Nỗi ám ảnh với bác sĩ Mỹ từ những cái chết vì Covid-19 ở New York

Nhu Thụy
24/04/2020 - 08:05
Nỗi ám ảnh với bác sĩ Mỹ từ những cái chết vì Covid-19 ở New York

Nhiều bệnh nhân được đưa đi cấp cứu ở New York

Với nhiều y, bác sĩ trong tâm dịch Covid-19 của Mỹ, ban đêm là khoảng thời gian đáng sợ nhất. Họ bị ám ảnh và liên tục suy nghĩ chuyện kinh khủng nào sẽ tiếp diễn trong ngày mai. Đó là nỗi sợ phải đứng nhìn bệnh nhân mà không thể làm mọi thứ để cứu mạng họ.

Kết nối phút chia tay cuối cùng

Nhiều y bác sĩ cho biết họ đã trải qua những khoảnh khắc khó khăn nhất cuộc đời và tâm hồn như vỡ vụn khi chứng kiến những cảnh bệnh nhân của mình ra đi trong đơn độc.

Khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành ở Mỹ, vì không thể gặp mặt người thân lần cuối, nhiều bệnh nhân chỉ có thể nói lời vĩnh biệt từ xa qua điện thoại. "Tôi đã khóc vô số lần trong ca trực đêm qua", bác sĩ Marissa Nadeau, Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia ở Manhattan (New York, Mỹ) chia sẻ trong nghẹn ngào. 

Bác sĩ kể về Nadeau một trường hợp bệnh nhân cao tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch và yếu đi rất nhanh trong ca trực đêm của mình. Bằng chút tỉnh táo cuối cùng, bệnh nhân đề nghị các y bác sĩ không đặt nội khí quản hay sử dụng máy thở cho ông dù đó là phương án duy nhất hiện tại có thể cứu người này sống sót. Nadeau đặt tay lên vai ông, sau đó dùng điện thoại của cô để gọi Facetime với gia đình ông, nói với họ về nguyện vọng của ông và giữ điện thoại để họ có thể nói lời tạm biệt có thể là cuối cùng với người thân của mình.

Nỗi ám ảnh của bác sĩ Mỹ khi màn đêm buông xuống - Ảnh 1.

Phút cuối cùng của một bệnh nhân

Đó là lần thứ ba trong đêm trực tại Trung tâm Y tế Irving, Nadeau phải giúp bệnh nhân nguy kịch liên lạc với gia đình qua Facetime. Hai bệnh nhân kia cũng từ chối đặt nội khí quản và đó là một quyết định có thể đồng nghĩa với từ bỏ cơ hội sống. Một trong những điều đau lòng khi đại dịch xảy đến, là bệnh nhân sắp ra đi chỉ có vài phút ngắn ngủi để chia tay gia đình. Dịch bệnh nguy hiểm khiến người thân không thể túc trực bên người bệnh và cũng chẳng có cơ hội gặp mặt lần cuối. Bác sĩ thường rời đi để tạo điều kiện cho họ trong những khoảnh khắc cuối cùng, đầy cảm động và nước mắt như vậy qua Facetime. Những khoảnh khắc đó khiến các bác sĩ cảm thấy thực sự đau khổ vì bất lực. "Các bạn có thể sẽ thấy tôi với đôi mắt sưng húp trong vài tuần tới. Nhiệm vụ của tôi là cứu người, vậy mà tôi đã không thể giữ được mạng sống cho họ", Nadeau nhắn tin cho một nhóm chat qua mạng xã hội, nơi cô và đồng nghiệp thường trao đổi lời khuyên và kinh nghiệm, cũng như cố gắng an ủi nhau.

Nỗi ám ảnh của bác sĩ Mỹ khi màn đêm buông xuống - Ảnh 3.

Bác sĩ Marissa Nadeau

Các nhân viên khoa cấp cứu từng quen thuộc với cảnh người đến thăm đông đúc. Giờ đây, chỉ có lực lượng y tế ở bên những con người đang mang trong mình loại virus nguy hiểm. "Em yêu anh. Rồi mọi thứ sẽ ổn thôi", một người phụ nữ nói vào ống nghe điện thoại đặt tại bàn tiếp tân của bệnh viện Manhattan. Cách đó không xa, trong phòng cấp cứu, người chồng đã kết hôn 40 năm của cô đang dần chìm vào hôn mê và không tỉnh lại lần nữa.

Còn Dylan Wyatt, một bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Brooklyn, vẫn ám ảnh bởi hình ảnh một cô gái được gọi tới bệnh viện khi người mẹ 90 tuổi của cô sắp qua đời. "Cô ấy muốn gặp mẹ lần cuối nhưng chỉ có thể đứng từ ngoài cửa nhìn vào. Điều khiến tôi day dứt mãi là cảnh người bệnh đã ra đi trong cô độc, không có người thân ở bên", bác sĩ nói.

Ám ảnh khó quên

"Người ta đang hấp hối, khắp nơi đều có. Ngày nào tôi cũng hy vọng số người chết ít hơn hôm qua", một y tá bày tỏ. Còn một nhân viên y tế khác cho hay "khung cảnh như chiến trường". Khi dịch Covi-19 hoành hành dữ dội, những lời tạm biệt cuối cùng cũng trở nên hiếm hoi hơn khi một số bệnh viện có quá nhiều bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy kịch đông thêm khiến các y bác sĩ không thể xoay xở kịp.

Nỗi ám ảnh của bác sĩ Mỹ khi màn đêm buông xuống - Ảnh 4.

Y tá Julia Trainor

Chúng tôi đang được yêu cầu làm những điều khiến chúng tôi thấy đau lòng, còn tâm hồn vụn vỡ. Không hề hiếm cảnh những y tá, bác sĩ suy sụp và khóc nức nở sau mỗi ca làm việc. Sau khi dịch bệnh chấm dứt và cơn ác mộng này qua đi, nhiều bác sĩ chắc chắn sẽ gặp phải những tổn thương tâm lý khó chữa lành".

Cô Barbara G. Lock, bác sĩ tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện NewYork-Presbyterian, Mỹ

Một trong ký ức khó quên nhất của nữ y tá Julia Trainor là lúc sắp đặt nội khí quản cho một bệnh nhân nhiễm Covid-19. "Tôi đã gọi điện cho người chồng, sau đó đưa điện thoại lại gần tai người vợ. Sau đó tôi đã phải lau đi những giọt nước mắt của cô ấy" - Julia mô tả tình cảnh bên trong phòng điều trị tích cực với một bệnh nhân sắp nguy kịch và không thể tự mình kết nối với người thân được nữa. Sự chia lìa của họ có thể là mãi mãi. Khoảnh khắc đau đớn nhất là khi gia đình bệnh nhân Covid-19 phải tiễn biệt người thân qua màn hình iPad, điện thoại... Họ không thể siết chặt tay người thân yêu và vài giây sau đó, họ đã ra đi.

Y tá Meghan Sheehan cho biết sau ca trực ở bệnh viện, cô sẽ lái xe về nhà mà không bật radio như thông thường. Meghan muốn tận dụng khoảng thời gian này để nhớ lại về ca trực và các bệnh nhân của ngày hôm nay. Khi về đến nhà, cô tắm rửa, giặt giũ, ăn tối và cố tỏ ra chẳng có chuyện gì quá nghiêm trọng. Theo cô, ban đêm là khoảng thời gian đáng sợ nhất vì các y, bác sĩ cứ liên tục suy nghĩ chuyện kinh khủng nào sẽ tiếp diễn trong ngày mai. Đó là nỗi sợ phải đứng nhìn bệnh nhân mà không thể làm mọi thứ để cứu mạng họ.

Tại các bệnh viện trong New York, có hàng ngàn bệnh nhân ra đi trong lặng lẽ và cô độc. Các bác sĩ khi thực hiện cuộc gọi cuối có lúc còn thấy yêu cầu được hát tặng cho bệnh nhân từ người thân. Họ nắm tay bệnh nhân, tay kia đặt chiếc điện thoại kế bên tai để người hấp hối có thể nghe giọng những người mình thương yêu. Tiếng nhạc vang lên, du dương át đi tiếng ho trầm đục của bệnh nhân, người sắp trải qua những thời khắc cuối cùng...

Nguồn: Theo New York Times
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm