pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nông sản Việt tự "nâng cấp" để tham gia sân chơi lớn
Bảo quản sản phẩm vải xuất khẩu ở một cơ sở thu mua tại xã Thanh Quang (Thanh Hà, Hải Dương). Ảnh: TTXVN
Nông sản xuất khẩu tăng mạnh
Hiệp định Thương mại tự do Châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 được đánh giá là tạo ra các lợi thế cạnh tranh lớn cho các mặt hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt là hàng thuỷ sản và lúa gạo xuất khẩu.
Theo đó, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, 84% các dòng thuế, chiếm 71% xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được giảm xuống mức 0%. Thông qua EVFTA, nông sản Việt có cơ hội tiến sâu hơn vào thị trường EU với khoảng 500 triệu dân.
Lô hàng trái cây đầu tiên đã được xuất khẩu sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Đó là lô hàng gồm một container dừa tươi bằng đường tàu biển và 3 tấn thanh long, 12 tấn bưởi bằng đường hàng không sang thị trường EU. Công ty Vina T&T Group – chủ lô hàng cho biết, sau lô hàng này, sắp tới, trung bình mỗi tuần công ty sẽ xuất khoảng 20 tấn trái cây các loại sang thị trường EU.
Trước đó, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã xuất khẩu 14 container với số lượng 296 tấn cà phê đến Hamburg, Antwerp của Bỉ và Đức. Đây là lô cà phê đầu tiên sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA.
Theo thống kê của Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn), tháng đầu tiên Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hoạt động xuất khẩu sang khu vực quan trọng này đạt 3,78 tỷ USD. So với bình quân 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang EU trong tháng 8 cao hơn khoảng 600 triệu USD.
Nông sản Việt buộc phải "nâng cấp"
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nông sản Việt, doanh nghiệp Việt muốn ra "sân chơi lớn" thì buộc phải tự "nâng cấp" mình.
Nhiều năm qua, một số lô hàng nông sản của Việt Nam đã bị EU trả lại hoặc từ chối nhập khẩu do nhiều nguyên nhân như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, không ghi nhãn đúng quy cách, không dán nhãn, sử dụng bao bì không đảm bảo chất lượng... Điều này cho thấy, chất lượng nông sản, khâu tự kiểm tra chất lượng và quy cách sản phẩm còn là vấn đề phải chú trọng cải thiện.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng: "EU mở cửa về thuế quan nhưng yêu cầu rất chặt chẽ về hàng rào kỹ thuật nên bà con nông dân, doanh nghiệp Việt phải chú ý, cần hiểu cặn kẽ yêu cầu thị trường (chất lượng, an toàn thực phẩm và xuất xứ). Vì vậy, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ cùng nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu thị trường".
Bà Nguyễn Ngọc Huyền - Giám đốc Công ty Mia Fruit lấy dẫn chứng bài học từ cách làm nông nghiệp của Nhật Bản - một đất nước không có quá nhiều điều kiện thiên nhiên thuận lợi, thiên tai rất nhiều. Nhật Bản đã làm nông nghiệp không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng. Đây là một trong những hướng đi rất khôn khéo để tận dụng thế mạnh của mình và đưa sản phẩm ra thế giới.
Nông sản Việt muốn ra thế giới, ra "sân chơi lớn" EU thì cần phải có quy chuẩn về chất lượng và thương hiệu. "Những chùm nho mẫu đơn hay nho rubi Nhật Bản có giá tới 11 triệu đồng một chùm, đó là minh chứng cho việc hãy tập trung vào chất lượng để từ đó nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế từ những sản phẩm đó, thay vì có thể bán 1kg nho bằng 10kg nho khác", bà Huyền nhìn nhận.
Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chúng ta cần nghiên cứu và xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để chủ động đối phó với các tranh chấp thương mại (thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, đối kháng) và rào cản kỹ thuật (chất lượng, môi trường, bảo hộ sản phẩm chế biến...).
Về dài hạn, phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Việc tái cơ cấu sẽ là cơ hội để định hướng lại sự phát triển của ngành theo hướng hội nhập và bền vững, đáp ứng tốt hơn những yêu cầu của EVFTA về những yếu tố phi thuế quan như môi trường, an toàn thực phẩm hay truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền cho người sản xuất, doanh nghiệp về các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, xuất xứ hàng xuất khẩu sang thị trường EU. Thu hút và thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường đầu tư chế biến sâu để gia tăng hàm lượng giá trị nội địa. Các cơ quan nhà nước nên ban hành sớm Thông tư về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU quy định rõ các quy trình, thủ tục để các doanh nghiệp có thể tận dụng ngay các cam kết ưu đãi của EVFTA.