Những việc cần làm khi bị nổi mề đay

QN
26/07/2022 - 14:04
Nổi mề đay là vấn đề ở da khá thường gặp, đặc trưng bởi sự xuất hiện của các nốt sẩn với kích thước khác nhau và cảm giác ngứa ngáy. Trong các vấn đề liên quan đến tình trạng này, nổi mề đay có lây không là chủ đề khiến rất nhiều người băn khoăn.

1. Nổi mề đay là gì?

Nổi mề đay là một bất thường hay gặp, xảy ra tại da và niêm mạc. Tình trạng này có thể gặp ở tất cả mọi người và không phân biệt tuổi tác. Tuy nhiên, những phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 40 được thống kê có tỷ lệ bị nổi mề đay nhiều nhất.

Cơ chế xuất hiện tình trạng nổi mề đay được xác định là do sự phản ứng của cơ thể với các chất bất thường. Từ đó giải phóng các chất gây nên giãn mao mạch dưới da, niêm mạc và xảy ra hiện tượng phù nề đặc trưng của nổi mề đay. Mề đay có thể xuất hiện tại nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, nhưng các vùng da bao gồm mặt, mông, chân, hai cánh tay và vùng cổ là nhưng khu vực thường dễ bị nổi mề đay nhất.

Sự xuất hiện của các nốt sẩn phù với kích thước dao động từ 1mm cho đến vài cm, và có khả năng lan rộng ra khu vực lân cận là đặc trưng lớn nhất của nổi mề đay. Bên cạnh đó, người bệnh nổi mề đay cũng thường xuất hiện cảm giác ngứa ngáy tại khu vực bị da bị sẩn, đôi lúc có thể ngứa rất dữ dội. Một số các triệu chứng khác ít gặp hơn ở bệnh nhân nổi mề đay có thể kể đến như nổi mụn nước, khó thở, nhiễm trùng,...

Nổi mề đay có lây không? Cần làm gì khi bị nổi mề đay - Ảnh 1.

Nổi mề đay có thể xuất hiện ở nhiều vùng da khác nhau trên cơ thể - Ảnh: Internet

Tùy thuộc vào thời gian kéo dài của tình trạng nổi mề đay mà người ta chia làm hai loại là nổi mề đay cấp tính mà nổi mề đay mãn tính. Khi nổi mề đay kéo dài dưới 6 tuần thì được gọi là nổi mề đay cấp tính, còn khi kéo dài trên 6 tuần thì được gọi là nổi mề đay mãn tính.

2. Nổi mề đay có lây không?

Để trả lời được câu hỏi nổi mề đay có lây không thì trước tiên ta cần biết được nguyên nhân gây nổi mề đay là gì?

Trong hầu hết các trường hợp, nổi mề đay là do các yếu tố dị ứng gây nên như thực phẩm, phấn hoa, hóa chất, côn trùng đốt,... Các yếu tố này sau khi xâm nhập cơ thể sẽ được cơ thể nhận dạng là những dị nguyên lạ và kích thích phản ứng dị ứng. Từ đó làm giải phóng các chất như histamin,... và dẫn đến cơ chế xuất hiện mề đay như đã nói ở trên.

Từ đặc điểm trên có thể thấy, trong đa phần các trường hợp thì mề đay là một tình trạng không lây. Những người bị mề đay không có khả năng lây nhiễm cho người lành, kể cả khi tiếp xúc với vùng da đang bị nổi mề đay.

Tuy vậy, cũng có một số ít những trường hợp mề đay được xác nhận là do tình trạng nhiễm trùng, nhiễm ký sinh vật gây nên. Với các trường hợp này, người lành có thể bị lây nhiễm các vi sinh vật hoặc ký sinh vật, gây ra tình trạng nổi mề đay. Nhưng số lượng các trường này là không nhiều.

Nổi mề đay có lây không? Cần làm gì khi bị nổi mề đay - Ảnh 2.

Nổi mề đay hầu như không lây nhiễm - Ảnh: Internet

3. Cần làm gì khi bị nổi mề đay?

Do nổi mề đay thường là một phần của phản ứng dị ứng của cơ thể với sự xâm nhập của các dị nguyên, do đó người bệnh không nên coi thường tình trạng này.

Với những trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh chỉ có biểu hiện nổi mề đay trên da đơn độc thì vấn đề sẽ không quá đáng ngại. Mề đay có thể tự hết mà không cần điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, việc sử dụng các thuốc như thuốc kháng histamin, thuốc corticoid,... có thể giúp mề đay thuyên giảm nhanh hơn, người bệnh bớt khó chịu hơn,...

Tuy nhiên, khi mề đay xuất hiện cùng với các biểu hiện như khó thở, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mạch nhanh nhẹ, huyết áp tụt,... thì đó là các dấu hiệu thể hiện một phản ứng phản vệ nghiêm trọng. Bệnh nhân cần được điều trị cấp cứu ngay lập tức, nếu không thậm chí có thể bị đe dọa đến tính mạng.

4. Phòng tránh nổi mề đay

Bản chất của nổi mề đay trong hầu hết các trường hợp là phản ứng dị ứng của cơ thể, gây phù da và niêm mạc. Vì thế, các biện pháp phòng chống mề đay cũng chủ yếu xoay quanh vấn đề phòng tránh, không để dị ứng xảy ra.

- Tránh sử dụng hoặc tiếp xúc các loại thuốc, hóa chất, thực phẩm, phấn hoa,... từng khiến cơ thể nổi mề đay trong quá khứ.

- Giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh nếu bị mề đay do nguyên nhân dị ứng với nhiệt độ thấp.

- Những người có cơ địa dễ dị ứng như mắc bệnh hen suyễn, mắc bệnh lý tự miễn,... nên thận trọng khi sử dụng các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, côn trùng,...

- Điều trị bệnh nguyên gây mề đay trong các trường hợp do nhiễm trùng, nhiễm ký sinh vật,... để tránh tái phát nổi mề đay trong tương lai.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm