Những thầy thuốc thở theo từng nhịp tim của trẻ sinh non

18/10/2018 - 19:50
Vừa trả lời phỏng vấn của chúng tôi được vài phút, tiếng tút tút tại lồng ấp của một bé sơ sinh vang lên, chị Nguyễn Thị Thu Trang, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản TƯ, vội xin lỗi để gọi các điều dưỡng khác vào kiểm tra. Cuộc phỏng vấn tiếp tục chưa được bao lâu, chị Trang lại bị ngắt lời do Giám đốc Trung tâm gọi gấp.
Chạy đua với thời gian, giành giật sự sống cho trẻ
 
Tại khu vực hồi sức tích cực, Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh, chúng tôi bắt gặp các y bác sĩ đang khẩn trương, hối hả làm việc. Khác hẳn ở khu trẻ sinh thường, không khí làm việc tại đây dù bận rộn nhưng cũng rất chuẩn chỉ, lặng lẽ.
 
Tại đây, chỗ thì các bác sĩ tập trung hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị kịp thời với diễn biến từng giờ, từng phút theo bệnh tình của các bé, chỗ khác, các điều dưỡng mỗi người một việc đang cần mẫn chăm sóc cho các bệnh nhi. Điều đặc biệt ở đây là dù vội đến đâu thì công tác vô trùng luôn được đặt lên hàng đầu. Chỉ cần một chút bất cẩn, một chút sơ suất, tính mạng của các bé sẽ bị đe dọa.
anh-bai-trung-tam-cham-soc-tre-4.JPG
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân tại Phòng Hồi sức tích cực

 

Tiến sĩ Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh, cho biết: Hiện Trung tâm đang chăm sóc và điều trị cho khoảng 300 trẻ sơ sinh, trong đó có vài chục trẻ sinh non, có cân nặng từ 6 lạng đến 1,5kg (600-1.500g). Nhóm trẻ sinh non thường gặp rất nhiều nguy cơ như: Ngạt, hạ thân nhiệt, hạ đường máu, sau đó suy hô hấp, vàng da, tan máu, nhiễm trùng, viêm ruột hoại tử, xuất huyết não...
 
Về lâu dài, những trẻ này dễ có nguy cơ bại não, chậm vận động, điếc, mù, tiếp tục nhiễm trùng, thậm chí có thể đột tử ngay trong quá trình chăm sóc. Vì thế, trẻ luôn được theo dõi sát sao 24/24h. Đội ngũ y bác sĩ phải chạy đua với thời gian để cứu sống, phát hiện, điều trị kịp thời các nguy cơ, diễn biến về bệnh lý, đảm bảo an toàn, ít di chứng nhất có thể khi trao trả bé về cho gia đình.
 
Dù đã được sắp xếp lịch phỏng vấn nhưng thời gian các y bác sĩ dành cho chúng tôi không nhiều. Chúng tôi hiểu rằng mỗi phút, mỗi giây của họ dành cho các bé là rất quý. Theo các y bác sĩ của Trung tâm, do nhiều nguyên nhân, số trẻ sinh non ngày càng gia tăng. Có những trẻ khi sinh chỉ cân nặng 600-700g, thậm chí có trẻ chỉ được 500g. Nhiều trẻ sinh thiếu tháng, chỉ mới 26-30 tuần tuổi. Cơ thể các bé quá yếu, sự sống rất mong manh.
 
Tiến sĩ Lê Minh Trác cũng cho biết, nếu như những năm trước đây, trẻ cân nặng 600-700g dường như không cứu được thì nay nhờ ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và sự tận tâm, tận lực của các y bác sĩ mà nhiều trẻ đã được cứu sống. Để nâng cao trình độ, Trung tâm thường xuyên cử các y bác sĩ đi tập huấn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm ở các nước và ứng dụng các nghiên cứu trên thế giới, ở Việt Nam và ngay ở Trung tâm vào thực tế điều trị. Vì thế, số trẻ được cứu sống ngày càng cao.
 
Nhân lên niềm vui mỗi ngày
 
Mỗi ngày, Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh tiếp nhận 70-80 trẻ sơ sinh, trong đó có khoảng 15 trẻ sinh non. Mỗi trẻ sinh non nhập viện mang theo bao nỗi lo âu, tuyệt vọng, khắc khoải, phấp phỏng, kỳ vọng của người thân. Mỗi trẻ trở về trong vòng tay ấm áp, yêu thương của gia đình mang lại bao tiếng cười rộn rã. Cứ thế, niềm vui, sự lo lắng, tình thương, trách nhiệm của các y bác sĩ cứ đong đầy theo từng nhịp đập trái tim những người thân và theo từng bước chân của họ.
 
anh-bai-trung-tam-cham-soc-tre-3.JPG
Các ông bố bà mẹ chỉ được vào thăm con theo khung giờ quy định 

 

Nếu không được tận mắt chứng kiến thì khó có thể hình dung nỗi vất vả và sức chịu đựng với những ca trực xuyên ngày đêm của những người thầy thuốc nơi đây. Họ chính là những người mẹ thứ hai của bé bởi lúc này ngay cả bố mẹ ruột thịt của bé cũng chỉ biết trông chờ vào những tiến bộ của khoa học cùng sự tận tâm của y bác sĩ.
 
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thu Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm, người có thâm niên công tác 14 năm tại đây, cho biết: Trung tâm có 26 bác sĩ, hiện có 7 bác sĩ đang đi học, 19 bác sĩ còn lại mỗi người phụ trách khoảng 15 trẻ. Có ca trực lên tới 28 tiếng nhưng thời gian nghỉ hầu như không có ngoài thời gian nhất định dành cho việc ăn uống. Thế nhưng “mọi người ở đây, ai cũng quen rồi”, bác sĩ Hoa nói vui.
 
Vất vả là vậy nhưng chẳng ai quản ngại khó khăn, bởi lẽ với các chị, mỗi bé được xuất viện là niềm vui vô bờ. “Nhìn những nụ cười trên môi bố mẹ các cháu, ai cũng mừng rơi nước mắt vì những thành quả của mình mang lại”, bác sĩ Hoa chia sẻ.
 
Có lẽ, kỷ niệm sâu sắc nhất đối với bác sĩ Nguyễn Thu Hoa và các đồng nghiệp là trường hợp của bé trai mới 24 tuần tuổi, cân nặng 500g ở Hà Nội. Nhiều lần bé đã ngừng tim, ngừng thở. Khi các bác sĩ giải thích bé có thể mắc di chứng nặng nề nhưng vì áp lực, hoàn cảnh, gia đình vẫn quyết tâm cứu chữa đến cùng. Các bác sĩ đã để em bé thở máy hơn 40 ngày và điều trị tại viện tới 4 tháng, trong khi các trẻ sinh non khác chỉ ở lại viện 2-3 tháng. Khi bé ra viện vẫn phải thở ô xy. Tình yêu tuyệt vời của cả gia đình, dòng họ đã khiến phép màu xảy ra cũng như truyền thêm sức mạnh cho bé và cả tập thể y bác sĩ. Bé hiện đã được 2 tuổi, thể chất và tinh thần đều phát triển tương đối tốt.
 
Nói về sự vất vả của các y bác sĩ nơi đây không thể không kể đến đội ngũ điều dưỡng. Nhất cử nhất động của các bé đều được các chị theo dõi tỉ mỉ, sát sao. Mọi sự chăm sóc các bé đều phải tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ.
 
Vì thế, mỗi bước chân đi của các chị mà dường như đang chạy. Chị Nguyễn Thị Thu Trang, Điều dưỡng trưởng cho biết, sự cố gắng của các chị không chỉ là trách nhiệm với công việc mà còn vì bố mẹ các bé khi đến đây, nhiều người có hoàn cảnh rất éo le. Có trường hợp gần hai mươi năm mới mang thai được nên dù bé thế nào, nhiều gia đình vẫn mong muốn cứu bằng được. Chính điều đó cũng tăng thêm áp lực cho các y bác sĩ.
 

* Tập thể cán bộ nữ Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, vừa được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2018.

“Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh có 155 cán bộ, y bác sĩ thì có đến 140 người là nữ (chiếm trên 90%). Họ là một tập thể hiền hòa, thân thiện, có đóng góp rất lớn vào thành tích của Trung tâm”, Tiến sĩ Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm