợ gánh vác tài chính gia đình nên tôi cố gắng để cô ấy có thể tập trung vào công việc của mình". Vai trò đảo ngược này đã giúp gia đình Chen xích lại gần nhau hơn. Theo Chen, định kiến về những người bố ở nhà làm nội trợ chủ yếu đến từ người thuộc thế hệ cũ. Anh cho biết hầu hết bạn bè và đồng nghiệp cũ đều ghen tị với mình. "Họ có thể muốn ở bên con và chơi với con mỗi ngày nhưng hầu hết các ông bố đều không thể làm được điều đó vì công việc", Chen cho biết.
Hình mẫu nam giới mới
Dai, một kỹ sư ô tô 33 tuổi, người được nghỉ phép 6 tháng để ở nhà sau khi con chào đời, cảm thấy thật may mắn khi có thể ở bên con trong khoảng thời gian đầu đời. "Nếu tôi không phải lo lắng về tiền bạc, tôi muốn trở thành một người bố nội trợ. Tôi rất hạnh phúc khi ở bên con và muốn tham gia nhiều hơn vào cuộc sống của con".
Theo Tang Min, 32 tuổi sống ở Bắc Kinh, số lượng ông bố nội trợ ngày càng tăng cũng có thể cho thế hệ trẻ thấy một hình mẫu nam giới mới. Giống như nhiều ông bố khác, Tang ít tham gia vào việc nuôi dạy con trai. Khi cậu bé mới chập chững biết đi, anh nhận thấy con quá nhút nhát. Vì vậy anh đã nghỉ việc và ở nhà để thay đổi phương pháp nuôi dạy con. Tang mất một thời gian để thích nghi với vai trò mới. Ban đầu, anh bực bội, cảm thấy như bạn bè đang thăng tiến trong khi bản thân ở nhà rửa chén, cọ toilet. Anh còn thường xuyên cãi nhau với vợ, cảm thấy mình hy sinh quá nhiều. Nhưng sau đó, Tang nhận ra, từ "hy sinh" chỉ nên dùng khi nghĩ sự nghiệp quan trọng hơn gia đình. Chưa kể, Tang muốn thay đổi vì con.
Vài năm làm nội trợ khiến He nhận ra cuộc sống của những người mẹ ở Trung Quốc vất vả như thế nào. Anh chia sẻ mặc dù trở thành một ông bố nội trợ rất khó khăn nhưng xã hội rất khoan dung với họ. Cho dù nhiều ngày liền không giặt quần áo cho con cũng không ai trách nhưng nếu đổi lại là phụ nữ, chắc chắn sẽ bị coi là người kém cỏi. Chen cũng có cùng suy nghĩ với He. Anh cho biết bất kể như thế nào, mọi người sẽ khen ngợi một ông bố làm nội trợ là dũng cảm và cho rằng để đưa ra được quyết định như vậy rất khó khăn. "Điều đó thực sự không công bằng đối với phụ nữ. Có lẽ dần dần, khi có nhiều ông bố làm nội trợ hơn, sự bất công này với phụ nữ cũng sẽ thay đổi".