Vương quốc huyền bí của Phật giáo
Đến Tây Tạng, du khách dễ choáng ngợp trước lớp lớp tuyết trắng, núi tiếp núi mênh mông, xen lẫn với mây trời miên man. Con người nơi đây như đắm mình trong tiếng chuông chùa ở nơi trời đất gặp nhau, nơi giao hòa tuyệt diệu giữa trí tuệ và lòng từ bi... trên “nóc nhà của thế giới”. Mảnh đất tĩnh lặng và tinh khiết này là thánh địa Phật giáo Đại thừa, quê hương của những bậc thánh nhân, những vị bồ tát, đạo sĩ sống cô tịch nơi rừng sâu núi thẳm để tu tập thiền định.. Người Tây Tạng tin rằng, xứ sở của họ là khởi nguồn của sự sống và là chốn linh thiêng nhất của toàn nhân loại.
Làm lễ trong chánh điện
Tây Tạng không hổ danh khi được mọi người ca tụng là miền đất chư thiên khi có đến 16.000 tu viện lớn nhỏ, trong đó có tu viện Phật giáo lớn bậc nhất thế giới Labuleng. Có lẽ không nơi đâu trên trái đất này lại quy tụ đầy đủ và nhiều di chỉ Phật giáo như ở Tây Tạng, từ đền chùa thành quách, đại viện, tiểu viện cho đến tượng Phật, kinh sách luật tuyển, rồi đồ dùng trong lễ bái, tán tụng, cúng dường, trì nghiệm, hộ ma, khuyến đạo …
Hầu hết người Tây Tạng có chung một tinh thần tôn giáo, bởi họ đều được sinh ra từ nắng, từ gió, từ núi tuyết và thảo nguyên. Họ tin rằng con người sinh ra từ tự nhiên, rồi chết đi cũng tan biến vào thiên nhiên, chỉ có vòng tròn pháp luân là cứ quay, quay mãi. Người dân ở đây tuy nghèo nhưng an cư với triết lý hiền hòa của Phật đạo: Hướng đến một cuộc sống an lạc, giải thoát và may mắn. Trước cửa nhà, trên những con phố, bên bờ hồ, trên những đỉnh núi, đặc biệt là trong các tu viện… đâu đâu cũng thấy những hàng cờ phướn 5 màu (trắng, đỏ, lục, vàng, lam) có viết những lời cầu nguyện tung bay trong gió. Người Tây Tạng tin rằng, mỗi lần gió thổi cũng chính là lúc những câu kinh được tụng niệm gửi tới các vị thần linh, tới Đức Phật trên trời, đó cũng là một cách thể hiện niềm tin tôn giáo của họ. Đối với họ, sống là để phục vụ đạo pháp, vật chất chỉ là phương tiện để vươn tới đỉnh cao tâm linh.
Nghe 'tiếng biển' qua vỏ ốc cùng một em bé
Hạnh phúc nơi cửa thiền
Hiện có khoảng 46.000 ni sư tu hành tại hơn 1.700 ngôi chùa ở Tây Tạng. Đến chùa Qingpu, chắc hẳn mọi người đều tự hỏi tại sao các ni sư lại hạnh phúc đến vậy, dẫu cuộc sống giản đơn, sở hữu rất ít vật chất hay gần như không có gì, thực phẩm dường như không thay đổi ở mỗi bữa ăn. Nằm ở độ cao 4.300m so với mực nước biển, chùa Qingpu như chốn bồng lai tiên cảnh, giữa ngàn mây trắng bay. Đây là nơi các nữ tu mặc áo cà sa màu tím hay đỏ giống như các vị Lạt Ma, tự nguyện tu hành từ thuở nhỏ, vui vì được cầu kinh dưới chân Phật.
Học tập và đọc kinh là 2 việc chính của các ni sư trẻ trong tu viện. Ánh sáng của phật pháp đã ngấm vào những mạch nước ngầm, mang lại cho họ hiểu biết sâu sắc về sự vô thường nên khuôn mặt họ luôn bình thản, chân chất, giản dị. Lễ cầu kinh thường bắt đầu vào lúc sáng sớm và kéo dài trong vòng 3 tiếng. Những nữ tu lúc đọc kinh đều lần tràng hạt, tay cầm pháp cụ là bánh xe pháp luân quay theo chiều kim đồng hồ. Tràng hạt gồm 108 hạt, tượng trưng cho sự tụng niệm để dứt trừ 108 loại phiền não mà mình đã tạo ra trong 3 kiếp.
Nữ tu châm nến trước khi bắt đầu buổi thiền đêm
Cuộc sống hiện đại đang dần len lỏi vào cửa thiền. Các chương trình Phật học hiện nay thúc đẩy ý thức cố gắng vươn lên và tiềm năng đóng góp cho cộng đồng của ni giới. Chư ni luôn được khuyến khích nâng cao khả năng học hỏi, tu tập và giảng dạy Phật pháp. Ngoài Phật pháp, có các lớp dạy về phương pháp phục vụ cộng đồng với những vai trò khác nhau như giáo viên, nhân viên y tế...
Ngoài lúc tu tập, thiền tự hay tụng kinh, các ni sư không bị cấm đoán khắt khe theo những quy định. Họ được làm những công việc mình yêu thích như vẽ tranh hay gọi điện thoại nói chuyện cùng bạn bè. Nhiều ni sư trẻ có thể chụp ảnh, tạo hình, uống coca cola, chơi thú bông... Chính những điều đó khiến họ gần gũi hơn với đời sống thường nhật của dân chúng nơi này.