Những phụ nữ không có Tết

05/02/2016 - 07:00
Với nhiều bác sĩ hay những người lao động nghèo mưu sinh ở thành phố, Tết dường như chẳng khác gì những ngày thường.
Giao thừa vẫn cấp cứu người bệnh
“Nhớ Tết năm nào, khi chỉ còn vài chục phút là đến giao thừa thì bất ngờ có bệnh nhân nhập viện, vậy là ê kíp trực chúng tôi lại cấp tập thăm khám, cấp cứu để rồi quên bẵng cả phút giao thừa thiêng liêng đi qua”, bác sĩ Hà Thị Sen (Viện Huyết học Truyền máu Trung ương) kể. Đón năm mới trong bệnh viện luôn có những khoảng lặng, trầm buồn bởi đâu đó vẫn luôn có tiếng thở dài lo lắng của bệnh nhân, còn với ê kíp trực là nỗi niềm riêng hướng về gia đình, người thân.
1.JPG
 Bác sĩ Sen khám bệnh trong 1 ca trực Tết.
Bác sĩ Sen và chồng cùng quê Thái Nguyên, rất hiếm năm chị được ở bên chồng con đón một cái Tết trọn vẹn vì lịch trực kéo dài từ năm cũ sang năm mới. Năm ngoái, sau bữa cơm tất niên sớm vào trưa 29 Tết, bác sĩ Sen tiễn chồng và 2 con ra xe về quê với ông bà, còn chị đến bệnh viện. Những năm đầu mới lấy nhau, anh Thành chồng chị thấy rất trống trải vì nhà vắng vợ. Sau dần cũng quen, càng hiểu và chia sẻ hơn với vợ. Tuy nhiên, các con thì khó có thể quen với việc đó, vẫn mong có mẹ đưa đi chơi Tết, điều này cũng khiến anh Thành nhiều hôm trăn trở. “Tôi hầu như ít nhắc tới lịch trực Tết của cô ấy, nhất là lúc vợ rời nhà đến viện. Thậm chí, tôi không dám nhìn lâu vào mắt các con vì biết lũ trẻ đang rất buồn. Nhiều năm rồi, mấy bố con tôi vẫn mong ước cô ấy có được một kỳ nghỉ Tết dài ngày bên gia đình”, anh Thành chia sẻ.

Nữ điều dưỡng viên Phạm Thị Hồng (quê Thái Bình) là cô dâu mới về nhà chồng, nhưng cũng do đặc thù nghề nghiệp mà Tết này cô ngậm ngùi chưa thể làm tròn vai trò của một nàng dâu hiền, đi chào hỏi, chúc Tết gia đình bên chồng. Anh Phạm Duy Thành (chồng của Hồng) chia sẻ: “Người mình vốn trọng tình cảm, bố mẹ tôi ở quê càng quan trọng việc hiếu hỉ, có ý ngóng chờ con dâu mới về ăn tết để giới thiệu với họ hàng nhưng cô ấy lại vướng lịch trực, vậy là chỉ có mình tôi lủi thủi về quê, nghĩ cũng chạnh lòng”.
2.JPG
 Điều dưỡng viên Phạm Thị Hồng
Mưu sinh và hy vọng ngày Tết
Đã gần Tết, chị Đinh Thu Huệ (Tam Dương, Vĩnh Phúc) nhân viên vệ sinh của một công ty chuyên dịch vụ làm sạch tại các bệnh viện vẫn đang đều tay đưa những nhát chổi lau sàn dọc khu hành lang. Dù quê nhà chỉ cách chỗ làm việc vài chục cây số nhưng đã 6 năm rồi chị Huệ đón Tết một mình trong căn phòng trọ nhỏ hẹp ở Thủ đô. Vợ chồng chị đều là lao động nghèo mưu sinh ở thành phố với mức lương ít ỏi từ 2 đến 2.5 triệu đồng/tháng. Anh chị phải kiếm thêm thu nhập bằng việc nhận dọn dẹp nhà cửa, làm osin theo giờ ở bên ngoài. Nguồn việc này dồn dập vào những ngày cận Tết giúp 2 vợ chồng kiếm khoản tiền bằng cả tháng lương. Mấy năm nay gần đây, chị Huệ chỉ tranh thủ về quê vào ngày cúng ông Công ông Táo rồi lại lên Hà Nội ngay để kịp đi làm.
Chồng chị Huệ chạy xe ôm, tranh thủ được một vài ngày Tết về quê với các con, mang theo chút quà hiếu hỉ với ông bà nội ngoại. “Chiều 28, 29 Tết, nhìn chồng túi xách, ba lô khăn gói ra bến xe, tôi cứ thấy nghèn nghẹn trong lòng, phải lặng lẽ giấu đi nước mắt thương chồng, nhớ con”.
Ở một khu trọ nghèo tại quận Hoàng Mai, anh Nguyễn Văn Tâm (quê Nam Định) đã nhiều năm đón Tết xa quê, xa vợ. Anh Tâm mắc căn bệnh suy tim nặng, vợ chồng phải rời quê lên Hà Nội chạy chữa. Thường ngày anh ngồi bán đậu phụ ở chợ Tân Mai, còn chị Liên vợ anh tần tảo với đủ thứ công việc từ bán hàng rong, làm ô sin và hiện làm công nhân tại khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai). Hằng tháng chị tiết kiệm hơn nửa số tiền lương 4 triệu đồng gửi ra Hà Nội cho chồng chữa bệnh.
3.jpg
Anh Tâm ngồi bán đậu tại chợ Tân Mai những ngày giáp Tết
Anh Tâm kể, để kiếm tiền, chị Liên hết làm thêm ngày nghỉ lại đi tăng ca, ốm mệt chẳng dám nghỉ, nhưng vẫn luôn động viên chồng “còn nước còn tát”. Anh Tâm bộc bạch: “Đây là cái tết thứ 4 vợ tôi phải xa chồng con. Nhớ sáng mùng 1 năm ngoái, đường phố Hà Nội vắng lặng, nghe tiếng chúc tụng từ nhà bên vọng sang, tôi ngồi thừ ra như mất hồn và rồi không thể ghìm nén cảm xúc, tôi điện thoại cho vợ, đầu dây bên kia cô ấy tủi thân bật khóc nức nở”.
Tết này cũng như những cái Tết đã qua, bố con anh Tâm vẫn quạnh quẽ vì thiếu vắng bàn tay người phụ nữ chăm sóc. Anh Tâm mua ít bánh kẹo gửi về quê biếu cha mẹ, còn tại khu trọ nghèo, 2 bố con sắm sửa mâm cơm, vài cành hoa nhỏ dâng lên bàn thờ thắp hương. Anh Tâm nói: “Dù cuộc sống có nhiều nỗi nhọc nhằn nhưng khi mùa xuân về thì mỗi người đều tạm gác lại mọi phiền lo đề cầu mong và hy vọng điều tốt lành sẽ đến trong năm mới”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm