Nụ cười bên ngoài che giấu 'cái chết' bên trong

10/05/2016 - 16:11
Việc học sinh V.N.T.T (lớp 11 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định) treo cổ tự vẫn vào ngày 8/5 cho thấy, giới trẻ cần được trang bị kỹ năng làm chủ cảm xúc và biết chia sẻ.
 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định, nơi nam sinh T. theo học trước khi tự vẫn. Ảnh: Báo Bình Định.

“Bất ngờ”, “bàng hoàng” là cảm xúc của thầy cô giáo và bạn bè của T. ở trường THPT chuyên Lê Quý Đôn khi nghe tin T. tự tự. Cô Chế Thị Hồng Thoa, giáo viên chủ nhiệm lớp 11 chuyên Anh cho biết, T. cho biết là học sinh có học lực giỏi, hạnh kiểm tốt, hòa đồng với bạn bè, năng nổ với các hoạt động của lớp, trường. Thời gian gần đây T. không có biểu hiện gì khác thường. Ông Mai Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết thêm: “Điều kiện kinh tế, cuộc sống của gia đình T. cũng bình thường. Vì thế, không ai hiểu vì sao em T. lại làm việc dại dột như vậy”.

T. đã ra đi, để lại nhiều dấu hỏi trong lòng những người còn sống. Nhưng, có một điều chắc chắn, là T. phải có ẩn ức gì đó trong lòng. Có thể em bị áp lực học tập, cũng có thể là do gia đình lục đục như một nguồn tin cho hay… và cũng có thể là nguyên nhân khác. Tiếc rằng, dù bất kể nỗi buồn đó đến từ đâu, thay vì chia sẻ với những người xung quanh, em đã âm thầm chịu đựng và giấu kín trong lòng. Để rồi với người ngoài, em vẫn là một cậu học sinh bình thường, tham gia đầy đủ các hoạt động  của trường. Với hàng xóm, em vẫn là cậu bé hiền lành, vui vẻ...

Cách đây vài năm, M.T, một nữ sinh lớp 12 Anh, trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cũng tự tìm tới cái chết. Thời điểm đó, cô giáo của T. nhận xét, T. là nữ sinh có học lực tốt và không có biểu hiện gì bất thường. Ngay cả các nữ sinh sống cùng phòng với nữ sinh này cũng không hiểu vì sao T. dại dột như vậy. Các bạn T. khẳng định, T. rất vui vẻ và hòa đồng.

Năm 2015, một nam sinh lớp 11 trường chuyên THPT Chu Văn An (Lạng Sơn) nhảy sông tự vẫn. Ảnh minh họa Internet.

Theo chuyên gia tư vấn độc lập Vũ Thu Hà, thật khó khi chỉ trích người lớn, bạn bè… của các học sinh đã không kịp thời nắm bắt tâm tư của các em khi mà chính các em đã cố giấu kỹ nó trong lòng. Thay vào đó, chúng ta cần thấy, trước tiên các em phải được trang bị kỹ năng kiềm chế cảm xúc. Khi buồn bực, đau khổ, các em phải biết cách để giải tỏa. Một trong số đó là chia sẻ ra bên ngoài, với những người mà các em tin tưởng. Khi đó, những người xung quanh sẽ cùng em gỡ rối. Các em cần biết, nếu cảm xúc tiêu cực không được kịp thời gỡ bỏ, chia sẻ sẽ càng trở nên tiêu cực, khiến nạn nhân có nguy cơ không làm chủ được cảm xúc và dễ có hành vi tiêu cực. Tương tự như vậy, nếu người thân ở xung quanh các em thường xuyên khơi gợi, chia sẻ, lắng nghe và giúp các em cơ hội để nói lên suy nghĩ thì có lẽ, đã không bị bất ngờ đến thế.

Theo một phó hiệu trưởng trường THPT ở Hà Nội, học sinh trường chuyên vốn được xã hội nhìn nhận là những người thông minh, học giỏi, nhưng học giỏi không có nghĩa các em có kỹ năng sống tốt. Thậm chí, có những em chỉ biết học, và rất vất vả khi phải đối phó với khó khăn trong cuộc sống. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm