Nữ cận vệ đầu tiên của Bác Hồ

03/09/2016 - 13:11
Đó là Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận, người có trên 22 năm vinh dự làm công tác kiểm nghiệm thức ăn, nước uống, bảo vệ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Bích Thuận sinh năm 1922 trong một gia đình công nhân nghèo tại làng Lãng Yên, tổng Thanh Nhàn (nay là phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Mồ côi mẹ từ nhỏ,  cô bé Thuận được nuôi dạy trong sự thương yêu của bà nội và bố.

Nghe lời dạy của cha: “Phải học để có một cái nghề nương thân” nên ngoài thời gian làm việc gia đình, cô bé Bích Thuận đã chú tâm vào học tập.

Học xong 6 năm tại Trường Armand Rousseau (Trường Lò Đúc, nay là Trường Lê Ngọc Hân), bà đỗ vào Trường Nữ sinh Đồng Khánh. Trường dành riêng cho nữ giới, trong đó có nhiều học sinh con nhà giàu nhưng bà vẫn giữ nếp sinh hoạt của một gia đình lao động, vì thế mà bạn bè đặt cho biệt danh “Thuận nhà quê”.
v-chng-ng-l-vn-lng-v-b-nguyn-thi-bich-thun.jpg
 Vợ chồng ông Lê Văn Lương và bà Nguyễn Thị Bích Thuận
Chính hoàn cảnh gia đình, chứng kiến những người dân sống cực khổ và thấm nhuần những lời bố dặn, bà đã sớm giác ngộ cách mạng và quyết định chọn cho mình một con đường đi đầy gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang. Tốt nghiệp Trường Đồng Khánh, Bích Thuận hoạt động trong Hội Phụ nữ cứu quốc, liên lạc trực tiếp với Thành ủy Hà Nội, được chỉ định đi nghe các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh nói về tình hình cách mạng ở Nhà hát Lớn.

Với nhiệt huyết cách mạng và ước nguyện đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, tháng 10/1945, bà vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được điều về phụ trách một số chị em làm công tác nuôi quân tại Ty Liêm phóng Bắc Bộ.

Bí danh “Bích” được các đồng chí đặt, ghép với tên cúng cơm để thành cái tên: Nguyễn Thị Bích Thuận mà bà vẫn giữ mãi cho đến bây giờ. Bà nhiệt tình tham gia mọi hoạt động như tuyên truyền kết nạp hội viên, bán tín phiếu, dự mít tinh, thành viên của tổ chức Phụ nữ thành Hoàng Diệu...

Vào một ngày hè năm 1945, bà nhận lời may một lá cờ đỏ sao vàng để treo ở hồ Hoàn Kiếm. Tình hình lúc đó rất rối ren, muốn làm được cờ thì phải có vải đỏ, vải vàng nhưng để ra chợ mua những loại vải này rất dễ bị lộ.

Sau nhiều đêm trăn trở, ngước nhìn lên bàn thờ gia tiên, bà đã đi đến một quyết định: Trên ngai thờ tổ của gia đình bà có phủ một mảnh vải đỏ còn đẹp, tươi màu, khổ vải cũng rộng. Bà cắt tấm vải đỏ thành một hình chữ nhật khoảng 40x50cm để may cờ, phần vải còn lại bà đặt lên ngai thờ. Cho đến sau này, bà vẫn luôn tâm niệm rằng: “Nếu có biết, chắc bố tôi hiểu việc tôi làm”.

Hòa cùng không khí sôi sục khí thế cách mạng Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, bà Thuận vinh dự đi trong đoàn Phụ nữ cứu quốc tiến về Ba Đình dự Lễ Độc lập 2/9/1945.

Sáng 2/9/1945, bà tập trung chị em ở khu phố Lò Đúc, chợ Hôm, Bạch Mai đi lên Quảng trường Ba Đình. Bà nhìn thấy Bác Hồ trên lễ đài. Đó là lần đầu tiên bà được nhìn thấy Bác Hồ ở vị trí rất gần và bà đã không cầm được xúc động khi nghe Người nói. Bà không thể ngờ rằng, một khoảng thời gian sau đó, bà vinh hạnh được tham gia bảo vệ Người.

Sau ngày tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, bà được tham gia Liên khu bộ Việt Minh, làm Bí thư Phụ nữ cứu quốc Liên khu II và tham gia cấp ủy Liên khu II.

Nhớ lại những ngày đầu nước nhà vừa giành được độc lập, bà cùng các đồng chí Trần Vỹ, Hà Giang được vinh dự theo học lớp học ngắn hạn, đặc biệt, đào tạo cán bộ cốt cán do Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Lê Duẩn giảng tại Bắc Bộ phủ. Hồi đó, tình hình chính trị và trật tự xã hội hết sức phức tạp nên việc đi lại thường hay bị bọn địch bắt cóc. Sự vất vả, hiểm nguy dường như không làm cô thiếu nữ khi ấy một chút nao núng. Tối tối, bà vẫn chăm chỉ đến lớp và lắng nghe những lời giảng của Bác Hồ. Chính những bài học ban đầu đó đã giúp bà rất nhiều trong công tác vận động quần chúng.

Mùa xuân năm 1947, bà Bích Thuận được tổ chức điều về công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng, tại An toàn khu (ATK) Thái Nguyên. Đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng đã giới thiệu bà với đồng chí Lê Văn Lương (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Tổ chức Trung ương). Sau này, bà từng kể lại: “Anh Lương cao, nước da trắng trông rất thư sinh, nên ngay ngày đầu gặp gỡ, tôi đã đặt niềm tin tưởng vào anh. Tình yêu trong sáng của hai người cùng chung một con đường và lý tưởng cách mạng đã đưa chúng tôi đến hôn nhân. Lễ cưới của chúng tôi được tổ chức đơn giản nhưng rất đầm ấm. Bác Tôn Đức Thắng làm chủ hôn. Anh Trường Chinh, anh Lê Đức Thọ, anh Hoàng Quốc Việt và các đồng chí trong cơ quan tôi đến dự. Đặc biệt, Bác Hồ đã viết thư chúc mừng với dòng chữ: “Chúc Lương - Thuận đoàn kết, chặt chẽ” và ký tên Hồ Chí Minh”.
gia-nh-b-nguyn-thi-bich-thun-thm-ao-c-bc-h.jpg
 Gia đình bà Nguyễn Thị Bích Thuận thăm ao cá Bác Hồ
Theo chủ trương trí thức hóa công nông của Đảng, bà Bích Thuận được cử đi học. Năm 1961, bà là một trong những sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên Đại học Y Dược với tấm bằng đỏ chuyên ngành hóa chất. Bà được cử về Cục Cảnh vệ làm công tác kiểm nghiệm thức ăn, nước uống bảo đảm tuyệt đối an toàn cho Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Từ đây, bà vinh dự trở thành người được gần gũi Bác Hồ và trở thành nữ cận vệ đầu tiên của Bác. Tất cả thực phẩm Bác dùng, bà đều kiểm tra kỹ lưỡng, tránh các âm mưu đầu độc. Thư, quà gửi cho Bác cũng được kiểm tra tỉ mỉ. Bà kiểm tra kỹ xe ô tô và lốp xe trước khi Bác lên xe, nơi Bác đến cũng được rà soát kỹ nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Năm 1962, bà được Bộ Công an cử đi học ngành An ninh ở Liên Xô. Có hôm, biết bà đi học ở Liên Xô về, Bác Hồ mời bà ăn cơm ở nhà sàn, Bác căn dặn: "Cháu không được bắt chước rập khuôn, người ta làm thế nào mình làm thế ấy mà phải áp dụng phù hợp thực tế, phải dựa vào sự hỗ trợ của các chú bảo vệ, cấp dưỡng". Bà luôn khắc sâu lời dạy của Bác.

Là người được sống và làm việc gần gũi Bác Hồ, bà Bích Thuận luôn được Bác động viên góp ý, dạy bảo nhất là trong công tác nghiệp vụ công an. Mỗi lần Bác góp ý là một bài học để bà trưởng thành. Bước sang tuổi 62, bà nghỉ hưu khi ở cấp hàm Đại tá, Cục phó Cục Cảnh vệ.
b-nguyn-th-bch-thun-trong-l-k-nim-50-nm-ngy-thnh-lp-lc-lng-cnh-v-16-2-2003.jpg
 Bà Nguyễn Thị Bích Thuận trong Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Lực lượng Cảnh vệ (16/2/2003)
Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, bà luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bà được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm