Nỗi lòng của những người từng chịu tổn thương thuở ấu thơ

Trung Hạ
25/11/2022 - 18:33
Nỗi lòng của những người từng chịu tổn thương thuở ấu thơ
Điều hối hận nhất cho đến hiện tại là tôi đã không được sống đúng với tuổi thật của mình trong những năm vừa qua.

Tuổi thơ là kỷ niệm đáng nhớ, song cũng có thể là phần bóng tối không thể nào quên đối với một người. Trưởng thành rồi mới biết, được khỏe mạnh lớn khôn quả là một diễm phúc. Nhưng chẳng mấy ai được may mắn như vậy.

3 câu chuyện dưới đây là lát cắt nhỏ của những số phận nhỏ bé trong cuộc sống. Họ từng bị tổn thương ở thời thơ ấu, vết thương khác nhau, cảm nhận cũng không giống nhau, mỗi người có cách đối mặt riêng.

1. Chia sẻ của @Xiuxiu

Nỗi lòng của những người từng chịu tổn thương thuở ấu thơ: được khỏe mạnh lớn khôn quả là một diễm phúc! - Ảnh 1.

Lên lớp 4, khoảng 11 tuổi, bố mẹ vì muốn chăm sóc 2 đứa em trai tốt hơn nên đã chuyển tôi đến trường khác để ở nội trú, còn đăng ký thêm nhiều lớp học phụ đạo, một tuần chỉ về nhà một lần. 

Đến trường mới chưa thể hòa nhập ngay, và tình trạng này đã kéo dài từ lớp 3 đến lớp 6. Thầy cô không thích tôi, bạn bè cũng không một ai làm quen. Đứa trẻ 10 tuổi như tôi cảm thấy lạc lõng đến cùng cực, cứ mỗi lần đến lớp phụ đạo thì lại khóc thầm, đương nhiên chẳng có ai quan tâm.

Điều khiến tôi ấn tượng khó quên nhất là lúc thầy chủ nhiệm sắp xếp chỗ ngồi. Thầy gọi tên ai thì vào chỗ theo thầy hướng dẫn. Thế nhưng gọi hết danh sách vẫn không có tên của tôi. Tôi ôm cặp đứng trước lớp như bức tượng. Thầy nhìn về phía tôi, cau mày, sau đó chỉ về vị trí cuối lớp. Một đứa con gái như tôi ngồi giữa 2 bạn nam, trong lòng vừa lo sợ vừa hụt hẫng. Lúc đó, tôi chỉ biết an ủi bản thân rằng chỗ ngồi nào cũng như nhau, chỉ cần học hành chăm chỉ là được.

Có lẽ những gì tôi trải qua khá tầm thường và nhiều người cũng từng như vậy. Nhưng tôi dám khẳng định một điều là chỉ khi ở trong hoàn cảnh đó, bạn mới biết thế nào là đáng sợ. Không được ở bên cạnh bố mẹ, một mình trải qua những mặt tối nơi trường học đã để lại cho tôi nhiều ám ảnh đến tận bây giờ. Điều tôi sợ nhất là bản thân bị cho ra rìa, là phần dư thừa trong cuộc sống. Hiện tại mọi thứ đã vững vàng hơn, nhưng bóng tối năm ấy đã khiến tôi thu hẹp bản thân, ít bạn, ít sự chia sẻ, ít đi vài phần lạc quan.

2. Chia sẻ của @Cô nữ sinh không biết kể chuyện

Nỗi lòng của những người từng chịu tổn thương thuở ấu thơ: được khỏe mạnh lớn khôn quả là một diễm phúc! - Ảnh 2.

Một gia đình không trọn vẹn như tôi có lẽ có nhiều câu chuyện để kể hơn người khác.

Điều buồn nhất có lẽ là sau khi bố mẹ ly hôn, mẹ đã tìm được một người đàn ông khác, một kẻ theo tôi đánh giá là vô công rỗi nghề, thỉnh thoảng chỉ làm công việc lặt vặt ở công trường. Mẹ tôi đi làm bảo mẫu giúp việc và tiết kiệm được một khoản tiền. Bà mượn thêm tiền để mua một căn nhà ở ngoại ô thành phố. 

Tôi sống cùng mẹ, nhưng thực chất là một gian phòng tạm bợ không hơn không kém. Mùa hè, căn phòng như lò thiêu, nóng đến mức không thể chịu nổi. Tôi cứ cho rằng nhà mới chưa được sửa chữa nên đành chịu đựng. Nhưng tôi đã sai lầm. Tôi phát hiện mẹ và người đàn ông kia chung sống rất vui vẻ. Người đàn ông còn đăng trạng thái lên mạng xã hội quay cảnh ông, mẹ và hai đứa con của ông ngồi trong căn phòng có điều hòa, ăn dưa hấu, cười nói tíu tít. Tôi cảm thấy vô cùng chạnh lòng. Bố mẹ ly hôn, tôi không biết tâm sự với ai.

Không lâu sau, một chuyện xảy ra khiến tôi dường như mất hết niềm tin vào cuộc sống. Một ngày nọ, bỗng nhiên mẹ chửi mắng tôi thậm tệ vì cho rằng tôi đã ăn cắp số tiền bà cất trong tủ. Tôi oan ức không nhận, sau đó gọi điện cho bố đến phân giải. Hai người gặp mặt lại cãi nhau. Mẹ còn cho tôi vài cái tát thật đau. Lúc sau thì mới biết người tình của mẹ đã lấy tiền mà không nói. Mặc dù tôi đã được minh oan nhưng cái tát của mẹ đã khiến tôi triệt để trở thành người cô độc trên đời này. 

Nỗi lòng của những người từng chịu tổn thương thuở ấu thơ: được khỏe mạnh lớn khôn quả là một diễm phúc! - Ảnh 3.

Bạn nghĩ là tôi sẽ suy sụp đúng không? Sự thật lại không phải vậy. Tôi đã suy nghĩ về ngày tháng tiếp theo. Tôi bắt buộc phải thật mạnh mẽ để sống tiếp, đến khi tự lập hoàn toàn, có cuộc sống riêng không còn làm phiền đến ai.

Điều hối hận nhất cho đến hiện tại là tôi đã không được sống đúng với tuổi thật của mình trong những năm vừa qua. Hiện tại tôi đã 18 tuổi!

3. Chia sẻ của @Hiểu Nhã 

Thời tiểu học, nhà nghèo, mẹ bệnh nặng, kinh tế gia đình không được thoải mái. Năm lớp 3, trường học bắt mua một quyển sách truyện cổ tích. Tôi rất thích đọc sách nên đã đăng ký mua một quyển. Bố mẹ biết được lại không cho, bảo tôi mượn sách của bạn học mà đọc. Vì đã đăng ký nên tôi nhờ bố mẹ nói cho thầy chủ nhiệm một tiếng. Thầy nói số lượng đã được chốt nên không thể hủy bỏ. Thế là bố mẹ chỉ đành chi tiền cho thầy.

Ngày hôm sau, thầy gọi tên tôi lên bục nhận sách. Sẽ không có gì xảy ra nếu thầy không nhìn tôi bằng ánh mắt khinh khi và nói một câu: “Không mua nổi thì đừng mua”.

Ánh mắt ấy, câu nói ấy đã khiến một đứa trẻ 10 tuổi như tôi cảm thấy tổn thương sâu sắc. Bây giờ, mặc dù đã đọc được rất nhiều quyển sách, trải nghiệm nhiều thứ trên đời, nhưng vẫn không thể nào quên được vẻ mặt và câu nói của thầy chủ nhiệm năm ấy.

Nguồn: Zhihu
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm