Gần đây, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế đã đăng ký cho con sinh hoạt hè theo các tổ chức do nước ngoài mở.
Chị Hà Thu (quận Ba Đình, Hà Nội), nhân viên ngành dầu khí, cho biết: “Các bé nhà chị được vui chơi, tập thể thao, học tiếng Anh tại trung tâm. Họ lo cả việc ăn uống luôn, chiều tối mình tới đón về nhà”. Được biết, học phí là hơn 1.000 USD (hơn 21 triệu đồng)/9 tuần.
Một mô hình mới được nhiều phụ huynh đánh giá cao là các khu giáo trí. Đến đây, các em nhỏ sẽ được làm quen với một số loại hình nghề nghiệp, qua đó hình thành những định hướng cho tương lai. Giá vé trọn gói là trên 200.000 đồng/lượt.
Ngoài ra, một số gia đình lại không muốn bó buộc con mình vào các lớp học cố định, mà muốn con “thả lỏng”, đã đăng ký cho trẻ học một số lớp năng khiếu (2-3 buổi/tuần) hoặc thuê giáo viên dạy nhạc, họa, võ thuật… đến dạy tại nhà.
Vì nhiều lí do khác nhau mà số lượng phụ huynh đăng ký cho con dự các khóa học kỹ năng sống như “Học kỳ quân đội” giảm mạnh, mặc dù giá cả không tăng so với năm trước (khoảng 6 triệu đồng cho khóa 10 ngày, 4 triệu đồng cho khóa 1 tuần).
Nhiều gia đình đăng ký cho con học bơi trong dịp hè. Ảnh: Nguyễn Duy - TL |
Tuy nhiên, đó chỉ là những sân chơi của trẻ em các gia đình “có điều kiện”, còn trẻ em là con những gia đình lao động, thu nhập từ mức trung bình trở xuống thì vẫn gần như không có không gian chơi.
Vợ chồng anh chị Nguyệt & Hải (quận 2, TP.HCM) đưa 2 con (học lớp 6 và 3) đến một khu trò chơi ở quận 1 rồi anh chị thong dong đi mua sắm. Chưa đầy 1 tiếng, cô con gái lớn đã gọi điện nói bố mẹ tới đón vì 500.000 đồng anh đưa cho 2 con đã bị “nướng” sạch vào các trò chơi.
“Tốn tiền quá! Chúng tôi định mỗi tuần dành 1 ngày cho các con tới những điểm vui chơi thế này nhưng giờ thì đành phải tìm cách khác vậy”, chị Nguyệt than.
Chị Mai Hà, ngụ tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức (TP.HCM), tâm sự, vợ chồng chị định gửi con trai 8 tuổi về quê ngoại ở Bình Định nhưng vì hai vợ chồng không thu xếp được thời gian nên đành để con “tự tung tự tác” với đám bạn cùng xóm trọ.
Các khu giải trí thường được mở ở trung tâm mua sắm - nơi dành cho những gia đình có điều kiện. Ảnh Nguyễn Duy - TL |
“Vợ chồng tôi đầu tắt mặt tối lo kiếm ăn, làm gì có thời gian và tiền bạc để đưa cháu đi chơi. Cố gắng thì cuối tuần mới cho con đi công viên để đạp xe, chơi đu quay hay cầu trượt. Nhưng mấy trò đó giờ không phù hợp với lứa tuổi của con nên ngay cả việc đi công viên, nó cũng không mấy hứng thú”, chị Hà chia sẻ.
Để trẻ tự do chơi trong suốt mấy tháng hè là điều mà hầu như không phụ huynh nào mong muốn bởi xung quanh trẻ luôn có nhiều mối nguy hiểm rình rập. Không còn cách nào khác, một số phụ huynh đành mua những chiếc máy tính bảng loại rẻ tiền, hy vọng con mình sẽ mải mê chơi game trên máy để không ra khỏi nhà.
“Mặc dù biết cho trẻ chơi điện tử nhiều là không tốt, nhưng chẳng còn cách nào khác”, chị Thu Vân, nhân viên một công ty ở quận Thủ Đức, TP.HCM, bộc bạch.
Thậm chí, không ít phụ huynh đã đề nghị nhà trường (hoặc đề nghị riêng cô giáo) mở các lớp học hè để họ có nơi gửi con dù điều này không được ngành giáo dục cho phép.
Tại công viên, trẻ em chỉ có thể đạp xe, chơi đu quay hay cầu trượt. Ảnh: Nguyễn Duy - TL |
Vài năm gần đây, Hà Nội và TP.HCM liên tục có những sân chơi mới được đầu tư nhiều triệu USD dành cho trẻ em. Hà Nội có KizCity , FunWorld, KinderPark… Còn TP.HCM có Vietopia (quận 7), Tiniworld Aeon (Tân Phú), Parkson (quận 2), Thương xá Tax (quận 1), BigC Miền Đông (quận 10)…
“Vị trí như vậy thì chỉ phục vụ những người giàu có sống ở các cao ốc hay những gia đình kéo nhau đi shopping vào cuối tuần thôi, chứ đâu phải là các mô hình vui chơi giải trí đại chúng dành cho tất cả mọi trẻ em hay mọi gia đình”, anh Hải nhận xét.