Những vật dụng đơn sơ cùng phụ nữ góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên

06/05/2019 - 14:07
Chỉ là cối xay gạo, chiếc võng cáng thương… nhưng những vật dụng bình thường ấy đã cùng chị em phụ nữ góp phần không nhỏ vào chiến thắng ‘chấn động địa cầu’.

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hiện nay đang lưu giữ và trưng bày rất nhiều hiện vật, tư liệu gắn liền với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Những hiện vật đó rất bình thường, giản dị nhưng góp sức lớn vào thắng lợi của Chiến dịch.

Chiếc võng cáng thương của y tá Nguyễn Thị Được

Trong số các hiện vật đang trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ có chiếc võng cáng thương - kỷ vật rất đơn sơ, giản dị nhưng vô cùng quan trọng trong quá trình vận chuyển thương binh của nữ y tá Nguyễn Thị Được.

vong.jpg
Chiếc võng cáng thương của nữ y tá Nguyễn Thị Được
 

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, để làm tốt công tác cứu chữa thương, bệnh binh trong điều kiện xa hậu phương, địa hình rừng núi hiểm trở, thời tiết không thuận lợi, phương tiện thuốc men vô cùng thiếu thốn… là việc rất khó khăn. Trước khi các cán bộ chiến sĩ ngành quân y lên đường tham gia chiến dịch, Bác Hồ căn dặn: "Năm nay chiến trường ở xa, bộ đội có thể khổ, dân công cũng vậy, nhưng chớ để thương binh khổ". Thực hiện lời căn dặn của Người, các cán bộ quân y luôn thấm nhuần tư tưởng "Lương y như từ mẫu". Với quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, các cán bộ chiến sĩ quân y nói chung và nữ y tá Nguyễn Thị Được nói riêng hứa đem hết sức mình để phục vụ đơn vị, phục vụ chiến sĩ.

Nữ ý tá Nguyễn Thị Được sinh năm 1929 quê ở Nghệ An, thuộc biên chế của Đội điều trị số 4, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 đóng ở Hồng Cúm. Ngày đó, bộ đội ta phải chiến đấu dưới đường hào, sau mỗi trận mưa đường hào ngập đầy bùn, nước, do đó hầu hết các vết thương sọ não, nội tạng đều bị nhiễm trùng gây đau đớn cho các thương binh. Việc cứu chữa cho thương binh được thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Các trang thiết bị, dụng cụ y tế cơ bản đã được chuẩn bị trước như ống nghe y tế, thuốc kháng sinh, bông băng, dụng cụ phẫu thuật, cáng thương…

Khi thương binh từ mặt trận đưa về các đội điều trị, các y, bác sĩ nhanh chóng xử lý sơ bộ vết thương như rửa sạch, sát trùng, băng bó rồi phân loại thương binh chuyển về các khu theo tình trạng nặng, nhẹ. Đối với những thương binh nặng không thể đi được, các y bác sỹ phải dùng cáng thương và võng cáng thương.

Những ngày tiếp theo của chiến dịch, quân ta tiếp tục vây hãm, đánh lấn vào các cứ điểm của địch chiếm đóng. Nhận thấy nguy cơ bị tiêu diệt, quân Pháp đã chống cự quyết liệt, chúng huy động không quân, pháo binh dội bom bắn phá vào trận địa của ta gây sát thương nặng nề cho các chiến sĩ. Càng về cuối trận đánh số lượng thương binh của ta ngày một tăng, nhu cầu cứu chữa thương binh phải dồn dập. Những lúc đó, nữ y tá Được cùng các chiến sĩ áo trắng trong đội điều trị của mình phải làm việc liên tục, không kể ngày đêm.

Với tấm lòng thương yêu đồng đội, tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng phục vụ thương, bệnh binh qua việc trải nghiệm thực tế chiến trường, y tá Nguyễn Thị Được đã vận dụng linh hoạt những kiến thức đã được học cùng đội điều trị của mình cứu sống được rất nhiều thương, bệnh binh, kịp thời bổ sung quân số chiến đấu cho các đơn vị, đồng thời giảm gánh nặng cho tuyến điều trị phía sau. Điều đó đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc ngày 07/5/1954.

Sau chiến dịch, để thể hiện chính sách khoan hồng và nhân đạo của Quân đội Nhân dân Việt Nam, một số cán bộ y, bác sĩ của ta trong đó có đồng chí Nguyễn Thị Được là nữ y tá duy nhất của Đội điều trị số 4 ở lại cùng các y, bác sĩ của Pháp cứu chữa, chăm sóc thương binh Pháp. Ngày 28/5/1954, toàn bộ số tù thương của Pháp đã được đưa lên máy bay về Hà Nội. Y tá Được và các cán bộ quân y của ta đã dùng cáng thương và võng để di chuyển những thương binh bị băng bó ở chân không thể đi được.Tất cả những việc làm đó thể hiện sự tận tụy, tấm lòng của lương y khiến cho không chỉ người Pháp mà cả thế giới phải mến phục.

Cối xay gạo trong chiến dịch Điện Biên

Vấn đề cung cấp, tiếp tế được coi là vấn đề khó khăn nhất ở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong số lương thực được vận chuyển lên Điện Biên Phủ, gạo là quan trọng hơn cả. Gạo được đưa lên từ hậu phương, đường tiếp tế xa xôi, máy bay địch ngày đêm bắn phá, thả bom xuống các tuyến đường vào Điện Biên. Dân công ta ngày đêm đi liên tục, chuyển được 1 kg gạo đến mặt trận thì ăn hết 15 kg, mặt khác ta còn phải dành nhân lực để vận chuyển vũ khí, đạn dược. Để khắc phục những khó khăn trong công tác hậu cần, Trung ương Đảng và Bộ chỉ huy mặt trận chủ trương huy động nguồn lương thực tại chỗ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, kết hợp với chiến lợi phẩm thu được của địch.

coi-xay-gao.jpg
Cối xay gạo đang được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
 

Thực dân pháp cho quân nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ đúng vào thời điểm mà người dân đang thu hoạch mùa vụ. Lúa chín đầy đồng nhưng bị máy bay của địch phá nát. Nhiều đống lúa gần các cứ điểm địch đã bị chúng tưới xăng đốt hoặc cho xe tăng quần nát. Chỗ xa chúng cho máy bay thả bom lửa, bom phá. Nhân dân Điện Biên rất căm giận tội ác của giặc, nhiều người tìm gặp cán bộ địa phương đề nghị cho bộ đội lấy được lúa thì cứ đem về mà dùng.

Dựa theo nguyện vọng của nhân dân, đồng thời theo yêu cầu của mặt trận, Ban chỉ huy các Đại đoàn đóng quân gần đồng bào Điện Biên quyết không để số thóc quý đó lọt vào tay giặc. Một phần số lúa thu được sẽ đưa lại cho đồng bào tản cư ở khe núi, còn một phần lớn bộ đội dùng sẽ thanh toán trả bằng tiền mặt hoặc gạo sau này cho đồng bào.

Nhưng với tập quán của đồng bào miền núi Tây Bắc ăn bữa nào giã gạo bữa đó, lại chỉ biết dùng cối nước hay chày tay để làm gạo, khiến lương thực vừa chậm lại không kịp thời. Lúc này, Bộ chỉ huy mặt trận yêu cầu các đơn vị xem cán bộ, chiến sĩ ai biết đóng cối thì nhanh chóng đóng một loại cối xay thóc giống như đồng bào dưới xuôi hay dùng. Để nhanh chóng giải quyết mấy chục tấn gạo phục vụ mặt trận, tổ đóng cối nhanh chóng được tuyển mộ từ các đơn vị bộ đội, đơn vị dân công, từ hậu phương lên.

Cũng trong lúc này hàng trăm thợ đóng cối ở dưới xuôi đặc biệt ở Thái Bình, Nam Định  được huy động lên Điện Biên cùng với các “phó cối” ở các đơn vị biên chế thành nhiều bộ phận như những công xưởng đóng cối. Cối được đóng từ tre rừng, các tổ nhanh chóng vào rừng chặt tre bện dây làm áo cối, trẻ nan tre đóng nêm, dùng tre làm cần, tất cả nguyên vật liệu đóng cối được làm bằng tre và đất.

Sau nhiều lần đóng thử, các “phó cối” đã đóng được cối xay cỡ lớn xay được 10kg thóc. Cối quay vừa nhẹ vừa nhanh, gạo ra trắng đều không nát, không sống. Trong một thời gian ngắn hàng mấy trăm chiếc cối xay lúa đã được cung cấp cho các kho, các công trường xay giã. Từ những nơi này, những chiếc cối xay cung cấp gạo cho các đại đoàn quân ta tại mặt trận.

Một số gia đình đồng bào Thái ở những bản làng lân cận mới tản cư vào gần khu vực bộ đội ta đóng quân, khi nghe tin bộ đội ta đóng được cối, xay được nhiều gạo đã tìm đến xem và nhờ cán bộ chỉ dạy. Các tổ đóng cối còn tranh thủ đóng thêm nhiều cối  xay nữa để đã tặng lại cho đồng bào và hướng dẫn bà con cách làm và sử dụng cối. Từ đó bà con dân bản truyền dạy cho nhau kỹ thuật đóng cối xay được nhiều thóc. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc cảm ơn bộ đội cụ Hồ không những giỏi đánh Tây mà còn giỏi kỹ thuật, giúp bà con đỡ vất vả hơn trong giã gạo, cải thiện trong cuộc sống. Nhiều bà con, trong đó có rất nhiều các chị, mẹ cũng đã tích cực tham gia xay gạo phục vụ Chiến dịch.

dien-bien-phu-4.jpg
Xe đạp thồ, một trong những phương tiện chuyên chở hữu dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nguồn ảnh: Getty

 

Đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã đóng góp một lượng lượng thực bằng khoảng 27% tổng nhu cầu lương thực toàn chiến dịch. Nhờ có cối xay mà gạo ăn ở mặt trận đã được cung cấp kịp thời, giải quyết được những khó khăn về cung cấp lương thực góp phần vào thắng lợi chung của toàn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm