Những thói quen vào mùa hè gây nguy hiểm cho sức khoẻ mà ai cũng có thể mắc phải

Anh Dũng
13/05/2020 - 13:41
Những thói quen vào mùa hè gây nguy hiểm cho sức khoẻ mà ai cũng có thể mắc phải
Đột quỵ, tai biến, rối loạn tiêu hoá hay viêm họng là những vấn đề sức khoẻ có thể gặp phải do những thói quen vào mùa hè như uống nước đá lạnh, nằm ngủ dưới sàn nhà, tắm ngay sau khi đi nắng về,....

1. Uống quá ít nước hoặc uống quá nhiều nước

Vào mùa hè, đi cùng với việc ra nhiều mồ hôi thì nhu cầu uống nước cũng tăng lên. Tuy nhiên nếu bạn uống quá nhiều nước có thể khiến thận bị quá tải và một số khoáng chất sẽ bị mất đi do quá trình đào thải nước của thận.

Ngược lại, nếu uống quá ít nước, cơ thể sẽ nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi, mất năng lượng, làm việc kém hiệu quả; nghiêm trọng hơn nữa là mất mạng nếu xảy ra ở người già và trẻ nhỏ.

Lời khuyên:

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, với người trưởng thành, lượng nước trung bình cần bổ sung 1 ngày là từ 2 - 2,5 lít nước bao gồm nước lọc, sữa, canh, soup,... Khi uống cần uống thành từng ngụm nhỏ, không chỉ uống nước khi khát mà nên cách một thời gian nhất định uống một lần.

Những thói quen vào mùa hè gây nguy hiểm cho sức khoẻ mà ai cũng mắc phải - Ảnh 2.

Người chơi thể thao cần bổ sung lượng nước nhiều hơn người bình thường (Ảnh: Internet)

Với người chơi thể thao, tuỳ từng cường độ mà mức độ nước cần bổ sung cho cơ thể sẽ khác nhau. Điều này cũng áp dụng cả với người bình thường có cân nặng, chiều cao khác nhau. Công thức tính lượng nước cần uống hàng ngày như sau:

Công thức 1:

- Bước 1: Hãy kiểm tra cân nặng của bạn

Công thức này tính lượng nước bạn nạp vào tỉ lệ với trọng lượng của bạn. Điều này cũng dễ hiểu vì không thể một người nặng 45kg lại phải uống nhiều nước như một người nặng 85kg.

- Bước 2: Chia số cân nặng của bạn cho 30

Đó sẽ là số lít nước bạn phải uống hàng ngày. Chẳng hạn, nếu bạn nặng 60kg, bạn nên uống 2 lít nước mỗi ngày. Trong khi đó, nếu bạn nặng 80kg, bạn nên uống 2,6 lít nước.

Công thức 2: Công thức dành cho người có tâp thể dục.

Lương nước (oz) = CT1 ((thời gian luyện tập/ 30 phút) x 12 oz)

Ví dụ:Bạn nặng 50 kg, lượng nước cần hằng ngày là 1,5 lit, thời gian tập luyện là 60 phút công thức tính lượng nước sẽ là: 50 oz [(60/30) x 12 oz] = 74 oz = 2,22 lít.

2. Ăn hoặc uống đồ lạnh

Thói quen vào mùa hè phổ biến là ăn kem, uống nước đá, các loại nước có gas lạnh,... Nhiều người cho rằng đây là một biện pháp giúp "giải nhiệt" cho cơ thể. Tuy nhiên thói quen này lại hết sức nguy hiểm cho sức khoẻ, cơn khát của bạn cũng sẽ chẳng được giải quyết sau khi bạn uống nước lạnh. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài có thể khiến cơ thể bị mất nước, ảnh hưởng tới các hoạt động của tế bào.

Những thói quen vào mùa hè gây nguy hiểm cho sức khoẻ mà ai cũng mắc phải - Ảnh 3.

Ăn kem vào mùa hè không đúng cách có thể gây bệnh (Ảnh: Internet)

Uống nước đá lạnh hay ăn kem còn làm tăng nguy cơ bị viêm họng hay cảm lạnh. Đối với trẻ nhỏ nguy cơ bị bệnh cũng sẽ cao hơn. Ngoài ra, nếu người đang bị cảm hay say nắng mà uống nước lạnh có thể gây sốt do quá trình tản nhiệt bị cản trở.

Lưu ý, một số loại nước giải khát không phù hợp để uống sau khi đi nắng như nước ngọt có ga gây sốc đường cơ thể, nước dừa gây rối loạn hoạt động của ion, uống nhiều làm chóng mặt thậm chí là đột quỵ.

3. Ngủ trên nền/sàn nhà lạnh

Thói quen "ngủ nền cho mát" vào mùa hè có thể khiến bạn bị cảm lạnh hay nặng hơn là đột quỵ, liệt cơ mặt,... do trời càng gần sáng nhiệt độ càng thấp. Điều này cũng khuyến cáo đối với những người bị cảm lạnh.

Khi bạn bị cảm, lỗ chân lông bị thu nhỏ lại, mồ hôi không thể thoát ra ngoài da khiến biểu hiện cảm nặng hơn. 

4. Ngồi trong điều hòa cả ngày

Thói quen vào mùa hè phổ biến tiếp theo là ngồi trong điều hoà cả ngày. Đây chính là thủ phạm chính khiến sức đề kháng của bạn bị suy giảm do không khí không được lưu thông, vi khuẩn và bụi bẩn bị tích tụ lại từ đó gây ra các bệnh về đường hô hấp và cơ thể bị mệt mỏi.

Những thói quen vào mùa hè gây nguy hiểm cho sức khoẻ mà ai cũng mắc phải - Ảnh 4.

Ngồi điều hoà trong thời gian dài khiến sức đề kháng bị suy giảm (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, nếu chênh lệch giữa nhiệt độ trong phòng và ngoài trời nếu quá lớn mà bạn lại di chuyển đột ngột khiến nhiệt độ cơ thể bị giảm nhanh, mồ hôi không thoát ra được gây ra cảm lạnh hay nguy hiểm hơn là các mạch máu bị co lại bất ngờ khiến huyết áp tăng và đột quỵ.

Lời khuyên:

- Điều hoà nên để ở mức 26 - 27 độ C sao cho nhiệt độ trong phòng và ngoài trời không bị chênh nhau quá 5 độ C.

- Nên sử dụng thêm quạt thông gió giúp trao đổi khí với bên ngoài

- Tắt điều hoà từ 15 -  20 phút trước khi ra ngoài tránh sốc nhiệt.

5. Tắm ngay khi vừa đi nắng về và tắm nhiều lần trong ngày

Vào mùa nắng nóng, thói quen tắm khi vừa ở bên ngoài về hay tắm nhiều lần có thể ảnh hưởng tới việc tuần hoàn máu, huyết áp và nhịp đập của tim gây ra đột quỵ  hay việc  giảm nhiệt cơ thể đột ngột, lúc này lỗ chân lông của bạn co lại gây ra cảm lạnh.

Việc tắm nhiều lần trong ngày cũng có thể làm tăng nguy cơ bị cảm lạnh đặc biệt là tắm nhiều vào ban đêm khiến những tĩnh mạch bị giãn ra và huyết áp giảm, gây đột quỵ. Cần đặc biệt lưu ý với người bị huyết áp thấp hay rối loạn vì việc tắm sai cách có thể khiến máu não bị sụt giảm nghiêm trọng, bạn có thể bị hôn mê và thậm chí là mất mạng.

Lời khuyên:

- Nếu đi từ bên ngoài về nên ngồi nghỉ từ 15 - 20 phút cho nhiệt độ cơ thể giảm bớt rồi mới đi tắm. Khi tắm nên dội nước từ từ để cơ thể thích nghi với nước mát.

- Không vào ngồi điều hoà hay ngồi trước quạt ngay khi tắm xong.

6. Để quạt thổi thẳng vào mặt

Khi cơ thể toát mồ hôi có nghĩa là những mạch máu ở dưới da cũng đang giãn nở để có thể toả nhiệt. Vì thế mà việc tiếp xúc với luồng khí lạnh thổi trực tiếp vào người như quạt gió, quạt điều hoà,.... khiến mồ hôi bị bốc hơi mạnh và nhiệt độ ngoài da giảm đột ngột, các mạch máu cũng bất chợt bị co lại - trái ngược với nhiệt độ cao bên trong cơ thể gây ra mất cân bằng.

Hậu quả là bạn có thể bị hoa mắt, chóng mặt hay choáng tạm thời. Nặng hơn là nguy cơ bị ngạt mũi, sổ mũi, đau rát khô họng hay liệt cơ mặt do tuần hoàn máu của cơ mặt bị rối loạn.

Nguồn tham khảo: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế).


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm