Nỗi sợ hãi như cơn bão ập đến

10/12/2015 - 16:26
Bước vào độ tuổi lục tuần, bà Huỳnh Thị Sử Chi (TP Vũng Tàu) những tưởng mình có thể an hưởng tuổi già. Song, kết quả dương tính với ung thư tuyến giáp khiến bà Chi phải trải qua những ngày khó khăn vô cùng…

Sinh ra và lớn lên tại Bình Định nhưng sau khi kết hôn, bà Chi cùng chồng quyết định “Nam tiến”, chuyển vào lập nghiệp tại TP Vũng Tàu. Để có tiền chăm lo cho gia đình, chồng bà Chi, ông Mai Thanh Hùng, đã vay mượn, đóng tàu đi biển, còn bà ở nhà nuôi con và buôn bán nhỏ, kiếm thêm thu nhập. Hơn 30 năm qua, khi những đứa con của họ đều thành đạt và đã có gia đình riêng, người phụ nữ đã bước sang độ tuổi lục tuần này mới ngưng việc buôn bán, ở nhà trông cháu và nội trợ. Bà bảo: “Cả đời lam lũ, tôi hy vọng bây giờ được an hưởng tuổi già bên con cháu, có thời gian và điều kiện đi chỗ này chỗ khác. Nhưng căn bệnh ung thư tuyến giáp bất chợt đến khiến cả gia đình tôi hoang mang. Các con bắt tôi nhập viện gấp, chồng tôi từ đó vô bệnh viện chăm vợ”.


                                                                  Ông Hùng chăm sóc vợ chu đáo tại bệnh viện

Trong phòng chăm sóc bệnh của Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, bà Chi đang dần hồi phục sức khỏe sau ca phẫu thuật. Dù giọng nói vẫn còn yếu và phải gắng gượng lấy hơi nhưng bà vẫn muốn tự mình kể cho chúng tôi nghe về căn bệnh đã khiến bà phải trải qua những ngày thực sự khó khăn, khi nỗi sợ hãi như một cơn bão bỗng nhiên ập tới. “2 năm trước, tôi cảm thấy sức khỏe của mình “có vấn đề” khi cơ thể luôn mệt mỏi. Con trai đưa tôi đi khám. Sau khi được chỉ định làm một số xét nghiệm và siêu âm, bác sĩ kết luận tôi có khối u ở tuyến giáp nhưng may mắn là u lành, không cần điều trị. Niềm vui chưa được bao lâu thì căn bệnh đã chuyển biến rất xấu”, bà Chi kể.

Cũng theo lời bà Chi, nếu như 2 năm trước, những triệu chứng của bà chỉ là mệt mỏi, thì lần này hoàn toàn thay đổi, khiến bà không biết mình đang bị bệnh gì. Bà tâm sự: “Bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán 2014, tôi thấy trong người rất mệt mỏi, thường xuyên có cảm giác đau họng, mất ngủ, ăn yếu và sụt cân. Tôi nghĩ do lớn tuổi nên cơ thể thay đổi, khó ngủ là chuyện bình thường. Song, trong lần tôi đi khám sức khỏe tổng quát gần đây, bác sĩ phát hiện khối u ở tuyến giáp của tôi đã chuyển sang u ác, cần phải phẫu thuật cắt bỏ và sau đó phải xạ trị. Dù bác sĩ đã trấn an rằng trường hợp của tôi mới ở giai đoạn đầu và u vẫn chưa chèn ép dây thần kinh nên dễ điều trị, nhưng trong tôi vẫn có rất nhiều nỗi sợ”.

Biến sợ hãi thành sức mạnh

Sau khi ca phẫu thuật thành công, sức khỏe của bà Chi tiến triển từng ngày. Bà chia sẻ: “Con cái dù có chu toàn mấy cũng không thể bằng người bạn đời của mình được. Khi tôi còn khỏe, ở nhà nội trợ và trông cháu thì ông ấy đi biển, có chuyến gần tháng mới về. Vợ chồng sống với nhau đến tuổi này, chẳng mong gì hơn là được cùng chia sẻ những khó khăn cũng như ngọt bùi của cuộc đời. Nhìn thấy con, cháu rồi chồng túc trực bên cạnh, nắm tay và động viên tôi trước khi bước vào phòng phẫu thuật, nỗi sợ bệnh tật chuyển thành sự sợ hãi phải xa rời người thân mãi mãi. Điều đó là động lực để tôi chống chọi với bệnh tật”.

Bà Chi vừa dứt lời, ông Hùng ra hiệu cho vợ đến giờ ăn cháo để còn uống thuốc. Đỡ vợ ngồi dậy một cách nhẹ nhàng, ông bảo: “Có lẽ lúc ốm đau mới thấy người bạn đời quan trọng thế nào, sống với nhau không chỉ có tình yêu mà cần tình thương và trách nhiệm. Có như vậy mới có thể cùng nhau đi hết cuộc đời”. Vừa nói, ông Hùng vừa đưa bàn tay thô ráp và hằn lên những vết chai xúc từng muỗng cháo trong cặp lồng, cẩn thận thổi nguội rồi đút cho vợ một cách vụng về, nhưng đôi mắt thì ánh lên niềm hy vọng. “Mong bà ấy nhanh khỏi bệnh, được xuất viện, không đau ốm gì nữa, trở về cuộc sống thường ngày, được vui vầy bên con cháu và đón chờ tôi sau những chuyến đi biển. Chỉ bình dị thế thôi chứ không mong gì hơn, vậy là vui rồi!”, ông Hùng tâm sự.


ThS, bác sĩ Trần Minh Bảo Luân (giảng viên Bộ môn Phẫu thuật Lồng ngực - Tim mạch; khoa Phẫu thuật Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM)

Ung thư tuyến giáp là ung thư tuyến nội tiết thường gặp nhất, có thể gặp mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp trong độ tuổi khoảng 40-50 ở nữ và 60-70 ở nam, nữ thường mắc bệnh nhiều hơn nam. Nguyên nhân của ung thư tuyến giáp vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ của bệnh được ghi nhận: Thiếu iốt trong chế độ ăn hàng ngày; tiếp xúc với tia xạ do được điều trị bệnh lý ung thư vùng đầu hoặc cổ bằng xạ trị trước đó; tiếp xúc chất phóng xạ dùng để diệt cỏ; yếu tố di truyền…

Ung thư tuyến giáp thường không có triệu chứng trong giai đoạn sớm của bệnh, chỉ được phát hiện qua siêu âm tuyến giáp khi khám sức khỏe định kỳ. Ở giai đoạn muộn của bệnh sẽ có một số biểu hiện như: khối u vùng cổ, khó nuốt, đau vùng trước cổ đôi khi lan đến tai, khàn giọng hoặc mất tiếng, ho kéo dài hoặc đôi khi khó thở…. Ngay khi phát hiện các triệu chứng trên, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Điều trị bệnh ung thư tuyến giáp chủ yếu là phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp kèm theo xạ trị bằng cách uống iốt có gắn đồng vị phóng xạ, tuy nhiên bệnh nhân cần uống hormone tuyến giáp bổ sung suốt đời. Đối với những trường hợp ở giai đoạn sớm, có thể phẫu thuật cắt 1 thùy tuyến giáp và không cần xạ trị. Ung thư tuyến giáp tiến triển rất chậm, nên tiên lượng tốt nhất trong các loại ung thư. Thời gian sống còn hay tái phát sau điều trị của ung thư tuyến giáp được phát hiện ở giai đoạn muộn của bệnh có thể 10 hay 20 năm, hoặc thậm chí nhiều trường hợp có thể kéo dài đến 30 năm.

Để phòng tránh bệnh ung thư tuyến giáp, chúng ta nên bổ sung đầy đủ iốt trong chế độ ăn hàng ngày bằng cách dùng muối ăn có iốt để chế biến thức ăn cho gia đình; tránh tiếp xúc với hóa chất diệt cỏ có tính chất phóng xạ, hoặc tránh sinh sống hay đến những nơi nhiễm xạ do tai nạn điện hạt nhân; quan trọng nhất là siêu âm định kỳ tầm soát bệnh để phòng bệnh, phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm