pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những yếu tố có thể dẫn đến người lớn xâm hại trẻ em ngay trong nhà mình
Những yếu tố có thể dẫn đến người lớn xâm hại trẻ em ngay trong nhà mình. Ảnh minh hoạ
MICS 2014 (Báo cáo điều tra các mục tiêu về phụ nữ và trẻ em) chỉ ra rằng 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 ở Việt Nam phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý do các thành viên trong gia đình thực hiện kết hợp một loạt các hình thức kỷ luật có bạo lực. Đối tượng là người thân trong gia đình xâm hại tình dục trẻ em chiếm 21,3%, bạo lực đối với trẻ em chiếm 65,88%.
Trong năm 2021, theo con số từ Tổng đài 111, trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm 72,84% tăng 5,3% so với năm 2020. Còn theo báo cáo của Bộ Công an, trên toàn quốc phát hiện 1.914 vụ xâm hại trẻ em, với 2.198 đối tượng, xâm hại 1.987 em, giảm 31 vụ so với năm 2020.
Năm 2022 dư luận cũng chứng kiến nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại dã man trong gia đình như: mẹ đẻ bạo hành con gái 6 tuổi ở tỉnh Hải Dương; bé gái 8 tuổi bị "người tình" của bố bạo lực ở thành phố Hồ Chí Minh dẫn tới tử vong; bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị "cha dượng" bạo hành, đóng đinh vào đầu...
Thống kê của Bộ Công an cho biết toàn quốc, trong 9 tháng của năm 2022, đã phát hiện 1.711 vụ xâm hại trẻ em với 1.806 trẻ em. Toà án nhân dân các cấp đã thụ lý 1.934 vụ với 2.146 bị cáo phạm tội xâm hại người dưới 18 tuổi theo thủ tục sơ thẩm; giải quyết, xét xử 1.909 vụ với 2.116 bị cáo.
Nguyên nhân dẫn đến người lớn xâm hại trẻ em ngay trong nhà
Yếu tố gia đình
Cha mẹ chưa hướng dẫn những kiến thức cơ bản cho các em để chủ động phòng tránh xâm hại hoặc vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội.
Cùng với những khó khăn, thách thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một số gia đình tập trung cho việc làm ăn kinh tế quá mức dẫn đến tình trạng sao nhãng, bỏ mặc trẻ em, đó là mầm mống cho việc nảy sinh các hành vi xâm hại đối với trẻ em. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một số thành viên trong gia đình, các giá trị văn hóa gia đình truyền thống không được coi trọng. Nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và bị bạo lực, xâm hại tình dục. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến thuận lợi to lớn cho sự phát triển, hội nhập nhưng cũng gây nên khó khăn, thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các gia đình…
Sự thiếu hiểu biết về pháp luật và lối sống thiếu trách nhiệm của một số gia đình cũng tạo ra sự mất an toàn cho trẻ em ngay trong chính gia đình của mình. Vai trò, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, nhà trường và cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức nên thiếu sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ trẻ em.
Theo chị Phan Lan Hương – Giám đốc Trung tâm Phát triển quyền trẻ em - cho rằng nguyên nhân trẻ em bị xâm hại một phần do bị ảnh hưởng bởi văn hóa phẩm không lành mạnh. Do tác động của những ấn phẩm, trò chơi, phim ảnh có tính chất bạo lực, khiêu dâm và những thông tin độc hại không được kiểm soát lan tràn trên mạng internet… dẫn đến các hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và người lớn
Tại Việt Nam, tồn tại quan niệm "Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", cho rằng phụ huynh có quyền kỷ luật con cái bằng các hình thức bạo lực để các em nhận ra sai lầm và không lặp lại sai lầm đó nữa. Đối với hầu hết trẻ em, bạo lực về thể chất ở nhà có thể dẫn tới hành vi bạo lực về thể chất ở trường học và cộng đồng, thường dưới dạng bắt nạt hay đánh nhau với bạn. Những học sinh có xu hướng bạo lực ở trường học thường bị cha mẹ hoặc anh chị em có hành vi bạo lực về thể chất và tinh thần khi ở nhà.
Năm 2021, đợt dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều nơi bị phong tỏa, giãn cách thời gian dài, nhiều người phải làm việc ở nhà, hoặc mất việc làm, kéo theo những áp lực về kinh tế cũng khiến bạo lực gia đình gia tăng...
Và một trong những nguyên nhân sâu xa, là những người làm cha, làm mẹ, mỗi người đều ít nhiều đặt kỳ vọng vào những đứa con của mình, tạo "áp lực" vào con cái trong chuyện học tập, lựa chọn nghề nghiệp theo ý mình mà quên mất các con cũng có những suy nghĩ, những mong muốn, ước mơ riêng.
Yếu tố cá nhân (Trẻ em)
Nhiều trẻ em chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; các em khi bị xâm hại tình dục đa số đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, tố giác kẻ phạm tội.
Thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi: trẻ chưa được tìm hiểu về các bộ phận trên cơ thể của bản thân (bao gồm cả vùng kín), dẫn đến việc nhiều trẻ bị xâm hại mà không thể tự nhận biết được sự nghiêm trọng.
Thiếu kiến thức và kỹ năng phòng chống xâm hại.
Hạn chế trong nhận thức về các hình thức xâm hại.