Nữ ca sĩ mang tiếng hát đấu tranh cho nhân quyền

21/10/2016 - 15:00
Nhắc đến Nina Simone, người ta nghĩ đến một nghệ sĩ da màu không có ngoại hình đẹp nhưng sở hữu chất giọng đầy sức hút và là biểu tượng của sự tranh đấu nhân quyền.

Nina Simone sinh ngày 21/2/1933 tại thị trấn Tryon, North Carolina, nước Mỹ, với tên khai sinh là Eunice Waymon.

Năm Simone 12 tuổi, trong buổi biểu diễn piano đầu tiên của mình tại nhà thờ địa phương, cha mẹ bà đang ngồi hàng ghế đầu đã bị buộc phải chuyển xuống phía dưới hậu trường để nhường chỗ cho người da trắng.

Thời đó, để tìm đến nhà giáo viên dạy piano, cô bé Eunice Waymon đã phải băng qua những đường ray xe lửa. Miền Nam nước Mỹ những năm thập niên 40 của thế kỷ XX vẫn duy trì một quy định về đường ray xe lửa, nó được xem là ranh giới tách biệt khu của người da màu ra khỏi đất của người da trắng.

Ký ức sâu đậm thuở ấu thơ ấy sau này trở thành nguồn cảm hứng và sức mạnh để Nina Simone có nhiều hoạt động tích cực trong các cuộc đấu tranh nhân quyền, cũng như sáng tác về những ca khúc bất hủ như Mississippi Goddam, Gifted and Black... của bà.

1.jpg
Nữ ca sĩ Nina Simone.

Sau khi học xong trung học, Simone muốn được học tại trường âm nhạc Curtis Institute ở Philadelphia nhưng bà bị từ chối học bổng chỉ vì là người da màu. Không bỏ cuộc, Simone chuyển đến New York, tiếp tục việc học tại trường âm nhạc Juilliard.

Để có tiền học, Simone thường xuyên đi hát ở các hộp đêm. Năm 21 tuổi, Simone trở thành ca sĩ thực thụ khi hát tại phòng trà Midtown Bar & Grill ở thành phố Atlantic. Sự pha trộn, kết hợp của jazz, blues và âm nhạc cổ điển trong buổi biểu diễn của Simone đã khiến khán giả ở thành phố này vô cùng ngạc nhiên và thích thú.

Ba năm sau, album đầu tay Little Girl Blue ra đời. Chẳng bao lâu sau, khán giả New York biết đến cái tên Nina Simone, rồi đến toàn nước Mỹ. Qua các bài hát với giọng đọc hùng hồn nói lên sự phẫn nộ của xã hội kỳ thị màu da, Nina Simone đã góp một tiếng nói quan trọng trong thời kỳ đấu tranh nhân quyền tại Mỹ.

Từ đầu những năm 1960, Simone đã tham gia vào phong trào nhân quyền và âm nhạc của bà chịu sự ảnh hưởng lớn trong cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng ở Hoa Kỳ. Thông điệp về quyền bình đẳng đã xuất hiện trong rất nhiều ca khúc của Simone trong suốt thập niên 1960, 1970, trở thành nội dung không thể thiếu trong các buổi trình diễn của bà.

3.jpg
 Với những ca khúc bất hủ và giọng ca hùng hồn, Nina Simone đã mạnh mẽ lên tiếng đấu tranh cho xã hội kỳ thị màu da.

Năm 1964, bà trở thành ca sĩ độc quyền cho công ty Philips của Hà Lan. Trong album đầu tay của bà cho Philips có tên Nina Simone in Concert, Simone lần đầu tiên công khai đề cập đến sự phân biệt chủng tộc với bài hát Mississippi Goddam. Bà thể hiện sự phản ứng mạnh mẽ và sự phẫn nộ cùng cực của mình khi chứng kiến những vụ thảm sát Medgar Evers ở Mississippi và các vụ đánh bom ở nhà thờ Birmingham, Alabama đã giết chết bốn người phụ nữ da màu.

Năm 1966,  Simone đã sáng tác ca khúc  Four Women, một bài hát ca ngợi những người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầy nghị lực. Năm 1967, cùng với Lorraine Hansberry, Simone đã hát ca khúc To Be Young, Gifted and Black; cũng là một bài hát về quyền bình đẳng chủng tộc. Qua các bài hát với chất giọng hùng hồn của Simone đã thể hiện sự phẫn nộ của xã hội kỳ thị màu da.

Bà còn tham gia vào rất nhiều cuộc họp về dân quyền, kêu gọi tất cả người châu Phi đang sống ở Mỹ đứng dậy đấu tranh đòi quyền bình đẳng bởi theo bà, mọi chủng tộc đều có quyền lợi giống nhau. Có thể nói Nina Simone đã đóng góp một tiếng nói quan trọng trong thời kỳ đấu tranh nhân quyền tại Mỹ.

Những ca khúc nổi tiếng nhất của Simone có thể kể đến như Little Girl Blue, Feeling Good và đặc biệt bài hát My Baby Just Cares For Me của bà được sử dụng làm ca khúc chính cho phim Point Of No Return. Simone cũng là cảm hứng để xây dựng nhân vật nữ chính trong phim này. Bài hát này còn được sử dụng trong quảng cáo cho nước hoa Chanel số 5 ở Anh.

Lịch sử ghi nhận Nina Simone như một huyền thoại âm nhạc của dòng nhạc soul nhưng bà lại không thích ấn định mình vào một dòng nhạc cụ thể. Với Simone, âm nhạc luôn là ngẫu hứng, thay đổi và biến chuyển không ngừng. Tất cả những điều đấy lấn át những suy nghĩ quy cũ và tính toán, biến âm nhạc trở nên không còn ranh giới. Rất nhiều những nghệ sĩ nổi tiếng đã chịu sự ảnh hưởng của bà như Aretha Franklin, Alicia Keys, Adele, David Bowie, Christina Aguilera…

2.jpg
 Gu âm nhạc ngẫu hứng, phong phú của bà đã gây ảnh hưởng lớn đến nhiều ca sĩ nổi tiếng về sau.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Simone đã nhận được một giải Grammy Hall of Fame vào năm 2000 và 15 lần được đề cử giải Grammy. Năm 2003, Nina Simone qua đời tại nhà riêng ở Pháp sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh ung thư. Theo tâm nguyện của Simone, hài cốt của bà được mang về rải ở quê nhà ở châu Phi.

Năm 2013, đạo diễn Cynthia Mort đã tái hiện lại cuộc đời của Nina Simone qua bộ phim mang tên gọi của cô “NiNa” và diễn viên ngôi sao của phim Avatar- Zoe Saldana đã tái hiện thành công hình tượng Nina Simone. Nina Simone đã ra đi nhưng để lại cho thế giới một hình ảnh của sự đam mê và một tài năng âm nhạc lạ thường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm