Nơi khắc nghiệt nhất trên thế giới với phụ nữ

12/04/2016 - 07:00
Chế độ Taliban bị dẹp bỏ, những bất công đối với phụ nữ ở đất nước Hồi giáo này cũng dần theo đó mà biến mất, phụ nữ sẽ được đối xử bình đẳng. Nhưng tại Afghanistan, quốc gia này vẫn là “nơi khắc nghiệt nhất trên thế giới dành cho phụ nữ”.

Vòng kim cô

Phiến quân Hồi giáo Taliban nổi dậy nắm quyền cai trị đất nước Afghanistan trong những năm từ 1996 đến 2001, trước khi bị quân Mỹ và đồng minh tiêu diệt và Chính phủ mới được thành lập. Dưới những điều luật cực đoan và hà khắc của Taliban, phụ nữ Afghanistan gần như không có bất kỳ một quyền nào, vai trò của họ trong mọi mặt đời sống như giáo dục, kinh tế, văn hóa vô cùng hạn chế và đương nhiên là không được phép can thiệp vào chính trị.

Họ không được ra ngoài mà không có đàn ông đi kèm, kể cả khi không ai có thể phân biệt nổi khi họ bắt buộc phải phủ áo choàng đen kín từ đầu đến chân. Họ không được để bác sĩ nam giới chữa bệnh, không được ra ngoài làm việc kiếm tiền. Nên xảy ra hiện tượng đau lòng khi những phụ nữ trước thời Taliban từng có những công việc tốt như bác sĩ, giáo viên đã bị buộc nghỉ việc. Để nuôi gia đình nhiều phụ nữ đã phải đi ăn xin hoặc bán dâm. Khi công việc đáng hổ thẹn này bị lộ, họ sẽ bị ném đá tới chết giữa quảng trường ở Thủ đô Kabul.

Hơn 50% trẻ em gái bị ép cưới hoặc đính hôn ở tuổi lên 10, một số phải cưới đàn ông ở tuổi lục tuần, 80% các cuộc hôn nhân ở nông thôn nghèo là không tự nguyện. Lý do thường là vì tình trạng bắt cóc, cưỡng hiếp ở quốc gia này rất cao nên các gia đình muốn con lập gia đình sớm, số khác hôn nhân là một cách để dàn xếp chuyện tiền nong hay bất hòa... Cưới và mang thai sớm nên tỉ lệ phụ nữ tử vong trong quá trình mang thai và sinh nở ở đất nước này cao nhất thế giới. Phụ nữ hứng chịu tình trạng bạo lực, ngược đãi trong gia đình, ngoài xã hội như một chuyện bình thường, họ không được bảo vệ, không có sức và không có quyền tự bảo vệ mình.

 

Từ sau khi Chính phủ mới được lập nên sau năm 2001, phụ nữ, trẻ em mong chờ một cuộc sống “dễ thở” hơn. Dù nhiều bước tiến mới được thực hiện nhưng tất cả vẫn ở tốc độ quá chậm và chưa tích cực. Tỉ lệ trẻ em gái được đi học tăng 30% từ năm 2002, nhưng con số thất học ở bé gái vẫn ở mức cao là 1,5 triệu. Giấy đăng kí kết hôn không được cấp cho trường hợp cô dâu dưới 17 tuổi giúp giảm số lượng trẻ em gái bị ép cưới sớm nhưng thực tế nhiều ông chồng không quan tâm tới tờ giấy này. Phụ nữ có quyền đi làm nhưng phải có sự đồng ý của chồng và khi đàn ông cho rằng phụ nữ sẽ lấy mất vị trí công việc của họ, tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức phổ biến. Sự có mặt công khai của phụ nữ vẫn không được gia đình ủng hộ, họ cho rằng đó là sự thiếu tôn trọng và mất mặt cho gia đình. Thậm chí hiện giờ, ở các vùng sâu vùng xa của đất nước, những lề luật cũ từ thời Taliban áp đặt lên phụ nữ vẫn còn tồn tại.

Trong khi Chính phủ, quốc tế và các nhà hoạt động nữ quyền đang có những nỗ lực cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới ở Afghanistan, tỉ lệ mù chữ ở phụ nữ đang ở mức cao khiến họ khó có thể tham gia mạnh mẽ vào việc đấu tranh giành và bảo vệ quyền lợi của mình. Dựa vào điểm này, Chính phủ cho rằng, cắt giảm quyền cho phụ nữ là cần thiết. Rất nhiều bộ luật mới được đưa ra sau đó được sửa đổi theo hướng thụt lùi. Bộ luật Tiêu trừ bạo lực với phụ nữ được ký năm 2009 mới đây có văn bản sửa đổi một vài điểm quan trọng. Ví dụ, trường hợp truy tố tội cưỡng hiếp phụ nữ, những người trong gia đình nạn nhân không được phép ra làm chứng, đây là một điều hết sức vô lý và đặc biệt bất lợi cho phụ nữ trong quá trình đòi công lý. Ví dụ khác, Tổng thống Karzai ký một điều luật năm 2009 áp dụng cho vùng Shi’a (với số lượng phụ nữ chiếm 20% toàn đất nước) trong đó đặt ra nhiều giới hạn cơ bản như: Phụ nữ không được phép ra ngoài khi không cần thiết, không được làm việc hay học tập nếu không có sự cho phép của chồng, không có quyền nuôi con hay giữ tài sản trong trường hợp ly dị. Điều này cho thấy, sau nhiều thế kỷ, quyền lợi mà phụ nữ Afghanistan có được ngày hôm nay không chỉ ít ỏi mà còn rất mong manh và giáo dục chính là yếu tố mấu chốt. Số ít phụ nữ có kiến thức thường tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ quyền phụ nữ và với những người may mắn có chồng trí thức sẽ được ủng hộ nhiều và tự do hơn.

Niềm hi vọng

Con đường hướng tới nền dân chủ và công bằng cho phụ nữ ở đất nước từng bị cày nát bởi bạo loạn, nền độc tài và chiến tranh này còn quá xa xôi. Rõ ràng, trong cuộc đấu tranh này, phụ nữ đang ở thế bị động, họ không có một nguồn lực đủ mạnh mà ở đây phải là Chính phủ hay chính bản thân họ.

Một trong những thay đổi mang tính cách mạng chính là quyền lợi và trách nhiệm của phụ nữ Afghanistan trong các chương trình bầu cử. Lần bầu cử Tổng thống năm 2014, đã có 2,5 triệu cái tên mới được đưa vào danh sách đi bầu cử, trong đó hơn một nửa là phụ nữ và có 3 ứng cử viên Phó Tổng thống là nữ. Cô Shukria Barakzai - một nhà hoạt động nữ quyền ở Afghanistan - chia sẻ: “Tôi tin rằng, 10 năm nữa chúng tôi sẽ có vị nữ Tổng thống đầu tiên.

Với cá nhân phụ nữ, dù còn nhiều e dè, sợ hãi, rất nhiều người đã cương quyết tự làm chủ cuộc đời khi đơn phương bước ra khỏi cánh cửa khép kín đi tìm kiến thức và cơ hội tạo dựng cuộc sống tự lập. Có một nhận thức mãnh liệt trỗi dậy ở những phụ nữ Afghanistan rằng, họ đang nỗ lực không đơn giản chỉ cho bản thân mà quan trọng hơn là cho con gái của họ nữa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm