Trao đổi với Phụ nữ Việt Nam ngày 15/3, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh cho biết bản thân bà cảm thấy thắc mắc trước quy định nữ sinh ửng tuyển vào Học viện Tòa án bị giới hạn cân nặng (trên 48kg và dưới 60kg).
“Tôi cũng chưa hiểu khi đưa ra quy định đấy thì trường dựa trên cơ sở khoa học nào. Vấn đề cân nặng ảnh hưởng gì đến tính chất công việc? Hay nói cách khác là yêu cầu công việc ấy cụ thể là yêu cầu gì liên quan đến cân nặng” – bà Minh nói.
Theo bà, một số ngành rất đặc thù và yêu cầu rõ về sức khỏe thì đây là quy định bắt buộc, ví dụ trở thành phi công thì phải kiểm tra các chỉ số sức khỏe cơ bản, nếu đáp ứng được mới đi các bước tiếp theo. Vấn đề là do đặc thù công việc, sức khỏe xuất phát từ yêu cầu của công việc thì mới đề ra quy định, chứ không nên nhắm vào sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới tính.
Chính vì vậy, khi đưa ra quy định tuyển sinh giới hạn cân nặng, phía nhà trường cần làm rõ hơn về việc cơ sở nào, vị trí công việc mà người ta đào tạo cần những yêu cầu cụ thể nào để đáp ứng tốt cho vị trí công việc thì sẽ hợp lý hơn.
“Còn nếu dựa vào phân biệt trên cơ sở giới mà không đưa ra bất cứ lời giải thích thỏa đáng nào về yêu cầu công việc thì vô hình chung đang có sự phân biệt đối xử về giới, đương nhiên đi trái luật bình đẳng giới, bởi chúng ta đang hướng đến một xã hội mang lại nhiều sự lựa chọn cho tất cả mà không dựa trên bất kỳ sự phân biệt đối xử nào. Đấy là điều cần làm rõ” – bà Minh phân tích.
Nói về tính chất công việc của các ngành nghề, theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh, bất kỳ ngành nào cũng đều có áp lực, yêu cầu riêng. Nghề nào cũng cần đến sức khỏe tốt, nhưng cốt lõi là cá nhân thí sinh biết dựa vào khả năng của mình về mọi mặt để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân.
Riêng với những ngành cần nhiều đến tư duy, trí óc thì “thấp bé nhẹ cân”, theo bà Minh về cơ bản không ảnh hưởng gì quá lớn đến công việc. Ngành tòa án thì theo bà quan trọng nhất là trí tuệ, các chỉ số IQ, EQ, nhận thức… còn nếu yêu cầu về sức khỏe thì phải đưa ra các lý do thật đặc biệt, chi tiết, cụ thể, thỏa đáng cho từng nhóm ngành cụ thể thì mới thấy thuyết phục.
Mỗi ngành có cách để kiểm định sức khỏe khác nhau, vấn đề phải có cơ sở khoa học, đưa ra các tiêu chí rõ ràng, có trách nhiệm giải trình, dựa trên cơ sở khoa học chứ không phải dựa trên cảm tính, tạo nên một hành lang, sự phân biệt không thỏa đáng, từ đó tạo nên bất bình đẳng xã hội.
“Nếu không có giải thích thỏa đáng thì sẽ vô hình chung tìm cách ngăn trở cơ hội của mọi người, làm hạn chế lực lượng lao động, làm thiệt hại về mặt xã hội, bỏ qua lao động có đam mê và năng lực thật sự nhưng vì những rào cản không cần thiết mà xã hội bị thiệt hại nhiều” – bà phân tích.
Chính vì vậy, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh cho rằng những quy định này là “yếu ớt” và cần phải cân nhắc. Nếu trường cảm thấy không thực sự phải cần đến mức như vậy thì không cần thiết phải đặt ra rào cản làm mất đi lợi ích xã hội và cơ hội cho từng cá nhân, thay vào đó cần tạo điều kiện tăng thêm lựa chọn cho mỗi ứng viên trong quá trình tuyển lựa đầu vào.
Như PNVN thông tin, ngày 8/3/2019, Học viện Tòa án ra công văn hướng dẫn công tác sơ tuyển vào trường năm 2019 trong đó nêu ra một số tiêu chuẩn sơ tuyển với thí sinh vào Học viện Tòa án.
Nội dung đang khiến rất nhiều thí sinh, đặc biệt là thí sinh nữ, băn khoăn chính là yêu cầu trong mục sức khỏe. Theo đó, thí sinh phải đáp ứng các điều kiện như: Đối với nữ phải cao từ 1,55m trở lên, cân nặng trong khoảng từ 48kg đến 60kg. Đối với nam, phải cao từ 1m60 trở lên, cân nặng từ 48kg đến 80kg.