pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nỗ lực đẩy lùi tảo hôn ở vùng cao của Thanh Hóa
Một hoạt động truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống tảo hôn do Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức
Vượt đường rừng, đến tận nhà dân vận động
Tảo hôn là một vấn đề tồn tại dai dẳng ở vùng núi cao của tỉnh Thanh Hóa, nơi mà nhiều hủ tục vẫn ăn sâu bám rễ, tác động đến đời sống của người dân. Hậu quả của tảo hôn không chỉ dừng ở chuyện bỏ học, phá thai ngoài ý muốn hay làm mẹ khi chưa đủ tuổi thành niên mà còn dẫn đến các vấn đề sức khỏe, suy giảm chất lượng dân số và tăng nguy cơ đói nghèo.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Đầu tiên là nhận thức còn hạn chế của một số người dân, nhiều bậc cha mẹ quan niệm "con gái đến tuổi phải lấy chồng để ổn định cuộc sống". Thứ hai là do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhiều gia đình coi việc gả con gái sớm là cách để giảm gánh nặng, còn về phía nhà trai sẽ có thêm nhân lực lao động. Kết hôn sớm, thiếu kiến thức, kinh nghiệm tổ chức cuộc sống gia đình, làm cha mẹ khiến không cặp "vợ chồng trẻ con" sớm phải đối mặt với nhiều hệ luỵ.
Song, không phải ai cũng mạnh dạn đứng lên chống lại định kiến đã ăn sâu vào tiềm thức. Bởi vậy, việc phòng, chống tảo hôn là một hành trình bền bỉ của các cấp chính quyền, đoàn thể của tỉnh Thanh Hoá, trong đó có sự tham gia của Hội LHPN.
Bà Vi Thị Trọng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quan Sơn, chia sẻ: "Nhiều lần, cán bộ Hội phải vượt đường rừng, đi bộ hàng cây số để đến tận nhà thuyết phục gia đình không ép con lấy chồng sớm".
Như trường hợp của em Thao Thị Lan, dù đã phải bỏ học một thời gian nhưng khi biết tin, cán bộ Hội địa phương đã nhiều lần đến nhà nói chuyện với gia đình của em, thuyết phục họ thay đổi cách nghĩ. Mặc dù gia đình chồng Lan đã đồng ý cho con dâu tiếp tục đi học, song với Lan, nỗi lo về tương lai đã khiến cô bé 15 tuổi này không thể hồn nhiên sống đúng như lứa tuổi.
Đa dạng hóa hoạt động truyền thông tại cộng đồng
Triển khai Dự án "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" (Dự án 8), Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề tảo hôn. Một trong những hoạt động nổi bật là việc tổ chức các buổi truyền thông tại cộng đồng, với nhiều hình thức như nói chuyện, chiếu phim, chia sẻ câu chuyện thực tế để giúp người dân hiểu được hậu quả của tảo hôn.
Ngoài ra, Hội còn thành lập các Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sư thay đổi" tại trường học ở các huyện miền núi. Đây là nơi mà các thanh thiếu niên được trao cơ hội để học hỏi, phát triển và trở thành những người tiên phong trong việc phòng, chống tảo hôn và thúc đẩy bình đẳng giới. Thông qua các tiết học giáo dục giới tính và kỹ năng sống, các em học sinh được khuyến khích chia sẻ tâm tư, những khó khăn của mình, từ đó nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ Hội LHPN và các cơ quan liên quan.
Theo bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá, để nâng cao nhận thức về vấn đề tảo hôn là một hành trình dài, cần triển khai một cách quyết liệt với sự chung tay của các cấp, các ngành và cả cộng đồng. "Chúng tôi đã xây dựng những kế hoạch truyên truyền, vận động theo nhiều hình thức mới để dễ tiếp cận với bà con. Đặc biệt, việc tăng cường đầu tư vào giáo dục, thay đổi nhận thức cho trẻ em tại các huyện miền núi, vùng dân tộc thiểu số là rất quan trọng. Hy vọng với những nỗ lực của các cấp Hội trong tỉnh cũng như các cấp chính quyền, tình trạng tảo hôn sẽ được đẩy lùi, góp phần nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi", bà Ngô Thị Hồng Hảo cho biết.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn từ năm 2020 đến đầu năm 2024, Thanh Hóa có khoảng 425 cặp tảo hôn và 1 cặp hôn nhân cận huyết thống. Mặc dù số trường hợp có giảm so với giai đoạn trước nhưng vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành để tiến tới xóa bỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống một cách bền vững.