pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nở rộ quảng cáo “tiếp tay” cho lừa đảo: Bài 1 - Dấu hiệu nhờn luật trong lĩnh vực thực phẩm chức năng?
Liên tục phá những vụ lừa bán thực phẩm chức năng trăm tỷ
Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tục triệt phá nhiều đường dây lừa bán thực phẩm chức năng bẩn, thuốc Đông y giả, với những con số khiến dư luận giật mình.
Cụ thể, ngày 27/6, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức đấu tranh, phá thành công chuyên án, triệt phá nhóm đối tượng buôn bán thực phẩm chức năng kém chất lượng trên mạng.
Cơ quan công an xác định, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Khang Thịnh được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Ngô Duy Khánh (SN 1995, trú tại Tam Thanh, huyện Vụ Bản, Nam Định) làm Tổng Giám đốc và Nguyễn Thị Huyền Thương (SN 1997, trú tại Nghĩa Đàn, Nghệ An) làm Phó Tổng Giám đốc. Công ty có 8 chi nhánh, mỗi chi nhánh có từ 10 - 15 người, chuyên kinh doanh các sản phẩm thực phẩm chức năng chăm sóc sắc đẹp. Nhóm các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân trên cả nước, thu lợi bất chính hơn 100 tỷ đồng.
Ngày 13/7/2023 Công an tỉnh Thái Bình triệt phá đường dây lừa đảo bán mỹ phẩm Sắc Ngọc Đan, gắn với Lương y Giang Thị Nhàn, có quy mô hoạt động rộng khắp cả nước, với tổng số tiền chiếm đoạt lên tới hơn 200 tỷ đồng.
Ngày 3/10/2023, Công an huyện Tiên Du phối hợp với Phòng PA05 - Công an tỉnh Bắc Ninh - tiến hành chuyên án điều tra nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kết quả đấu tranh bước đầu làm rõ: Từ khoảng tháng 5/2022, đối tượng Phạm Viết Trung thuê mặt sàn tầng 7 tòa nhà có địa chỉ ở số 251 Vũ Tông Phan (Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) để mở văn phòng.
Đồng thời, Trung thuê nhiều đối tượng làm việc cho mình tại văn phòng trên bằng hình thức giả danh các bác sĩ Bệnh viện 103, 108, lừa đảo bán cho người bệnh các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng qua mạng Internet, chiếm đoạt hơn 50 tỷ đồng của hơn 7.000 nạn nhân.
Ngày 16/10/2023, Công an TP Thanh Hoá đã tiến hành phá án, tổ chức khám xét đồng loạt 10 địa điểm là nhà máy sản xuất, kho chứa hàng hoá và nhà xưởng in bao bì sản phẩm tại TP Thanh Hoá (tỉnh Thanh Hóa), TP Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) và huyện Gia Lâm (Hà Nội).
Qua khám xét, lực lượng công an thu giữ hơn 4.000 thùng thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe giả với hơn 100 mã hàng, hơn 60.000 sản phẩm và hàng nghìn vỏ bao bì giả với tổng tiền hàng hoá ước tính hơn 10 tỷ đồng.
Tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo
Để lừa đảo bán được số lượng thực phẩm chức năng bẩn, Đông y online giả với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng, của hàng triệu nạn nhân trên cả nước, có sự tiếp tay của một bộ phận rất lớn những người nổi tiếng, diễn viên quần chúng và cả những y bác sĩ, dược sĩ thoái hóa biến chất.
Ngoài ra còn có nhiều diễn viên quần chúng đang hoạt động trong một Câu lạc bộ truyền hình điện ảnh tự phát ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Nhiều người nổi tiếng, y bác sĩ "biến chất" đã quảng cáo sai sự thật để tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo bán thực phẩm chức năng
Chính họ đã vào những vai diễn giả mạo, hoặc quảng cáo giới thiệu thổi phồng công dụng của các loại sản phẩm này thành “thần dược” để lừa người tiêu dùng sập bẫy.
Từ nhiều năm nay, các cơ quan báo chí đã phanh phui nhiều đối tượng quảng cáo tiếp tay cho các đối tượng bán thực phẩm chức năng lừa đảo, nhưng rồi những kẻ này vẫn không dừng lại, thậm chí còn tiếp tục đi quảng cáo mạnh hơn. Điều đó thể hiện sự coi thường pháp luật, coi rẻ sức khỏe và tính mạng của người dân để thu lợi cho bản thân mình.
Nhà báo Nguyễn Trường Sơn, công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam, cho biết: “Hiện nay, tình trạng những người nhận đóng quảng cáo, giới thiệu sản phẩm gian dối để tiếp tay cho những kẻ lừa đảo bán Đông y, thực phẩm chức năng là rất phổ biến. Có những người đã nhiều lần bị báo chí vạch mặt chỉ tên. Nhưng sau đó họ không những không biết điểm dừng, mà còn ngang nhiên hoạt động mạnh hơn nữa. Nhất là một số người nổi tiếng và các y bác sĩ, dược sĩ đã nghỉ hưu, họ bất chấp tất cả để làm những việc trái đạo lý, trái pháp luật, đây là vấn đề khiến dư luận vô cùng bức xúc”.
Cần xử lý nghiêm những người quảng sai sự thật
Lâu nay, tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng tràn lan nhưng rất ít người bị xử lý. Gần đây, Bộ VHTT&DL đã lên phương án xử lý những người nổi tiếng lợi dụng sức ảnh hưởng của mình với công chúng, để quảng cáo sai sự thật, tiếp tay cho những kẻ lừa đảo.
Người dân rất mong mỏi những biện pháp xử lý mạnh tay từ phía các cơ quan chức năng, để tránh rơi vào những cái bẫy lừa đảo nguy hiểm mang tên Đông y online và thực phẩm chức năng.
(Còn tiếp)