Nữ danh họa Shinoda Toko |
Bà Shinoda Toko sinh tại Dalian, Manchuria năm 1913. Đây là nơi cha bà quản lý một nhà máy sản xuất thuốc lá. Năm bà 2 tuổi thì gia đình trở về Tokyo. Bà mang trong mình tình yêu mãnh liệt thơ ca, thư pháp và mực sumi từ người cha. Đây là loại mực đặc biệt dùng trong nghệ thuật thư pháp Nhật Bản và bà bắt đầu luyện tập thư pháp từ năm lên 6 tuổi. Bà cho biết: “Mực sumi không chỉ màu đen như mọi người vẫn nghĩ. Các sắc độ khác nhau của mực sumi có thể thể hiện tất cả màu sắc từ màu đỏ của hoàng hôn, màu xanh của bầu trời cho đến màu của hoa cỏ.”
Sáng tác nghệ thuật |
"Tôi ngạc nhiên khi mình sống đến tuổi này mà vẫn còn rung động vì nghệ thuật. Tôi không vẽ thường xuyên theo lịch trình mà chỉ vẽ khi có cảm xúc”, bà Shinoda chia sẻ. Khi sáng tác, bà không chọn chủ đề để vẽ mà chỉ chọn sắc độ của mực và đường nét. Chính vì vậy, bước đầu tiên và quan trọng nhất khi bà vẽ tranh là mài mực. Theo bà Shinoda, để mực có màu đẹp, cần phải giữ cho tâm tĩnh lặng. Bên cạnh đó, cọ vẽ cũng góp phần rất quan trọng, quyết định sự thành công của tác phẩm. Hiện bộ cọ vẽ của bà có hơn 200 cây với đủ chủng loại, kích thước. Chúng đều được đặt làm riêng cho công việc sáng tạo nghệ thuật của bà.
Bộ cọ vẽ đủ các chủng loại, kích thước |
Tạp chí Mỹ Time đã từng ví những bước đi nghệ thuật đầu tiên của bà có nhiều điểm tương đồng với danh họa lừng danh Picasso. Các công trình nghệ thuật của bà hiện được trưng bày tại các bảo tàng nghệ thuật khắp thế giới, tiêu biểu như Bảo tàng nghệ thuật hiện đại quốc gia Tokyo, Bảo tàng quốc gia Hague, Viện Nghệ thuật Chicago, Bảo tàng nghệ thuật Cincinnati…
Một tác phẩm của bà Shinoda Toko |
Bà bắt đầu dạy thư pháp và mở triển lãm cá nhân đầu tiên tại Tokyo năm 1936. Đầu năm 1950, bà chuyển sang sinh sống ở Mỹ. Bà định cư ở Mỹ 2 năm và bắt đầu theo đuổi trường phái nghệ thuật trừu tượng. Năm 1954, bà có cuộc triển lãm đầu tiên theo trường phái trừu tượng tại Bảo tàng nghệ thuật hiện đại New York. Năm 1960, không những vẽ trên giấy, bà còn dùng gỗ để làm chất liệu sáng tác, tạo ra những tác phẩm 3 chiều độc đáo. Trong đó, nổi bật nhất là tác phẩm dài gần 28m hiện đang được đặt tại Zojoji, ngôi chùa 600 năm tuổi ở Tokyo.
Triểm lãm tranh |
Vì mải mê với nghệ thuật, bà Shinoda không màng đến hạnh phúc riêng. “Tôi không chồng, không con và dành hết thời gian để sáng tác", bà Shinoda chia sẻ. Thú vui của bà là ngắm lại từng bức tranh và bà hồi tưởng lại những bước đường gắn bó với nghệ thuật.