pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ bác sĩ về hưu tình nguyện quay lại hỗ trợ bệnh viện trong mùa dịch
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tùng thăm khác cho bệnh nhân
Góp sức nhỏ mong dịch bệnh chóng qua
Nữ bác sĩ được nhắc đến ở đây là bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tùng - người từng có quãng thời gian gần 30 năm gắn bó với Bệnh viện Chợ Rẫy.
"Tôi đã làm việc ở đây từ thời Giám đốc là thầy Hai Ảnh (cố GS.BS Trịnh Kim Ảnh), đến thầy Việt (PGS.TS Trương Văn Việt), bác Trường Sơn (PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, hiện là Thứ trưởng Bộ Y tế) và đến bây giờ là bác sĩ Thức (TS.BS CKII Nguyễn Tri Thức)", bác sĩ Tùng chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Tùng, dù đã về hưu nhưng bà vẫn luôn theo dõi các công việc tại bệnh viện. Đối với bà, Bệnh viện Chợ Rẫy giống như mái ấm gia đình.
"Trước tình hình dịch Covid-19 lan rộng, TPHCM cũng như cả nước đang chung tay chống dịch một cách triệt để và lực lượng của Bệnh viện Chợ Rẫy được điều phối đi nhiều nơi để hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh. Dù biết rằng vai trò của mình cũng chỉ là rất nhỏ, nhưng tôi vẫn muốn đóng góp một chút công sức để đền ơn đáp nghĩa với những thế hệ đi trước đã có công xây dựng ngành y tế Việt Nam cũng như tạo nên thương hiệu Bệnh viện Chợ Rẫy ngày nay", bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tùng trải lòng trong ngày đầu trở lại hỗ trợ bệnh viện.
Trở lại với bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tùng tiếp tục tham gia vào công việc thăm khám cho các bệnh nhân tại Khoa Thận nhân tạo. Ở khoa này , những bệnh nhân suy thận phải chạy thận nhân tạo thường có sức đề kháng kém, thường lớn tuổi và có nhiều nhiều bệnh lý nền kèm theo, nên là những đối tượng rất dễ gặp biến chứng nặng nếu chẳng may nhiễm phải virus SARS-CoV-2. Vì thế, ngoài việc thăm khám, theo dõi sức khỏe, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tùng còn dành nhiều thời gian để cùng đồng nghiệp động viên, hướng dẫn và nhắc nhở các bệnh nhân chạy thận bảo vệ mình trước những mối nguy cơ.
"Đối với tôi, TPHCM cũng giống như quê cha đất tổ. Tôi rất đau lòng trước tình hình dịch bệnh càng ngày càng lan rộng ở thành phố. Vì thế, tôi cũng muốn góp chút ít công sức cho nơi mình đang sinh sống, mong sao dịch bệnh qua nhanh và không để lại những hậu quả quá nặng nề", nữ bác sĩ đã nghỉ hưu tâm sự.
Chi viện cho các bệnh viện dã chiến
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn, trong chiều ngày 11/7, lực lượng chi viện của Bệnh viện Chợ Rẫy gồm 65 nhân viên y tế đã tiếp tục lên đường đến hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại bệnh viện dã chiến khu tái định cư Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Đây là bệnh viện dã chiến được các lực lượng của TPHCM cấp tốc xây dựng tại khu tái định cư, với quy mô hơn 16.000 giường.
Trước đó, hàng trăm y bác sĩ thuộc các đội chi viện của Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên đường hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ, Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi và Bệnh viện điều trị COVID-19 Bình Chánh.
Bác sĩ Trần Đình Minh Tú, khoa Ngoại Gan Mật Tụy cho biết, đây là lần đầu tiên tham gia công tác chống dịch tại thành phố. Theo hướng dẫn, khoa đã chuẩn bị các phương tiện phòng chống dịch đúng tiêu chuẩn cùng với các dụng cụ sinh hoạt trong thời gian dài.
"Tham gia công tác điều trị tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Bình Chánh, mục tiêu chính của đoàn là điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ, vừa và phát hiện những bệnh nhân tình trạng nặng, diễn tiến xấu để có sự can thiệp kịp thời hoặc chuyển lên tuyến trên để điều trị", bác sĩ Tú chia sẻ.
Nữ điều dưỡng Trương Thị Diệu Kỳ - Khoa Ngoại Tiết niệu cho biết, mọi người luôn động viện nhau cố gắng đảm bảo an toàn trong quá trình chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ai cũng có hoàn cảnh gia đình riêng nhưng mọi người đều sắp xếp, được sự động viên của đồng nghiệp và gia đình nên tham gia vào đội tình nguyện hỗ trợ cho các bệnh viện điều trị Covid-19.
BS CKII Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện đang tập trung toàn lực cho TPHCM, đã hỗ trợ hơn 450 nhân lực cùng với xe cấp cứu, đội cấp cứu chuyên nghiệp để hỗ trợ thành phố trong công tác lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng, hội chẩn, đón bệnh nhân nặng phải chạy ECMO… Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đã tổ chức tập huấn chọn 5 đầu mối có thể chạy ECMO ở các tỉnh phía Nam trong trường hợp dịch tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngoài ra, còn có 3 đội cấp cứu lưu động, chạy ECMO sẵn sàng hỗ trợ cho các tỉnh.
Theo bác sĩ Thức, lực lượng nhân viên y tế chi viện cho các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn TPHCM đều được chuẩn bị tất cả những kiến thức cơ bản về chăm sóc bệnh nhân Covid-19, kiểm soát nhiễm khuẩn và đặc biệt là những kiến thức sâu về hồi sức cấp cứu sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống. Bên cạnh đó, có những tiên lượng có thể diễn tiến nặng ở người bệnh để đi trước một bước, chặn những diễn biến nặng có thể xảy ra.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ