Từ một hoạt động ý nghĩa, phong trào sinh viên tình nguyện lại khiến cộng đồng hoang mang, lo lắng - Ảnh minh họa: Quý Trung. |
Có thể thấy rằng, phong trào thanh niên tình nguyện dù là của tổ chức Đoàn hay của các nhóm, câu lạc bộ đều là sự ghi dấu cho tấm lòng và sức mạnh của các bạn trẻ muốn đóng góp cho cộng đồng theo đúng tinh thần “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.
Tuy nhiên, phía sau hoạt động tình nguyện, cũng là những nốt trầm đau lòng không ai mong muốn. Từ một hoạt động ý nghĩa, phong trào sinh viên tình nguyện lại khiến cộng đồng hoang mang, lo lắng. Bác Nguyễn Thị Thu, có con từng tham gia chương trình mùa hè tình nguyện của ĐH Kiến trúc cho biết: “Mong ước của con được đóng góp sức trẻ cho cộng đồng là chính đáng và cần được biểu dương. Nhưng, nếu đồng ý để con đi, thì gia đình lại lo lắng liệu con có được an toàn? Nếu không ủng hộ, nghĩa là chúng tôi đang giáo dục con trở thành người ích kỷ. Những người làm cha, làm mẹ như chúng tôi không biết nên ứng xử như thế nào”.
Bà Đỗ Thị Phúc, Giám đốc SJ Việt Nam (một trong các tổ chức trao đổi tình nguyện viên quốc tế lớn nhất tại Việt Nam) cho rằng: Không thể vì lo lắng có “sự cố” mà chúng ta xóa bỏ các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Điều quan trọng ở đây, là chúng ta phải trang bị cho các bạn trẻ kỹ năng hoạt động tình nguyện an toàn.
Tại SJ Việt Nam, hiện có hàng ngàn bạn trẻ Việt Nam đăng ký tham gia họat động tình nguyện. Nhưng, không phải tất cả đều được tiếp nhận mà các phải trải qua kỳ thi tuyển nghiêm túc về khả năng lãnh đạo, làm việc nhóm, giải quyết mâu thuẫn.
Trước khi tham gia họat động, tình nguyện viên còn phải trải qua một khóa tập huấn về kỹ năng đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Chẳng hạn, khi đến một trại trẻ nhiễm HIV, tình nguyện viên phải biết chơi với trẻ ra sao để bản thân không bị lây nhiễm bệnh. Hoạt động tình nguyện tại vùng cao, địa hình hiểm trở, các bạn cần được nhận biết nơi nào nguy hiểm để tránh xa; đến tình nguyện tại các vùng có đồng bào dân tộc, bạn trẻ lại phải hiểu về phong tục, tập quán để tránh phạm vào những điều kiêng kị của người dân bản địa chỉ vì thiếu hiểu biết.
Thực tế hoạt động tình nguyện thời gian qua, bên cạnh những mặt tốt, cũng từng ghi nhận những sự việc buồn. Chẳng hạn đã có nhóm thanh niên đi tình nguyện nhưng lại đèo nhau bằng xe máy không đội mũ bảo hiểm, mặc quần áo cộc đi lại trong nhà dân, hay có nhóm sau khi hoạt động tình nguyện xong thì uống rượu say… tạo hình ảnh phản cảm.
Ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội: Việc tập huấn kỹ năng làm tình nguyện cho các bạn trẻ là rất cần thiết. Ở nước ngoài, bạn trẻ luôn được khuyến khích làm tình nguyện. Nhưng, các bạn đều được mua bảo hiểm và huấn luyện rất kỹ và hiểu đặc thù công việc của mình, không để lòng tốt, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ trở thành sự day dứt trong cộng đồng. |