pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những phụ nữ "dám nghĩ, dám làm" đem lại diện mạo mới cho miền quê xứ Thanh
Chị Lương Thị Minh đang chăm sóc đàn gia cầm của gia đình
Đổi thay nhờ chăn nuôi
Trong những năm qua, phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc. Trong đó, chị Lương Thị Minh (thôn Tân Thắng, xã Tân Bình, huyện Như Xuân) là một điển hình.
Vốn xuất thân từ gia đình thuần nông, những năm đầu mới lập gia đình cuộc sống chị Minh gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình đầu tư để phát triển kinh tế, gia đình chị cũng gặp nhiều vấn đề như thiếu vốn sản xuất, thiếu kinh nghiệm, thiếu đầu ra tiêu thụ sản phẩm,... Nhiều lúc chị cũng thấy nản chí muốn bỏ cuộc, Nhưng với bản tính chịu thương chịu khó, chị cố gắng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn và nỗ lực để làm giàu chính trên mảnh đất quê hương.
Được sự động viên, giúp đỡ của chị em phụ nữ trong Chi hội, chị đã bàn bạc với gia đình và mạnh dạn xây dựng chuồng trại để chăn nuôi. Qua 07 năm đầu tư phát triển kinh tế, từ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay gia đình chị đã có 11 con trâu, 3 con lợn nái sinh sản, trên 20 con lợn thịt thương phẩm, gần 100 con gia cầm các loại. Từ chăn nuôi bình quân hàng năm gia đình chị đã thu về trên 70 triệu đồng khi đã trừ chi phí.
Ngoài ra, bản thân và gia đình chị luôn chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia sinh hoạt Chi hội phụ nữ và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của một người hội viên, rèn luyện tốt phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang". Đồng thời, chị còn than gia vận động những hội viên khác trong Chi hội cùng nhau xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả.
Cô gái trẻ thành công với mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi
Dù còn trẻ, nhưng nhắc đến Phạm Thị Thu (thôn Vân Hòa, xã Cát Vân, huyện Như Xuân) không ít người phải trầm trồ. Bởi lẽ, dù còn trẻ nhưng Thu và đã cùng gia đình phát triển trang trại với nhiều cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Thu cho biết, sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm thì trở về địa phương với ấp ủ sẽ làm cô giáo. Tuy nhiên, do chưa có chỉ tiêu tuyển dụng, Thu đành ở nhà làm kinh tế cùng gia đình. Nhận thấy quỹ đất của gia đình dồi dào, nên đã trồng sắn và keo. Sau 5 năm khai thác, trừ chi phí gia đình thu được 10-12tr/năm/ha.
Năm 2014 qua tìm hiểu sách báo, gia đình em Thu đã đưa vào trồng thử nghiệm 1,5 ha Mắc Ca. Để đảm bảo tỷ lệ sống cao, cũng như phục vụ cho năm sau ra hoa đậu trái gia đình đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để tiêt kiệm chi phí, thời gian cũng như nguồn nước. Bên cạnh đó để lấy ngắn nuôi dài yên tâm sản xuất gia đình em nuôi thêm 50 bọng ong để thụ phấn cho hoa mắc ca, tạo nên thương hiệu mật ong hoa mắc ca.
Nhận thấy trồng cây mắc ca đem lại lợi nhuận cao, ổn định nên đầu năm 2018 gia đình em tiếp tục trồng thêm 1,5ha cây mắc ca nữa kết hợp trồng xen chè. Đến nay, số diện tích mắc ca này đã cho vụ quả bói. Đặc biệt, do tích lũy được kinh nghiệm qua các năm, tự ghép lại những cây không năng suất, cắt tỉa cành hợp lý, chọn lọc giống phù hợp xử lý được mầm hoa, góp phần nâng sản lượng lên 3.5 tấn/1ha.
Tổng thu nhập của gia đình đạt hàng trăm triệu đồng khi đã trừ chi phí. Ngoài ra, Thu còn còn trồng xen thêm mít thái, cam vinh, ổi, nuôi bò sinh sản, và gia cầm các loại.
Để đảm bảo vệ sinh môi trường, gia đình có làm đệm lót sinh học, dùng các chế phẩm IMO để khử mùi hôi chuồng trại; Kết hợp ủ phân để tạo ra nguồn phân hữu cơ bón cho vườn cây trồng giảm chi phí trong sản suất.
Với sự kiên trì, quyết tâm, không ngại gian khổ, Thu đã gặt hái được những kết quả trong quá trình sản xuất. Nhờ vậy, em và gia đình có thể vượt khó, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Qua đó, khẳng định được tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên của tuổi trẻ, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của thanh niên nông thôn.
Bà Vi Thanh Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Như Xuân cho biết, để hỗ trợ hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, thời gian qua, Hội LHPN huyện đã tập trung tuyên truyền đến chị em nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy khát vọng vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Bên cạnh đó, Hội cũng phối hợp với các phòng, ban trong huyện mở các lớp dạy nghề, lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; phối hợp với các Ngân hàng trong huyện tạo điều kiện cho 4.601 lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế, với tổng số tiền 235,717 triệu đồng; phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ 814 con giống cho gia đình phụ nữ nghèo ở xã Thanh Lâm, Thượng Ninh; tiếp tục duy trì hiệu quả chương trình "Ngân hàng bò"; phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện hỗ trợ và trao các suất quà cho gia đình hội viên phụ nữ nghèo, các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...
Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ, giúp chị em phấn khởi tự tin, vươn lên trong cuộc sống, từng bước nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo trên địa bàn huyện.