Những thợ may biết liên kết để vươn lên

07/06/2016 - 14:20
Từ một thợ may, chị Quỳnh đã đưa ra ý tưởng và tập hợp những chị em khác để thành lập tổ hợp may trên địa bàn thành phố Bắc Giang. Không những không còn phải cạnh tranh nhau mà họ lại có được sức mạnh tập thể...

Xuất phát điểm của mô hình là từ một hội viên chi hội phụ nữ tổ dân phố 2A, phường Trần Nguyên Hãn, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Chị chính là Nguyễn Thị Quỳnh, người đứng lên thành lập mô hình tổ hợp may gia công tại nhà.

Năm 2012, gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn, nhà có 4 nhân khẩu nhưng kinh tế gia đình phụ thuộc duy nhất vào chiếc máy khâu cũ kỹ của chị. Chồng chị không có việc làm ổn định, thu nhập chẳng được bao nhiêu, cuộc sống gia đình vô cùng chật vật thiếu thốn đủ bề.

anh-2.png
 Chị em trong tổ hợp tác may

Những mẫu mà chị tự thiết kế được nhiều khách hàng ưng ý, giới thiệu cho nhiều người quen biết. Cứ như vạy số lượng khách may cứ tăng lên, đơn đặt hàng lớn nhiều khi chị phải thức khuya dạy sớm để may nhưng vẫn không hết, đôi khi lại chậm trả hàng cho khách. Chị đã nhận thấy cần phải thuê thêm nhân công may cho mình. Nhưng việc thuê nhân công không hề đơn giản bởi còn phải mua máy móc và thiết bị để cho người đến làm. Tính toán kỹ hơn chị thấy không ổn, sau một thời gian suy nghĩ chị đã nảy ra ý định là tại sao mình không tập hợp những người thợ may đang tự hoạt động tại gia đình để cùng nhau hoạt động. Từ ý tưởng đó chị đã đi gặp gỡ một số chị em tự may ở trên địa bàn, bàn bạc phân tích lợi ích khi cùng nhau hoạt động cho các chị em hiểu. Chị và 5 chị em khác đã thành lập tổ hợp may gia công bằng hình thức mang máy may đến nhà chị Quỳnh cùng nhau học hỏi kinh nghiệm may mặc, thiết kế thời trang và nhận những đơn đạt hàng của khách. Ban đầu họ cũng không thích thú với việc làm của chị, nhưng sau khi họ bắt tay với chị để thành lập tổ hợp may gia công, họ đã thực sự thấy được lợi ích từ việc liên kết với nhau.

Khi tổ hợp may gia công mới hoạt động, do chưa có vốn nên chủ yếu là vẫn tận dụng kinh nghiệm và máy may của mỗi chị. Nhưng sau đó chị Quỳnh đã thay đổi tư duy, chị đã bắt đầu định hướng cho các chị em trong tổ hợp tác của mình phải tranh thủ thời gian rảnh rỗi để nâng cao tay nghề, khi số vốn tăng lên phải mua thêm máy móc và tuyển thêm thợ may hoặc có thể nhận dạy và đào tạo công nhân may. Từ những việc làm đó mà từ khi bắt đầu cho đến nay cơ sở tổ hợp may gia công của các chị đã có 18 máy may và gần 25 thợ may đang hoạt động. Từ việc nhận đơn đạt hàng của cá nhân nay chị đã có những đơn đặt hàng từ các cơ sở như may đồng phục cho trường học, công ty… Ban đầu cơ sở tổ hợp may gia công chủ yếu là may các mẫu mã đơn giản nay đã có nhiều loại mẫu mã thời trang đa dạng phong phú, phù hợp với nhu cầu thị yếu của khách hàng. Nguồn thu nhập của các chị em trong tổ hợp may gia công đã đáp ứng được nhu cầu kinh tế gia đình, ngoài ra từ việc nhận và đào tạo ghề hàng năm cơ sở tổ hợp may đã đào tạo nghề cho khoảng 10-20 thợ may lành nghề và đặc biệt tạo thu nhập cho 20 công nhân may khoảng 4-5 triệu đồng/tháng.

image001.png
 Miệt mài may cho kịp đơn hàng

Tổ hợp may gia công do chị Quỳnh khởi lập là một điển hình trong việc hợp tác kinh doanh trên mô hình hợp tác xã kiểu mới. Đây là mô hình phát triển kinh tế tuy không còn mới nhưng nó đã được thay đổi về phương thức hoạt động. Trước kia những mô hình hợp tác giữa các thành viên thường hay nảy sinh việc ỷ lại nhiệm vụ cho nhau và tranh giành nhau lợi ích. Nhưng với mô hình hoạt động của tổ hợp may gia công là cùng nhau hợp tác chia sẻ khó khăn, góp vốn, hỗ trợ nhau về mặt kỹ thuật và phân chia nhau lợi ích, với phương châm hợp tác cùng có lợi. Một đặc điểm đáng lưu ý của tổ hợp may gia công của chị Quỳnh đó là ngoài những chị em có hoàn cảnh khó khăn cơ sở còn khuyến khích nhận và dạy nghề cho một số chị em phụ nữ khuyết tật nhẹ. Đây là mô hình được nhiều người ủng hộ bởi nó có nhiều ý nghĩa và đóng góp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Chị Quỳnh là một hội viên phụ nữ gương mẫu tích cực trong các phong trào của chi hội tổ dân phố 2A, mô hình tổ hợp may gia công cũng là một mô hình điểm trong phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, vượt khó vươn lên làm giàu. Cho nhiều hội viên phụ nữ trong toàn phường học tập.

 

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm