Nỗi lo của người nhiễm HIV khi thuốc ARV không còn cấp miễn phí

01/12/2018 - 20:53
Trong bối cảnh các nguồn viện trợ quốc tế cho thuốc ARV (điều trị cho người nhiễm HIV) sẽ rút hoàn toàn vào năm 2020, điều trị HIV tại Việt Nam buộc phải chuyển đổi sang hệ thống do bảo hiểm y tế chi trả. Nhiều người nhiễm HIV đang lo lắng trước vấn đề này.

Hành trình mệt mỏi và cô độc

Phát hiện tình trạng nhiễm HIV và điều trị ngay để tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện là chưa đủ, mà còn cần duy trì kết quả dưới ngưỡng phát hiện đó trong toàn bộ quá trình điều trị HIV bằng cách tuân thủ các quy tắc trong điều trị: Uống đúng thuốc, đúng cách, đúng liều và đúng giờ. Tuân thủ điều trị ARV còn giúp hạn chế tình trạng kháng thuốc.

Tuy nhiên, một quan niệm phổ biến trong cộng đồng là việc tuân thủ điều trị là trách nhiệm của riêng cá nhân người nhiễm HIV - dẫn đến việc còn thiếu sự cảm thông cũng như hỗ trợ từ cộng đồng đối với bệnh nhân HIV.

“Điều trị HIV là một hành trình mệt mỏi và cô độc đối với bệnh nhân nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ đầy đủ từ gia đình, nhân viên y tế và xã hội. Điều này dễ dẫn đến không tuân thủ điều trị hay bỏ điều trị, gây nguy hại đến không chỉ bản thân bệnh nhân mà còn có tác động không tích cực đến cộng đồng”, chị Đoàn Thị Khuyên, Trưởng ban điều hành Liên minh Hỗ trợ tuân thủ điều trị cho Người có HIV (SATA ), chia sẻ - “Bệnh nhân điều trị HIV không chỉ đối mặt với những mệt mỏi về thể chất do tác dụng phụ của thuốc gây ra mà còn vấp phải nhiều sự kỳ thị, xa lánh của xã hội”.

Trong bối cảnh điều trị HIV được chuyển sang bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả hoàn toàn, bệnh nhân HIV còn cần thích ứng cùng một lúc với nhiều thay đổi: Môi trường khám chữa bệnh mới (từ phòng khám ngoại trú riêng biệt sang bệnh viện), nhân viên y tế mới, các quy trình và thủ tục mới, cũng như nỗi lo toan về tài chính khi không còn được chi trả toàn bộ cho việc khám, điều trị HIV như trước đây.

 

hiv-1.jpg
Bệnh nhân điều trị HIV không chỉ đối mặt với những mệt mỏi về thể chất do tác dụng phụ của thuốc gây ra mà còn vấp phải nhiều sự kỳ thị, xa lánh của xã hội. Ảnh minh họa

 

“Người nhiễm HIV đa dạng thành phần, có gia đình 3-4 người nhiễm. Chưa kể nhiều người nhiễm do sử dụng ma túy, không có công ăn việc làm. Tâm lý của những người nhiễm HIV này hiện tại là, nếu sau này không có thuốc hỗ trợ miễn phí nên bỏ uống thuốc luôn từ bây giờ luôn cũng được”, chị Khuyên lo ngại, “Bên cạnh đó, có những người bị dị ứng với một số loại thuốc trong điều trị HIV, nếu không điều trị thay thế bằng loại thuốc khác thì người bệnh sẽ không thể tiếp tục tuân thủ, dẫn đến nguy cơ bỏ trị là rất lớn. Liệu BHYT có những loại thuốc cho mà những người này chuyên dùng không? Nếu không có, lẽ nào họ sẽ phải chấp nhận buông tay, chờ chết? HIV có thể lây nhiễm trong cộng đồng nên được hỗ trợ để tuân thủ điều trị là cách tốt nhất để ngăn chặn”.

Chị Nguyễn Thị Ngà - Ban điều hành mạng lưới hỗ trợ nhóm tự lực của người bán dâm Việt Nam VNSW - cũng băn khoăn vì việc này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới một số đối tượng mới bị bắt giam. Sau này chuyển sang BHYT chi trả, đối tượng trong trại giam có được dùng thuốc nữa không? “Chưa kể, ngay cả việc mua BHYT cũng khiến nhiều người nhiễm HIV lo ngại vì sợ bị lộ thông tin cá nhân, họ sẽ bị kỳ thị”.

Không cẩn thận sẽ gây hậu quả

Thuốc điều trị cho người nhiễm HIV chuyển sang BHYT chi trả cũng là "vấn đề nóng" với BS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Tự nhận mình là người “ăn cùng, ngủ cùng HIV”, bác sĩ Cường cho rằng, không có bệnh nào phải điều trị nghiêm ngặt, phải tuân thủ phác đồ chặt chẽ như HIV. Bởi chỉ có tuân thủ tuyệt đối, bệnh nhân mới có sức khỏe tốt.

tin3-3.jpg
Ảnh minh họa

 

“Tuân thủ điều trị không chỉ có lợi cho người nhiễm mà còn có ý nghĩa với cộng đồng” - BS Cường khẳng định - “Chỉ cần người bệnh chủ quan uống sai giờ, lúc đầu vài phút, vài tiếng, vài ngày, thậm chí cả tháng vì thấy mình… không sao. Nhưng uống kiểu này sẽ dẫn tới tình trạng kháng thuốc, khó điều trị. Do đó, việc thay đổi chính sách có thể ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề tuân thủ điều trị. Nếu không cẩn thận sẽ làm xáo trộn, gây hậu quả khi nhiều người nhiễm HIV bỏ dùng thuốc”.

Chính BS Cường cũng trăn trở với rất nhiều câu hỏi, nếu người nhiễm HIV xuất trình thẻ để nhận thuốc như các bệnh khác liệu họ có bị kỳ thị không? Những người bình thường có chấp nhận để người nhiễm HIV được điều trị như người khác không? Chưa kể sống ở một nơi, nhưng mua BHYT một nơi và phải về đó nhận thuốc - đây có thể nói là rào cản lớn nhất hiện nay với những người nhiễm HIV… 

* Trong gần 30 năm qua, kể từ khi phát hiện bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên tại TP.HCM vào năm 1991, Việt Nam đã đạt được những bước tiến và thành tựu đáng kể trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Với cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 đến năm 2020, Việt Nam luôn cập nhật và áp dụng những tiến bộ mới vào ứng phó HIV quốc gia, ví dụ: Tăng cường sự tham gia của các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi HIV trong ứng phó, thúc đẩy xét nghiệm sớm - điều trị ngay khi có kết quả dương tính với HIV, khuyến khích điều trị dự phòng HIV trước phơi nhiễm (PrEP) cho các nhóm chịu ảnh hưởng lớn bởi HIV như người sử dụng ma tuý, người bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới…

* Mục tiêu 90-90-90 trong việc ứng phó với HIV, bao gồm: 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác. Nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này thì có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm