Nữ đệ nhất leo dừa

23/02/2016 - 15:25
54 tuổi, hơn 30 năm làm nghề “độc nhất vô nhị” - trèo dừa, đã có lúc bà Nguyễn Thị Mười Hai muốn tìm một nghề trên mặt đất như bao phụ nữ khác.
Ở lứa tuổi đã có cháu, cuộc sống của bà Mười Hai vẫn trên ngọn dừa. 

Vác bụng bầu leo cây

Ấp Bờ Xe, xã Thạnh Phú (Châu Thành – Tiền Giang) không ai còn lạ lẫm với bà Mười Hai, người phụ nữ được mệnh danh là “đệ nhất leo dừa” ở vùng quê nghèo này. Dáng người nhỏ nhưng rắn chắc, mái tóc đã ngả bạc, nước da đen sạm và đôi bàn tay đã hằn lên những vết chai, dù vậy các cơ bắp thì săn chắc và đôi chân nhanh như sóc khi bám trên thân dừa khiến bà Mười Hai còn được người dân ở đây gọi với cái tên ví von: Hai sóc.

Ngày nắng cũng như ngày mưa, lúc khoẻ mạnh cũng như đau ốm, thậm chí ngay cả lúc mang bầu, bà vẫn thoăn thoắt trên thân dừa cao vút, kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình và nuôi các con khôn lớn.

Nói về truyền kỳ ở ấp Bờ Xe "leo dừa lúc đang mang thai, khó tin nhưng thật", bà Mười Hai bảo, là phụ nữ, có ai không muốn được nghỉ ngơi, được làm những công việc nhẹ để dưỡng thai. Nhưng “không làm thì không có gì để ăn cả. Khi đó, tui cũng gặp một vấn đề là chẳng có chủ vườn nào dám thuê, tui phải cam kết là nếu có chuyện gì sẽ tự chịu trách nhiệm, họ mới dám để tui leo. Bụng lớn, không leo bằng cách truyền thống, tui phải lấy hông tựa vào thân dừa rồi leo lên. Chỉ duy nhất một lần bị tai nạn, khi đó tui mang bầu con gái đầu ở tháng thứ 6, đang trèo bị trượt chân nên té, may là té ngồi nên khi đi kiểm tra, thai nhi không gặp vấn đề gì, đó là lần duy nhất trong suốt cuộc đời leo dừa tui cảm thấy sợ”.

Sau khi sinh con chưa được một tháng, bà Mười Hai lại khoác lên mình chiếc áo bạc màu, sờn rách, mang theo liềm và dây thừng… trở lại với công việc leo dừa. Bà kể: “Nhiều lúc đang ở trên ngọn dừa thấy ngực tức dữ dội, biết là con khát sữa nên tụt xuống về cho con bú rồi quay lại leo dừa. Cứ như vậy, các con cũng quen với mùi dừa trên cơ thể tui, cứ như vậy mà lớn lên. Nhưng cũng chẳng có đứa nào leo dừa giỏi như tôi, ngay cả  chồng tôi cũng vậy, không ai có thể theo nghề”.

 Đã quen leo dừa từ nhỏ với những đồ nghề thô sơ, với bà, chẳng có cây dừa nào là khó leo.

Kiếm sống trên ngọn dừa

Nghề leo dừa đến với bà Mười Hai theo cách rất tự nhiên. Bà bảo, ở cái xứ này, trẻ con mới mở mắt là đã thấy dừa, ăn dừa, uống nước dừa và nói chuyện dừa khiến bà ngay từ rất nhỏ đã làm quen với việc leo dừa. “Vòng tay bé xíu của một đứa trẻ mới chỉ hơn 10 tuổi làm sao đã có thể ôm trọn một vòng cây được, có lần leo lên được lưng chừng, tui rớt xuống, đau điếng người mà vẫn lấy hết sức cười. Lớn hơn một chút, vòng tay cũng rộng ra và tui đã chinh phục được những cây dừa khó nhất. Khi đó, bọn con trai cùng trang lứa nhìn tui với ánh mắt ngưỡng mộ lắm. Chỉ không ngờ, sau đó và cho đến tận bây giờ, ngọn dừa lại trở thành nơi kiếm sống của tui”, bà Mười Hai chia sẻ.

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, bà là con thứ 12 trong nhà nên bố mẹ đặt tên là Mười Hai. Cũng giống như các anh chị em khác trong gia đình, ngay từ khi còn rất nhỏ, bà Mười Hai đã phải bươn chải kiếm sống với đủ nghề khác nhau. Nghề mang lại thu nhập ổn nhất vẫn là hái dừa thuê. Tới khi lập gia đình, từng bỏ nghề trèo dừa và cùng chồng bươn chải đủ nghề để kiếm sống nhưng vẫn không đủ ăn, bà Mười Hai muốn quay lại với nghề đã gắn bó với bà nhiều năm. “Vào lúc tuyệt vọng nhất, hình ảnh của những cây dừa hiện về trước mắt, tui nghĩ tại sao mình không thể sống bằng nghề hái dừa thuê? Lúc đầu chồng tôi phản đối dữ lắm. Ông ấy bảo, đàn bà không ai lại làm việc này. Nhưng rồi thuyết phục mãi chồng tôi cũng gật đầu”, bà Mười Hai kể.

Càng leo dừa, bà Mười Hai lại càng cảm thấy chẳng có cây nào là cao và khó đối với bà. Những cây dừa cao 20 – 30m, thậm chí 40m với thân dừa trơn tuột, không có điểm bám, bà Mười Hai vẫn leo lên một cách ngon lành. Người phụ nữ chuẩn bị bước vào độ tuổi lục tuần này nhớ lại: “Chồng tui sau đó cũng đi phụ cũng tôi hái dừa, ông ấy nhận nhiệm vụ ở dưới đất điều chỉnh dây dù để cho những chùm dừa tiếp đất an toàn nhất. Những năm đó, tiền công hái còn thấp lắm, mỗi cây tui được trả 2.000 đồng, chỉ đủ tiền hai vợ chồng cơm nước qua ngày thôi. Bây giờ họ trả 15.000 đồng mỗi cây, nhưng vợ chồng tui kiếm thêm thu nhập bằng nghề buôn dừa, thay vì các thương lái phải thuê người hái, mình tự làm hết nên thu nhập cũng khá. Nhờ vậy, tui có thể nuôi các con khôn lớn, dù không giàu được bằng cái nghề này nhưng nhờ nó, vợ chồng cất được căn nhà kiên cố, giúp che nắng mưa”.

Không giàu, nhưng nghề leo dừa cũng giúp vợ chồng bà nuôi các con khôn lớn.

Không chỉ đối diện với khoảnh khắc thiếu chút nữa là mất con ngay khi còn trong bụng mẹ, nghề hái dừa thuê cũng khiến bà Mười Hai phải nhiều lần đối mặt với nguy hiểm, đặc biệt là những ngày trời mưa, thân dừa trơn trượt, gió thốc từng cơn lạnh thấu xương nhưng bà vẫn dầm mình dưới cơn mưa mà kéo, mà đu đưa với những trái dừa trĩu nặng. Cũng không ít lần, bà gặp rắn lục cuộn trọn trên những ngọn dừa cao chót vót, bà dùng chính chiếc liềm cầm trên tay để chống trả với chúng, tìm mọi cách làm chúng rơi xuống đất và tiếp tục với công việc, hay có khi bị đàn ong bu lại chích vì trong lúc cắt dừa, bà không để ý nên đụng phải tổ ong…

Nghề trèo dừa đã thành cái nghiệp, đã là bà của những đứa trẻ, cuộc sống của bà vẫn quanh quẩn trên ngọn dừa. Dù đã ở bên kia dốc của cuộc đời và mang trên mình những vết thương do bất cẩn bị liềm cắt vào tay, chân, vết bỏng rộp do ong chích và những chai sần hằn trên hai bàn tay và mu bàn chân, bà Mười Hai vẫn không nghĩ tới chuyện bỏ nghề. Trong ước mơ của mình, bà chỉ mong có nhiều sức khoẻ, để leo dừa, hái dừa cho đến khi già yếu không thể leo nữa.

“Suốt chừng ấy năm, không thể đếm hết được số dừa tui đã leo được, có ngày leo lên 30 – 40 cây, có ngày thì hơn 100 cây, cũng có cây tui leo lên không biết bao nhiêu lần qua năm tháng. Rồi cũng chừng ấy năm bám vào dừa, tui có cảm tưởng như mỗi cây dừa cũng có một cuộc đời riêng của nó vậy. Có cây vươn thẳng tắp lên tận trời xanh, có cây lại cong cong như lưỡi liềm, cây có thân trơn tuột, cây lại xù xì nhiều hằn vết, có mùa cây sai quả nhưng cũng gặp mùa ít trái vì sâu. Giống như cuộc đời tui, bao thăng trầm và biến cố, nhưng tui vẫn sẽ hướng về phía trước, vẫn tin cuộc đời sẽ không lấy đi tất cả của ai”, bà Mười Hai chia sẻ.



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm