Nỗi khắc khoải của nghề giao đồ ăn đêm

24/08/2015 - 09:44
Phận “cú đêm” phải thức trắng cả đêm, độc hành trên nhiều con phố, ngõ hẻm. Công việc của họ thường bắt đầu từ chập tối, khoảng 18-19 giờ, kết thúc lúc rạng sáng.
Những người làm nghề vận chuyển đồ ăn đêm hay còn gọi là "cú đêm" thường là người nghèo, đa phần là sinh viên hoặc những người có việc làm ban ngày nhưng nhận làm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập. 
 
Tuấn Hùng, một công nhân điện lạnh ở quận 3, TP.HCM, đã kiêm thêm nghề “cú đêm” được hơn 1 năm nay để cải thiện thu nhập, khi đồng lương làm ban ngày không đủ nuôi gia đình với 4 miệng ăn.

Anh cho biết, khoảng 19 giờ, anh rời khỏi nhà bắt đầu công việc. Trung bình mỗi đêm anh phải chạy xe lòng vòng khoảng 70-80km để giao 13-14 suất ăn cho khách hàng.

“Có những người chỉ cách cửa hàng khoảng 2-3km, nhưng cũng có những người ở xa tới 7-8km. Có những đơn hàng cùng một tuyến đường, nhưng đa số là các đơn hàng rải rác ở nhiều tuyến đường khác nhau. Nhiều khi đang chuyển đồ ăn cho một đơn hàng ở quận 1 thì lại có người ở mãi quận Tân Bình giục, rồi ngay sau đó lại có khách ở quận 2… Mình phải vội vã chạy thật nhanh để kịp giao hàng, bởi nếu chậm trễ, để khách phàn nàn với chủ cửa hàng thì nguy cơ bị đuổi việc là rất cao”, Hùng chia sẻ.

Với giọng buồn buồn, Hùng bộc bạch: “Cực chẳng đã mới phải làm cái công việc này. Hôm nào cũng đi suốt đêm, 2 đứa con thỉnh thoảng mới được gặp ba, đến mức bữa nào mình bị bệnh nằm nhà, chúng lấy làm lạ. Còn bà xã thì cũng đã quen với việc chồng vắng nhà gần như suốt 24/24, nên tình cảm cũng có vẻ phai nhạt ít nhiều. Sức khỏe của mình cũng sa sút nhiều vì phải làm việc quá sức. Mặc dù vậy, mỗi tháng kiếm thêm được 5-6 triệu đồng cho con có miếng thịt miếng cá, đủ tiền đóng học thêm cho bằng chúng bạn, chẳng phải là cũng đáng để cho mình chấp nhận sao!”.

Còn Thanh Quang, sinh viên một trường đại học dân lập ở TP.HCM, mặc dù mới vào nghề được gần nửa năm, nhưng đã nếm trải không ít “pha” dở khóc dở cười.
Những người làm nghề vận chuyển đồ ăn đêm thường là người nghèo
Có lần giao hàng cho một khách hàng ở quận 2, quãng đường hơn 10km. Dọc đường, khách liên tục réo gọi, giục giao hàng thật nhanh, nhưng khi đến nơi thì khách lại… tắt điện thoại, gọi cửa hơn 10 phút không thấy ai ra nhận, đành phải mang suất ăn trở về.

Lần khác, anh nhận yêu cầu giao hàng cho khách ở đường Hoàng Hoa Thám, nhưng lại không nói rõ ở quận nào. Anh tức tốc chạy xe đến đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh, đến đúng số nhà gọi điện mời khách nhận hàng, thì vị khách lại bảo “chẳng thấy ai trước cửa”. Hỏi lại, thì hóa ra vị khách ở đường Hoàng Hoa Thám quận Tân Bình, cách nơi anh đến 4-5km.

Đó là chưa kể đến nhiều lần, địa chỉ của khách ở trong những con hẻm sâu, mà số nhà ở nhiều khu vực tại TP.HCM thì rất lộn xộn. “Mình đã mở định vị (GPS) trên điện thoại để xác định nơi đến, sử dụng cả chức năng dẫn đường, nhưng phải mất hàng tiếng đồng hồ mới tìm ra, suất đồ ăn đã nguội ngắt. Những lần đó, khó lòng tránh khỏi những trận mắng mỏ nặng lời của khách, tủi thân lắm!”, Quang tâm sự.

Mặc dù đường sá về đêm khá vắng vẻ nên việc đi lại phần lớn là thuận tiện nhưng cũng chính sự thuận tiện ấy lại trở thành điều đáng ngại.

Bởi “nhiều người thấy đường vắng nên chạy xe rất chủ quan, phóng nhanh đến mức không làm chủ được tốc độ. Nhưng đáng sợ nhất là khi gặp những tay say xỉn chạy xe hình ziczac, hay tệ hơn là đụng mặt những đám thanh niên “đi bão” (đua xe) thì chỉ có cách là cố tránh cho thật xa kẻo mang họa vào thân”, Quang kể.

Chỉ tay vào chiếc xe máy cũ rích của mình, Quang cho hay: “Tôi phải chạy chiếc xe cà tàng này để khỏi sợ bị cướp giật. Mặc dù cũ kỹ, xấu xí vậy, nhưng được cái là rất “lì đòn”, chạy ròng rã mấy tháng trời mà chẳng hỏng hóc gì”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm