Nỗi lo mất con hiển hiện cả trong giấc ngủ

26/10/2015 - 16:25
“Đây là lần thứ tư con tôi phải truyền hóa chất để điều trị bệnh ung thư mắt. Mỗi lần truyền, cháu đau lắm, chẳng ăn uống được gì, chỉ khóc thôi. Nhiều lúc, tôi chỉ mong thấy con cười là hạnh phúc lắm rồi”...

Đó là chia sẻ nghẹn ngào của chị Nguyễn Thị Thơm, ở xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh (Nam Định).

Vừa đến khoa Nhi, Bệnh viện (BV) K TƯ, cơ sở Tân Triều, chúng tôi đã nghe tiếng khóc của bé Vũ Gia Minh. Chị Thơm, mẹ bé, đang tìm cách dỗ dành con. Thấy người lạ vào, bé nín một chút rồi lại khóc. Chị Thơm vừa ầu ơ, vừa cho con ăn cháo nhưng chỉ được vài thìa, bé nôn hết ra và lại khóc. “Mỗi lần truyền hóa chất, cháu đau lắm, chẳng ăn uống được gì, chỉ khóc thôi”, chị Thơm buồn rầu.

Dù rất đau đớn nhưng chị Thơm cố cười để dỗ dành khi cho con ăn hoặc truyền hóa chất 

Bé Minh hiện được 9 tháng tuổi nhưng bé đã phải nằm viện 4 tháng để điều trị bệnh. Chị Thơm kể, lúc mới sinh, bé cũng khỏe mạnh như những đứa trẻ khác. Khi con được 4 tháng tuổi, chị thấy mắt phải của con khó nhìn, trông như ngây dại. Chị vạch mắt bé kiểm tra thì thấy có đốm trắng. Đốm trắng ấy ngày càng lớn, khiến bé đau mắt và khó nhìn hơn. Chị đưa con tới BV Đa khoa Trực Ninh (Nam Định) để điều trị. Bác sĩ không phát hiện ra bé bị bệnh gì nên chuyển lên BV Đa khoa Nam Định. Cho rằng bé bị đau mắt, các bác sĩ điều trị và nhỏ thuốc. Gần 1 tháng nằm ở BV Đa khoa Nam Định nhưng bệnh tình của bé không đỡ, chị xin chuyển lên BV Mắt TƯ.

Sau khi làm các xét nghiệm, bé được xác định bị ung thư mắt, giai đoạn muộn. Ngoài ra, các bác sĩ còn phát hiện bé bị bệnh viêm phế quản. Sau đó, BV Mắt TƯ đã tiến hành phẫu thuật cho bé, rồi chuyển sang BV K TƯ cơ sở Tân Triều để xạ trị. Bé Minh vừa trải qua lần truyền hóa chát thứ tư. “Cháu ngày càng phải dùng hóa chất liều nặng khiến cơ thể mệt mỏi, cả ngày không ăn uống được gì. Mỗi lần bé khóc, trái tim tôi như có ngàn mũi kim đâm. Tôi thương con lắm, nhưng cũng chẳng làm được gì, chỉ tìm cách dỗ dành để con cười thôi”, chị Thơm chia sẻ. 

Sau những đợt truyền hóa chất, bé Minh yếu hẳn. Chị hỏi bác sĩ về sức khỏe của con nhưng ai cũng bảo phải sau 6 đợt điều trị hóa chất mới có kết quả. Thương con phải chịu đau đớn, chị Thơm chỉ ước mình được gánh bệnh thay.  Nhiều lần, chị vừa ôm con vừa khóc, không dám nghĩ đến cái ngày xấu nhất. Chị bảo: “Nhiều lần, tôi nhờ bà nội bế cháu rồi nói “con ra ngoài có việc” nhưng sự thật là đi ra để khóc vì thương con”.

Nỗi đau chồng chất

Chị Thơm bảo, khoảng thời gian bé Minh thích nhất là được về nhà sau mỗi đợt truyền hóa chất. Lúc ấy, Minh và chị gái lại chơi đùa với nhau. Nói đến đây, chị Thơm lại khóc, bởi cô con gái đầu lòng gần 5 tuổi của chị cũng mắc bệnh hiểm nghèo. Bé bị bệnh tắc ruột từ khi mới sinh. Gia đình đã chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi. Bé hầu như chẳng ăn được gì, vì ăn chừng nào lại nôn ra chừng ấy nên chị khổ tâm lắm. Hiện tại, khoảng 3 tháng, chị lại đưa con gái đi viện điều trị/lần.

 Ở quê, gia đình chị thuộc diện cận nghèo. Mọi chi tiêu trong nhà chỉ trông vào 3 sào ruộng. Thời gian các con điều trị kéo dài khiến vợ chồng chị không thể nào kiếm đủ tiền chữa bệnh cho con. Chị bảo, từ khi con mang trọng bệnh, kinh tế gia đình đã khó khăn lại càng khốn đốn hơn. Chồng chị dạt vào miền Nam xin làm phụ hồ, mỗi tháng cố tiết kiệm chi tiêu gửi cho vợ 1,5 triệu đồng. Ở nhà, chị vay mượn để điều trị cho hai con. Đến nay, số nợ đã lên đến 70 triệu đồng. Nhìn ánh mắt con thơ, chị Thơm như chực khóc. Bao nhiêu đêm chị tuyệt vọng nằm ôm con.

“Giờ đây, gia đình tôi mỗi người một nơi. Chồng ở miền Nam, tôi và bé Minh thường “đóng quân” ở BV, còn con gái đầu thì nhờ ông bà ngoại trông. Nhà có một người bị bệnh hiểm nghèo đã khổ rồi, nhà tôi cả hai con đều mắc bệnh, tôi chẳng biết trông vào đâu nữa”, chị Thơm ngậm ngùi.

Bà Vũ Thị Hà, mẹ chồng chị Thơm, cũng thường xuyên lên BV chăm cháu. Bà Hà bảo: “Nhiều đêm, nhìn con dâu ngủ gục bên giường bệnh mà tôi trào nước mắt. Ngay trong giấc ngủ, tôi thấy gương mặt nó toát lên sự lo âu, thấp thỏm. Bởi phần vì lo cho sức khỏe của bé Minh, phần lo lắng không biết lấy tiền đâu để điều trị nữa đây”.


Bác sĩ Nguyễn Văn Công (Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện K Trung ương, cơ sở Tân Triều)

Ung thư mắt là căn bệnh hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Các triệu chứng của bệnh thường bị nhầm với các bệnh như đau mắt hột, viêm kết mạc, dị ứng thời tiết. Y học phân chia ung thư mắt chủ yếu dựa vào vị trí khối u như: Ung thư mi mắt, ung thư trong mắt, ung thư võng mạc.

Ung thư mắt thường xảy ra ở 1 bên mắt trước, sau đó mới đi căn sang mắt còn lại. Khi bị bệnh, khối u ác tính nằm ở vùng mắt sẽ phát triển, lan rộng khiến bệnh nhân mù lòa, thậm chí là tử vong. Dấu hiệu để nhận biết ung thư mắt: Hai mắt bỗng dưng không cân đối; màu sắc của một bên mắt khác với bên còn lại; vùng mí mắt có khối u rõ rệt, ban đầu như chỉ nhỏ như đau mắt hột, sau đó phát triển to lên, chèn ép khiến mắt bị lồi, bị vẹo, thị lực giảm.

Do không phổ biến nên bệnh ung thư mắt còn ít người biết đến. Hiện BV K TƯ cơ sở Tân Triều đang điều trị cho gần chục trường hợp. Phần lớn người mắc bệnh này đến BV khi đã quá muộn.

 

Gia đình chị Thơm rất mong nhận được sự giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm. Mọi sự trợ giúp xin gửi về: Chị Nguyễn Thị Thơm, xóm 11, xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, Nam Định, ĐT: 01642.894.717.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm