Những phụ nữ "dám nghĩ dám làm" trên vùng đất khó

Linh Trần
16/11/2022 - 08:24
Những phụ nữ "dám nghĩ dám làm" trên vùng đất khó

Chị Giàng Thị Dở thu hoạch dưa chuột trong nhà kính

Si Ma Cai là huyện vùng cao, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của các cấp Hội và chính quyền địa phương, cùng với sự thay đổi nhận thức, dám nghĩ, dám làm nhiều chị em đã thoát nghèo.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất khó

Năm 2016, chị Ly Thị Xây (Dân tộc Mông, thôn Thào Chư Phìn, xã Thào Chư Phìn) nhận thấy việc trồng ngô hiệu quả kinh tế không cao nên suy nghĩ phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Sau khi tìm hiểu, chị mạnh dạn đầu tư vốn chuyển đổi diện tích mảnh nương 3ha trồng ngô kém hiệu quả, sang trồng cây cam Vinh, cây quýt. "Khi tôi mang những gốc cam, gốc quýt đầu tiên về trồng trên mảnh đồi đầy nắng và gió này, không ai nghĩ tôi sẽ thành công. Bởi bao đời nay, người Mông ở nơi đây vốn chỉ quen với cây ngô, cây lúa", chị Xây chia sẻ. 

Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, cây bị bệnh chết khá nhiều, đã có lúc cũng thấy nản. Nhưng chị vẫn kiên trì, bền bỉ không bỏ cuộc, tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc.

Những phụ nữ "dám nghĩ dám làm" trên vùng đất khó - Ảnh 1.

Vườn cam của gia đình chị Ly Thị Xây

Đất không phụ công người, sau 5 năm cần mẫn, quyết tâm vượt khó, năm 2021 gần 3ha cam, quýt của gia đình chị Xây đã cho thu hơn 5 tấn quả, sau khi đã trừ các chi phí thu về gần 100 triệu đồng. Vụ cam năm nay, vợ chồng chị ước tính sẽ thu hoạch được khoảng 9 tấn quả. Với mức giá thị trường hiện nay, vườn cam dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận khoảng trên 150 triệu đồng.

Chị chia sẻ: "Trồng cam, quýt đòi hỏi kỹ thuật nhiều hơn các loại cây trồng khác. Cụ thể, từ cách đào hố, bón phân, cắt tỉa cành, trông nom dịch bệnh, tưới nước đều phải rất chăm chút, tỉ mỉ, đúng kỹ thuật. Những năm đầu, hai vợ chồng chị gần như dành toàn bộ thời gian cho vườn cây của mình".

Những phụ nữ "dám nghĩ dám làm" trên vùng đất khó - Ảnh 2.

Chị Xây chăm sóc vườn cam của gia đình

Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng hiện nay là hướng đến thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh, có lợi cho sức khỏe... Vì vậy, trong quá trình chăm sóc, gia đình chị Xây chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, công việc phát dọn cỏ được làm thủ công. Nhờ đó, ngoài việc giao và bán lẻ tại chợ, thông qua các trang mạng xã hội, các du khách còn đến thăm quan và mua tại vườn.

Từ thành công của chị, hiện nay, cấp ủy xã Thào Chư Phìn cũng vận động, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khuyến khích bà con nhân dân phát triển cây ăn quả.  Để người dân có nguồn lực đầu tư phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát triển kinh tế.

Cũng như chị Xây, chị Giàng Thị Dở (thôn Chu Liền Chải, xã Quan Hồ Thẩn) đã quyết định trồng dưa trong nhà kính. Hiện tại, vườn dưa của gia đình chị có diện tích 1.000m2. Sau 4 tháng gieo trồng, hiện nay gia đình chị Dở đang bắt đầu thu hoạch những lúa quả dưa chuột đầu tiên, ước tính gần 30 triệu đồng.

Những phụ nữ "dám nghĩ dám làm" trên vùng đất khó - Ảnh 3.

Chị Giàng Thị Dở thu hoạch dưa trong nhà kính

Chị Dở cho biết, ưu điểm của việc trồng dưa chuột trong nhà kính giúp chắn được mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, đồng thời chủ động chế độ chăm sóc, nên dưa sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài ra, gia đình chị còn sử dụng nguồn phân hữu cơ để chăm sóc, nên sản phẩm làm ra an toàn, giảm chi phí sản xuất.

Theo chị Dở, giống dưa chuột địa phương này, rất sai quả, nên năng suất cao, với diện tích 1.000m2 hiện chưa phải cuối vụ, mà gia đình tôi đã thu về 1 tấn quả. Với giá bán trung bình là 15.000 đồng/kg, nếu trừ chi phí giống, phân bón cũng cho gia đình thu nhập ổn định, cao hơn so với trồng ngô, lúa gấp 3 đến 4 lần.

Dù là năm đầu tiên gia đình chị Dở đưa giống dưa chuột vào trồng tại nhà kính, nhưng sản phẩm thu hoạch thì ngoài sự mong đợi, quả qua căng mọng, mẫu mã đẹp, chất lượng thì được khách phản hồi là ăn ngọt và giòn khác với việc trồng tại nương đồi. Sản phẩm thu hoạch đến đâu được tiêu thụ đến đó. 

Tuy là năm đầu tiên, thế nhưng đây là một trong những mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị Dở, mà còn mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại xã Quan Hồ Thẩn nói riêng và huyện Si Ma Cai nói chung.

Hội là cầu nối

Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, nhiều dân tộc thiểu số, việc hỗ trợ hội viên phụ nữ vùng cao có việc làm, tăng thu nhập là nhiệm vụ rất quan trọng, được các cấp Hội Phụ nữ triển khai với nhiều giải pháp. Bà Dương Thị Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Si Ma Cai cho biết: Hội viên phụ nữ Si Ma Cai trong những năm qua đã tích cực tham gia phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới" và cuộc vận động rèn luyện phẩm chất đạo đức "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang".

Những phụ nữ "dám nghĩ dám làm" trên vùng đất khó - Ảnh 4.

Chị Dở chăm sóc vườn dưa của gia đình

Ngoài ra, Hội cũng đã triển khai sâu rộng cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đô thị văn minh, xây dựng nông thôn mới"; triển khai mô hình sáng tạo thực hiện "Mỗi cơ sở hội giúp thêm được ít nhất 2 hộ gia đình đạt các tiêu chí "5 không, 3 sạch". So với năm 2016, đến nay, số hộ phụ nữ đạt "5 không, 3 sạch" tăng gấp 4 lần lên 2.087 hộ.

Bên cạnh đó, các cấp hội tập trung tuyên truyền để hội viên thay đổi nhận thức, khơi dậy khát vọng vươn lên trong đời sống, xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhiều mô hình sáng tạo đã được cấp hội cơ sở thực hiện. Cùng với đó, việc triển khai hiệu quả các phong trào thi đua và khai thác, quản lý, giám sát các nguồn vốn vay đã giúp nhiều hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nhờ đó, các mô hình kinh tế có giá trị thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm do phụ nữ làm chủ xuất hiện ngày càng nhiều. Với phương châm hành động "Phụ nữ vì phụ nữ", phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế với mô hình "Hai phụ nữ giúp đỡ một phụ nữ" đã được các cơ sở hội phụ nữ trên địa bàn huyện triển khai sâu rộng và duy trì thực hiện hàng năm. Trong năm 2021, đã có hàng chục tập thể và cá nhân phụ nữ đã giúp hơn 50 hội viên có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng con giống, 514 cây giống và hỗ trợ ngày công lao động cho phụ nữ khó khăn. "Với sự chung tay của các cấp Hội, nhiều hội viên, phụ nữ đã mạnh dạn thay đỏi suy nghĩ, cách nhìn, đầu tư sản xuất theo hướng mới, nông nghiệp công nghệ cao. Nhờ đó, giúp chị em nâng cao thu nhập, thoát nghèo và từng bước làm giàu trên mảnh đất khó", bà Hoa chia sẻ. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm