Nông sản vùng cao chuyển mình từ bản làng ra thế giới

Vân Anh
15/07/2025 - 17:12
Nông sản vùng cao chuyển mình từ bản làng ra thế giới

Nông sản vùng cao tỉnh Quảng Ninh từ bản làng vươn xa

Với sự đồng hành của Hội LHPN các cấp, của Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, nhiều hội viên, phụ nữ đã chủ động, tích cực tham gia các mô hình kinh tế, ứng dụng các nền tảng thương mại điện tử để quảng bá và sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Xã Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, những ngày hè như một bức tranh rực rỡ với nhiều mảnh ghép từ sắc xanh của cây lá, của nền trời và nổi bật trên đó là những phên miến phơi trên giàn tre sáng lấp lánh trong nắng. Miến dong là một trong những nông sản nổi bật của Bình Liêu, được người tiêu dùng ưa chuộng bởi sợi miến giữ được hương vị đặc trưng của củ dong riềng, khi nấu lên có độ dẻo, mềm, dai, giòn và không bị nát. 

Đây cũng là một trong những sản phẩm OCOP Quảng Ninh nổi tiếng nhất của Bình Liêu, được đăng ký nhãn hiệu độc quyền thương hiệu từ năm 2007. Góp phần làm nên những sản phẩm miến nổi tiếng là sự cần mẫn và bí quyết gia truyền của những người phụ nữ dân tộc thiểu số Sán Chay, Tày, Dao tại địa phương.

Nông sản vùng cao chuyển mình từ bản làng ra thế giới - Ảnh 1.

Miến dong được phơi khô tự nhiên dưới nắng

Vừa thoăn thoắt làm, bà Lý Thị Mạ (xã Bình Liêu) vừa chia sẻ: Miến hoàn toàn được làm từ củ dong. Trải qua nhiều công đoạn như rửa sạch, nghiền, lọc lấy tinh bột, sấy bột, tráng bột, cho lên phên phơi khô dưới nắng, rồi cắt sợi. Mỗi công đoạn đều được làm rất kỳ công. Trước đây, miến được làm hoàn toàn thủ công, nhưng ngày nay, nhiều hợp tác xã hay cơ sở chế biến đã áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kết hợp với phương pháp làm miến thủ công truyền thống, giúp cho miến Bình Liêu vừa giữ chất lượng, hương vị đặc trưng truyền thống đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sản phẩm miến dong Bình Liêu được đóng gói, có tem nhãn mác cẩn thận có đầy đủ thông tin về thành phần dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ bản làng, miến dong Bình Liêu đã tự hào xuất hiện trên các quầy kệ tại các cửa hàng, siêu thị Hà Nội, TP. HCM và vươn tới kệ hàng online của người tiêu dùng Nhật, Hàn, Úc…

Nông sản vùng cao chuyển mình từ bản làng ra thế giới - Ảnh 2.

Miến dong một trong những sản phẩm OCOP Quảng Ninh nổi tiếng nhất của Bình Liêu

Cùng với miến dong, trên địa bàn xã Bình Liêu còn có nhiều sản phẩm do hội viên, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số sản xuất như: dầu sở, mật ong, củ cải phên, dưa chua, bánh gật gù, bánh lá ngải, bánh coóc mò, các loại trà thảo dược, lá tắm... ngày càng được người tiêu dùng biết đến và đón nhận.

Đồng hành cùng nông sản vùng cao trên "cao tốc" công nghệ số

Nếu chứng nhận OCOP được ví như "tấm vé thông hành" để đưa sản phẩm của vùng dân tộc thiểu số và miền núi vươn xa, thì thương mại điên tử chính là "cao tốc" để nông sản vùng cao cất cánh.

Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, Quảng Ninh đã nhanh chóng ứng dụng nền tảng số để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đến nay, 100% sản phẩm OCOP của tỉnh đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki và các nền tảng trực tuyến khác, với mục tiêu kết nối sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến tay người tiêu dùng trên toàn quốc và quốc tế. Tổng cộng, có 560 sản phẩm OCOP của Quảng Ninh tham gia vào các sàn thương mại điện tử, trong đó có 393 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao.

Nông sản vùng cao chuyển mình từ bản làng ra thế giới - Ảnh 3.

Nhiều sản phẩm của các chủ thể là người dân tộc thiểu số tại Quảng Ninh được chứng nhận OCOP.

Đồng hành cùng chị em trên hành trình đưa sản phẩm ra thị trường, là sự nỗ lực của Hội phụ nữ. Những năm qua, Hội LHPN Quảng Ninh đã chỉ đạo Hội phụ nữ các cấp khuyến khích hội viên, phụ nữ tích cực tham gia chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP), ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm.

Để quảng bá sản phẩm, đồng thời nâng cao chất lượng quản lý và giao dịch, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để hướng dẫn và hỗ trợ các hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp trong việc xây dựng website, Facebook, email, và tham gia các nền tảng bán hàng trực tuyến. Nhờ đó, phần lớn các chủ thể OCOP trong tỉnh đã sở hữu những kênh bán hàng online riêng, mở rộng phạm vi tiêu thụ sản phẩm, tăng khả năng tiếp cận khách hàng tiềm năng.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng vận hành sàn thương mại điện tử dành riêng cho các sản phẩm OCOP Quảng Ninh (https://ocopquangninh.com.vn/) – là nơi các sản phẩm OCOP được quảng bá và tiêu thụ không chỉ ở thị trường trong nước mà còn hướng đến các thị trường quốc tế, mang lại những cơ hội phát triển bền vững cho nền kinh tế địa phương.

Nông sản vùng cao chuyển mình từ bản làng ra thế giới - Ảnh 4.

Sàn thương sàn thương mại điện tử dành riêng cho các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh

Dù có nhiều sự đồng hành, hỗ trợ, song hành trình "từ bản làng ra thế giới" của nông sản vùng cao vẫn còn nhiều rào cản về hạ tầng, về trình độ, về kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng số… Nhưng với sự bền bỉ, sáng tạo, dám thay đổi của những người dân, đặc biệt là những phụ nữ dân tộc thiểu số, giấc mơ làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương vẫn đang được họ viết tiếp từng ngày, với khát vọng vươn lên của người vùng cao Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm