pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ dân quân xứ Thanh với ký ức hào hùng về chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam
Bà Tô Thị Đạo (áo tím) kể về ký ức hào hùng với cán bộ, chiến sĩ trẻ hôm nay
Ký ức hào hùng của tuổi hai mươi
Ở tuổi 83, bước chân bà Tô Thị Đạo có phần chậm chạp nhưng trên gương mặt hằn vết thời gian của bà vẫn rạng ngời, giọng bà rổn rảng: "Mấy năm nay mắt bà mờ đi, nhưng tai bà vẫn thính lắm, con muốn nghe gì, bà sẽ kể cho con…".
Bà Đạo sinh ra ở vùng biển xã Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Với vai trò là đội trưởng dân quân xã, năm 1963, vừa qua tuổi 20, bà Tô Thị Đạo được kết nạp vào Đảng. Đến nay, bà có 61 năm tuổi Đảng. Bà Đạo kể: Người dân quê bà ở xã Hoà Lộc, ngay sát cửa Lạch Trường vốn chỉ làm nghề đi biển đánh bắt cá mưu sinh, nên ai cũng rành việc chèo thuyền và quen với sóng nước từ nhỏ. Năm 1964, hầu hết thanh niên xã Hoà Lộc đều xung phong đi bộ đội, ở nhà chỉ còn phụ nữ, người già, trẻ em. Phụ nữ quê bà thường ra cửa Lạch Trường mua cá ở các tàu biển, rồi đem bán lẻ ở chợ kiếm lời mưu sinh.
Dịp cuối tháng 7/1964, bà nhận được tin của cấp trên rằng cuộc chiến tranh với đế quốc Mỹ đang leo thang từ miền Nam ra miền Bắc, diễn biến ngày càng ác liệt. Dân quân và lực lượng các xã ven biển tỉnh Thanh Hoá đều gấp rút hỗ trợ người dân nhanh chóng đi sơ tán khỏi vùng chiến sự nguy hiểm.
"Tôi là đội trưởng dân quân, vừa kêu gọi, vừa ra sức giúp người già, trẻ em xã mình đi sơ tán theo kế hoạch. Đúng ngày 2/8/1964, chiến sự trên biển diễn ra ác liệt, đã quen với sóng nước, chúng tôi lợi dụng chèo thuyền men theo hàng cây sú ven biển, cùng anh chị em ứng cứu các thương binh đưa vào nơi chữa trị. Trạm xá của xã lúc ấy chật hẹp, lực lượng đã mượn tạm điểm thu mua muối của người dân làm điểm chữa trị cho thương binh" - bà Đạo nhớ lại.
Có khi bà vừa chèo thuyền cập bờ, có anh thương binh bị thương rất nặng, 1 anh dân quân trong đội không kịp lấy cáng, đã vác anh đó chạy đến điểm cấp cứu. Có lúc hết cáng thương, bà và đồng đội phải lấy rát giường trải chăn, chiếu lên làm cáng, đưa anh em thương binh đến điểm chữa trị. Bà Đạo kể: "Có anh thương binh bị mất nhiều máu, khi đó bác sĩ, y tá kêu thất thanh, cần hiến máu cứu người. Vừa đúng lúc tôi đặt cáng thương binh xuống, cũng là người đầu tiên giơ cao tay nói nhanh: Có tôi, tôi xin hiến máu. Lúc đó đang trong trận chiến ác liệt, tôi không biết mình nhóm máu gì, cũng không biết họ cần lấy bao nhiêu máu thì đủ. Trong một buổi chiều, tôi xin hiến máu 3 lần, nhưng bác sĩ chỉ 2 lần lấy máu của tôi" .
Trận chiến ấy, nhiều bộ đội hải quân bị thương rất nặng, sau đó các anh tiếp tục được đưa về tuyến sau điều trị. Vậy mà nhiều anh khi cầm được máu, vừa tỉnh lại đã vùng dậy đòi quay ra tàu tiếp tục đánh địch. Tiếng các anh phản kháng rất mạnh mẽ: "Tôi phải về tàu cùng đồng đội đánh địch, nhà của tôi là ở tàu, tôi không cần đi tuyến sau chữa trị...".
60 năm qua đi, bà Đạo vẫn nhớ chuyến thuyền lần cuối cùng lúc chập tối, bờ biển gió rất mạnh, chiến sự ngoài biển đã im ắng. “Ngồi nghỉ một lúc, tôi cùng chị Khuyên đi chuyến cuối ra biển. Hai chị em tôi tiếp tục chèo thuyền, loáng thấy cánh tay của một người, tôi nói: Hình như có người. Chị Khuyên bảo: Chắc là chiến lợi phẩm bọn Mỹ bỏ lại. Nói vậy song chúng tôi vẫn chèo thuyền tới. Hóa ra, đó là lính của ta, chị em tôi vần ông ấy lên thuyền đưa vào bờ”, bà Đạo kể.
Ngày hoà bình lập lại, có những người lính hải quân là thương binh đến Thanh Hoá tìm bà, có người còn đưa cả vợ con vào thăm bà, gọi bà là "ân nhân của tôi". Nhưng trong trận chiến ác liệt ngày đó, bà cũng không nhớ đã làm "ân nhân" của người lính nào. Dù vậy, niềm hạnh phúc thời bình vẫn đến với bà ấm áp trong mỗi dịp gặp mặt hay những cuộc điện thoại thăm hỏi ân tình cho đến tận bây giờ.
30 năm không ít lần gửi con đi làm công tác Hội
Sau khi góp công vào chiến thắng oanh liệt đầu tiên của lực lượng Hải quân Việt Nam, đầu năm 1965, bà Tô Thị Đạo được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ vào Ban chấp hành Đảng uỷ - đảm nhiệm Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc. Chỉ sau đó 1 năm, năm 1966, bà được bầu bổ sung vào Ban chấp hành Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá, Phó ban Phúc lợi - Đời sống và công tác ở Hội LHPN tỉnh cho đến khi về hưu. Thời điểm đó, bà chuyển ra thành phố Thanh Hoá rồi xây dựng gia đình, sống cùng chồng và các con cho đến nay.
Nhắc đến 30 năm gắn bó với công tác Hội LHPN xứ Thanh, giọng bà Tô Thị Đạo hồ hởi: "Kỷ niệm làm cán bộ Hội thì nhiều vô kể, đi theo tôi suốt cuộc đời, trong đó, tôi không nhớ hết số lần đi tuyên truyền công tác Hội ở các địa phương. Chỉ nhớ, trước mỗi chuyến đi công tác cơ sở, chúng tôi đều phải chuẩn bị mọi thứ để xa nhà cả tuần lễ. Đó là gửi con, gửi lợn, gà, vườn rau, xà phòng, gạo và đồ dùng cá nhân của con, thức ăn cho lợn, gà tới hàng xóm hay cho tổ chức. Khi xuống đến cơ sở, muốn chị em đi họp Hội trong vài ngày tới, chúng tôi phải đi cấy lúa, gặt, nấu cơm, làm vườn cùng chị em hội viên. Cứ lần lượt hết nhà này đến nhà khác để vận động, tuyên truyền, làm việc nhà cùng hội viên, để các chị em có thời gian họp chi Hội với mình".
Bà Đạo vui vẻ nhớ lại: "Tôi còn nhớ, đó là lúc kinh tế cả nước còn khó khăn, những buổi trưa ở cơ quan tỉnh Hội, chị em lại rủ nhau đi vớt bèo, nhặt rau dại về nuôi lợn, bắt ốc, bắt cua để cải thiện bữa ăn của gia đình".
Cũng có lần, bà cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với Chi hội trưởng và các hội viên để đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống bạo hành gia đình. Bà đã gặp trường hợp anh chồng trói vợ vào chân giường, đánh vợ rất dã man. Bà kể: "Lúc chúng tôi cùng lực lượng chức năng đến nhà, anh chồng còn hống hách nói "vợ tôi, tôi đánh, có phiền tới các người không?". Sau nhiều giờ nói chuyện, phân tích, anh chồng đã nghe ra, tự nguyện cởi trói cho vợ và viết đơn cam kết với chính quyền địa phương và Hội LHPN sẽ không đánh vợ nữa".
Sau 30 năm cống hiến cho công tác Hội phụ nữ, năm 2005, bà về hưu. Song, với tinh thần sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết của người nữ dân quân khi xưa, bà lại hăng hái tham gia Ban chấp hành Hội LHPN phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hoá. Sau đó, bà còn được tín nhiệm là Bí thư Chi bộ 2, phụ trách 45 đảng viên của tổ dân phố. Đến khi chồng bà là thương binh nặng đau ốm nhiều, bà mới xin nghỉ công tác xã hội.
Bà Đạo cười vui bật mí thêm về đời tư của mình: "Khi lấy tôi, ông ấy đã có 2 con với người vợ trước. Sau đó, vợ chồng tôi sinh thêm 2 người con. Mấy mươi năm vợ chồng, tôi thương yêu cả 4 người con chung và riêng như nhau, chưa khi nào phân biệt, nên cả nhà luôn sống trong hạnh phúc xum vầy".
Chồng bà đã mất cách đây vài năm do bệnh nặng, mọi tình thương yêu của con cháu, dâu rể đều dành cả cho bà - người cán bộ Hội, người nữ dân quân với trái tim ấm áp đã đưa bà gắn kết duyên đời với người chồng là thương binh nặng, cùng bao tháng năm giúp ông vật lộn với bệnh tình do chiến tranh để lại, nhưng chưa một lần bà ca thán hay thấy mình thiệt thòi, cần sẻ chia...
Cách đây 60 năm, vào đầu năm 1964, để chủ động đối phó với âm mưu, thủ đoạn "leo thang" chiến tranh của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Trung ương Đảng, Chính phủ, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để chiến đấu bảo vệ vùng biển, tuyến ven bờ, các hải cảng, cửa sông và căn cứ; sẵn sàng cùng quân dân miền Bắc đánh thắng giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc.
Trong trận chiến đấu ngày 2 và 5/8/1964, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã sử dụng hơn 20 tàu và các trạm rađa... hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội Phòng không, công an vũ trang, dân quân tự vệ và nhân dân các tỉnh ven biển (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình) chiến đấu anh dũng đập tan cuộc tập kích bằng không quân của đế quốc Mỹ, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống giặc lái Mỹ đầu tiên trên miền Bắc nước ta.
Chiến thắng ngày 2 và 5/8/1964 của bộ đội Hải quân, Phòng không Không quân và quân dân miền Bắc đã giáng một đòn mạnh vào uy thế của Hải quân Mỹ. Đây là chiến công tiêu biểu đầu tiên của Quân chủng Hải quân sau 9 năm thành lập - mở đầu trang sử chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của Hải quân Việt Nam anh hùng. Đây cũng là chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.