6 sự kiện y tế đáng chú ý năm 2019

Linh Trần
19/12/2019 - 15:12
6 sự kiện y tế đáng chú ý năm 2019

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Trong năm 2019, có nhiều sự kiện y tế khiến dư luận quan tâm, chú ý. Sau đây là những sự kiện y tế nổi bật, theo bình chọn của PNVN.

1. Nghi án bác sĩ đỡ đẻ kéo đứt đầu trẻ sơ sinh tại Hà Tĩnh

Cuối tháng 6/2019, sản phụ Nguyễn Thị Tình (sinh năm 1982, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) có dấu hiệu sinh nên được gia đình đưa đến BV Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Tại đây, BV xác định sức khỏe của sản phụ và thai nhi tốt nên chỉ định sinh thường. 

Tuy nhiên, sau khi sinh, BV thông báo trẻ đã tử vong. Gia đình nhận thấy trên cổ trẻ sơ sinh có vết đứt dài được khâu lại. Phía gia đình cho rằng, bác sĩ thiếu kinh nghiệm, đã kéo đứt cổ bé khi đỡ đẻ.

Sản phụ đau đớn khi con bị kéo đứt đầu

Sản phụ đau đớn khi con bị kéo đứt đầu

Sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo BV cho rằng thai nhi chết lưu 2-3 ngày trước khi sinh. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Bộ Y tế sau đó, Sở Y tế Hà Tĩnh nêu thông tin, thai nhi chết lưu trước 7 ngày. BV cũng đã kỷ luật 4 y bác sĩ, đồng thời hỗ trợ chi phí mai táng và tổn thất tinh thần cho gia đình.

2. Miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách Bộ Y tế

Ngày 22/11, Quốc hội đã bỏ phiếu miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến do đến tuổi nghỉ hưu. Trong khi chờ Bộ trưởng mới, Bộ Y tế do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phụ trách toàn diện.

Sau 8 năm làm Bộ trưởng, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã có nhiều quyết sách quan trọng làm thay đổi bộ mặt ngành y. Ví như, nhiều cơ sở, BV mới được đầu tư xây dựng nhằm giảm tải BV tuyến TƯ. Mô hình BV Xanh-Sạch-Đẹp được triển khai, thái độ nhân viên y tế đã thay đổi; đường dây nóng của Bộ Y tế được mở và hoạt động hiệu quả. Tình trạng vòi vĩnh, phong bì trong ngành y đã giảm hẳn…

5 sự kiện y tế đáng chú ý năm 2019 - Ảnh 2.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

3. Cắt đôi que xét nghiệm HIV và viêm gan B ở BV Xanh Pôn

Cuối năm 2019, báo chí đăng tải phóng sự "Hàng ngàn que thử HIV và viêm gan B tại BV Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) bị cắt đôi trước khi được xét nghiệm" khiến dư luận dậy sóng. Tuy nhiên, phía BV cho rằng, việc cắt đôi que thử nhằm "thử nghiệm" nhưng không giải thích được mục đích thử nghiệm hay đề án, nội dung thử nghiệm…

Nhân viên y tế BV Xanh Pôn cắt đôi que thử test HIV và viêm gan B

Nhân viên y tế BV Xanh Pôn cắt đôi que thử test HIV và viêm gan B

Thanh tra Sở Y tế đã xác minh và cho biết, việc sử dụng Test HIV Combo do bà Chu Thị Loan, Phó Phụ trách khoa Vi sinh đã chỉ đạo. Số Combo trên do Công ty Lục Tỉnh cung cấp là 40 test. Bà Loan cho rằng số test trên là không đủ nên đã chỉ đạo cắt đôi. Việc này, bà Loan không báo cáo với Ban Giám đốc BV. Sau khi họp, BV Xanh Pôn đã nhận lỗi vì để xảy ra sai sót nói trên và đình chỉ công tác 3 nhân viên y tế có liên quan để tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách.

4. Thêm vaccine "5 trong 1" trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia

Từ cuối năm 2018, vaccine ComBe Five mới đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng thay thế vaccine Quinvaxem. Tuy nhiên, theo đánh giá, sau khi tiêm vaccine này nhiều trẻ có phản ứng nặng, đặc biệt có 3 trường hợp tử vong sau tiêm ComBE Five. Vì vậy, Bộ Y tế đã quyết định sử dụng thêm vaccine 5 trong 1 DPT-VGB-Hib (SII) do Ấn Độ sản xuất trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Đây là vaccine đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2010. Đến nay, vaccine đã được sử dụng trên 600 triệu liều tại 79 quốc gia, trong đó có Ấn Độ.

Hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng có đồng thời 2 loại vaccine 5 trong 1

Hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng có đồng thời 2 loại vaccine 5 trong 1

Như vậy, tại Việt Nam, Bộ Y tế cho phép cung ứng đồng thời hai loại vaccine 5 trong 1 trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng là ComBE Five và vaccine DPT-VGB-Hib do SII sản xuất. Việc sử dụng đồng thời hai vaccine 5 trong 1 có thành phần tương tự để bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng vaccine, tránh việc thiếu vaccine, đặc biệt là đối với những vaccine nhập khẩu.

5. Thuốc gây tê Bupivacain gây biến chứng cho sản phụ

Trong tháng 10 và 11/2019, tại BV Phụ nữ TP. Đà Nẵng đã xảy ra 3 vụ tai biến sản khoa nghiêm trọng khiến 2 sản phụ tử vong và 1 sản phụ nguy kịch. Qua xác minh của cơ quan chuyên môn, các sản phụ gặp tai biến sau khi được sử dụng thuốc gây tê Bupivacain WPW Spinal 0,5% Heavy do Ba Lan sản xuất.

Ngày 17/12, Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Đà Nẵng kết luận, cả 3 ca bệnh đều là sự cố y khoa nghiêm trọng liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine với chẩn đoán xác định ngộ độc thuốc gây tê và tử vong nghĩ nhiều đến sốc phản vệ hoặc ngộ độc thuốc tê.

Thuốc gây tê Bupivacain gây biến chứng tới sản phụ

Thuốc gây tê Bupivacain gây biến chứng tới sản phụ

Cũng liên quan đến loại thuốc tê này, Sở Y tế nhiều tỉnh, thành cho rằng loại thuốc này có vấn đề và là một trong những nguyên nhân gây tai biến cho sản phụ khi mổ sinh. Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn, đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành tạm ngừng sử dụng thuốc gây tê Bupivacain WPW Spinal 0,5% Heavy do Ba Lan sản xuất.

6. Vi khuẩn Whitmore tái xuất

Cuối năm 2019, cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn (Hà Nội) phát đi thông báo cảnh báo về việc 2 anh em ruột trong một gia đình ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) đã tử vong do nhiễm khuẩn Whitmore. Đáng chú ý, hai nạn nhân tử vong chỉ cách nhau hơn nửa tháng với các biểu hiện tương tự. Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội đã cử cán bộ về nhà nạn nhân để lấy mẫu xét nghiệm. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, trong số 2 mẫu đất, nước được lấy đi xét nghiệm, mẫu đất có nhiễm khuẩn Whitmore.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh Whitmore là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn B. pseudomallei tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người.

Bệnh Whitmore là bệnh ít gặp, không lây lan thành dịch. Bệnh ghi nhận số mắc cao chủ yếu tại Úc và khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, bệnh được phát hiện lần đầu tiên năm 1925 sau đó xuất hiện rải rác qua các năm tại một số địa phương và gần đây nhiều BV tuyến cuối ở Hà Nội và TP. HCM thường xuyên tiếp nhận nhiều ca mắc Whitmore.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm