Nữ điệp viên lụy tình của KGB

24/03/2016 - 07:00
Trong phòng truyền thống của Ban Tình báo đối ngoại ở Iaxenevo (Nga) có bức chân dung của một người phụ nữ trung niên với đôi mắt đượm buồn. Bên dưới bức ảnh là chữ ký “Greta” và dòng chữ “nguồn tin quan trọng ở Scandinavo”. Greta là ai?
greta-gunvor-hovich.jpg
Gunvor Galtung Hovich 

 Nói về một trong những chiến dịch thành công nhất của cơ quan nội gián Xô Viết ở vùng Scandinavơ không thể không nhắc đến hoạt động của một người thuộc số những điệp viên Xô viết xuất sắc nhất - đó chính là người phụ nữ mang tên Greta. Trong suốt 30 năm, bà đã cung cấp cho Moskva những tin tức giá trị. Quả là hiếm có ai hợp tác được lâu như vậy với tình báo nước ngoài. Greta đã được tặng thưởng huân chương cao quý của Liên xô - Huân chương Hữu nghị các dân tộc. Tuy rằng, tấm Huân chương ấy đã không thể trao tận tay cho bà bởi trong trường hợp cơ sở bị lộ thì nó sẽ trở thành chứng cớ không thể chối cãi.

Tên thật của Greta là Gunvor Galtung Hovich, người Na Uy. Gunvor Hovich là một trong những điệp viên sáng giá nhất của tình báo đối ngoại. Greta (Gunvor) sinh năm 1912 tại thị trấn Odda trong gia đình bác sỹ. Bà học trường Đại học Tổng hợp Oslo, khi Na Uy bị quân Đức chiếm đóng vào năm 1940, bà đã làm y tá tại quân y viện ở thành phố nhỏ Bud. Bà quan tâm đến nước Nga và đã tự học tiếng Nga, điều này đã phần nhiều quyết định số phận tương lai của bà. Vào năm 1942, có một bệnh nhân nhập viện, đó là tù binh Xô Viết Vladimir Kozlov làm tại nhà máy chế biến cá, trước chiến tranh là kỹ sư ở Leningrad. Cô gái Gunvor khi đó 30 tuổi đã đem lòng yêu Vladimir Kozlov và anh cũng yêu cô. Khi Vladimir cùng 2 chiến hữu quyết định bỏ trốn, Gunvor đã giúp họ chạy sang đất nước Thuỵ Sỹ trung lập. Sau chiến tranh, Kozlov trở về quê hương Leningrad còn Greta quay về Oslo và họ đã bặt tin nhau trong vài năm.

 Không phản bội tình yêu

Gunvor quyết định cho dù thế nào cũng tìm kiếm người yêu bằng được. Với vốn tiếng Nga cô không mấy khó khăn để được vào làm việc tại Bộ ngoại giao Na Uy. Năm 1947, cô được cử đến Moskva với vai trò thư ký của ông đại sứ. Không lâu sau, cô lọt vào tầm ngắm của tình báo Xô Viết Lubianca. Về phía V.Kozlov, do từng là tù binh, rồi lại từ Thuỵ Sỹ trở về nước nên đã bị ban an ninh giám sát thường xuyên. Trong một buổi nói chuyện, anh đã kể về việc xảy ra tại Bud và từ đó bắt đầu một bước ngoặt kịch tính trong cuộc đời của Gunvor – khi ấy đang là một nữ nhân viên khiêm nhường của sứ quán Na Uy. Gunvor đã ra sức tìm kiếm Kozlov ở Leningrad nhưng không thành. Sau đó cô được chú ý bởi sự hợp tác với người lái xe của đoàn ngoại giao là Nikolai Pavluk (làm tại Ban Đại diện ngoại giao ở Moskva), đồng thời cũng là nhân viên mật của tổ chức an ninh quốc gia. Tất nhiên là chuyện này đã được Pavluk báo cáo lại với tổ chức. Không lâu sau, Gunvor lập tức được đưa vào “khai thác”. Sau khi gặp cô, viên sỹ quan an ninh Moskva đã đề nghị cô hợp tác với tình báo Xô Viết và hứa sẽ tác động để cô được liên lạc với Kozlov, còn nếu từ chối thì sẽ phái anh chàng đi Sibiri. Thế nên Gunvor đã đồng ý ngay. Lúc đầu, cô có bí danh hoạt động là “Vika”, sau đó đổi thành “Greta”. Người ta tổ chức cuộc gặp mặt cho Greta và V. Kozlov, dưới sự giám sát của ban an ninh tại một căn phòng bí mật. Cuộc gặp cuối cùng là vào năm 1956, không lâu trước khi Greta trở về Oslo. Vài năm sau đó, Greta và Vinking có thư từ cho nhau thông qua các “giám sát viên”. Nhưng về sau, những bức thư từ Leningrad gửi đi thưa dần và đến năm 1976 thì dừng hẳn bởi Kozlov đã lấy vợ và có 2 con, bên an ninh không cần đến sự hỗ trợ của anh nữa. Còn Greta thì không lấy chồng, cô vẫn chung thuỷ với mối tình đầu và duy nhất của mình. Trong một bức thư cuối cùng được chuyển đến cho Kozlov năm 1976 cô viết: “Em có thể phản bội đất nước mình nhưng không bao giờ phản bội anh và tình yêu của chúng ta”.

gunvor-galtung-hovich.jpg
Gunvor Galtung Hovich khi về già rất cô đơn. 

Chết trong cô đơn

Greta làm việc cho tình báo Xô Viết rất tích cực. Sau khi trở về Oslo, cô có gần 300 cuộc gặp gỡ với các sỹ quan của cơ quan an ninh quốc gia Liên xô (KGB), cô làm nhân viên của Sứ quán Liên Xô, tại đây, có các chỉ huy ban điệp vụ thường xuyên kết nối trao cho họ thông tin mật. Trong số này có Viktor Grusko sau trở thành cấp phó KGB. Ông đã viết trong cuốn sách “Số phận người điệp viên” của mình: “Chúng tôi đã chuyện trò 20 phút khi đi dạo trong rừng. Cô ấy (Greta) đã trao cho tôi những tài liệu mật. Chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp của cô, mặc dù trong suốt những năm đó quả là chúng tôi chưa bao giờ nhận được những tài liệu thật ấn tượng nhưng chúng khá ổn định và có liên quan đến những vấn đề mà chúng tôi quan tâm”. Thế rồi trong cuộc gặp với một nhân viên sứ quán là A. Prisipalov gần ngoại ô Oslo vào chiều ngày 27/1/1977, Greta đã bị các điệp báo viên Na Uy bắt giữ...

Greta, khi đó đã 65 tuổi, bị giam trong phòng cách ly tại thành phố Dramen gần Oslo. Ngay trong những cuộc thẩm vấn đầu tiên, bà thừa nhận đã từng làm gián điệp cho Liên Xô và kể chi tiết về công việc của mình tại KGB. Vụ xử án Greta sẽ được bắt đầu vào tháng 11năm đó và bà có nguy cơ bị lĩnh mức án 21 năm tù giam. Tuy nhiên, sau khi bị bắt vài tháng, vào ngày 5/8/1977, người ta đã nhìn thấy Greta bị chết cô đơn trong tù ở Dramen với chẩn đoán là bị chứng nhồi máu cơ tim. Mãi 30 năm sau, V.Kozlov mới được biết về số phận bi thảm của người yêu cũ. 

Nguyên nhân bại lộ

Vì sao Cơ quan phản gián Na Uy lại lần ra được Greta? Rất có thể đó là sự tình cờ. Đã có một chuỗi sự kiện xảy ra trước khi nữ điệp viên này bị phát giác. Ngay từ năm 1961, một nhân viên Ban điệp vụ KGB tại Phần Lan là Anatoli Golixưn chạy sang Mỹ đã tố giác với người Mỹ không ít tình báo viên Xô Viết, hắn khẳng định rằng, tại Na Uy có một con “chuột chũi” Xô Viết, chắc chắn là trong cơ quan tình báo. Thoạt đầu người ta đã không chú ý đặc biệt đến tuyên bố này của kẻ đào tẩu.

Thế nhưng, sự việc đã khác hẳn khi người đứng đầu ban phản gián CIA khi đó là James Englton, một kẻ rất sốt sắng điều tra sự thâm nhập của các điệp viên Xô Viết vào cơ quan nội gián của các nước phương Tây. Englton không bỏ qua chuyện này và thông tin cho người đồng nghiệp Na Uy của mình là Asbor Briun. Sự nghi ngờ nhắm vào cô Ingheborg Liugren làm việc tại Sứ quán Na Uy tại Moskva thay cho Greta. Sau khi về nước, Liugren trở thành thư ký của viên chỉ huy tình báo quân sự Vilghenm Evang. Tháng 9/1965, Liugren đã bị bắt, tuy nhiên, vụ án được dấy lên đã thất bại vì không có một bằng chứng thuyết phục nào về việc cô làm gián điệp cho Liên Xô và việc xử án không thành. Viện cớ về mối quan hệ thân thiết của Liugren với lái xe người Nga của Sứ quán Na uy ở Moskva và qua anh ta, dường như Liugren đã được KGB tuyển mộ. Sau này mới rõ, Liugren đã không hợp tác với cơ quan an ninh Xô viết mà với…CIA. Briun và Evang là 2 nhà lãnh đạo 2 cơ quan nội gián Na Uy (tình báo quân sự và cơ quan phản gián cảnh sát) từ lâu đã cạnh tranh lẫn nhau đều bị bãi chức. Nhưng sau khi Erhulf Tofte thay thế Briun thì cơ quan phản gián Na Uy tiếp tục đào xới sự vụ. Hơn nữa, có thêm sự khẳng định của 2 kẻ phản bội người Nga khác là Yuri Noxenko và Oleg Gordievxki về “một phụ nữ nào đó ở sứ quán Na Uy tại Moskva”. Và thế là sự nghi ngờ được hướng vào Greta. Lập tức cô đã bị theo dõi. Cũng như Liugren, Greta cũng làm việc tại Sứ quán Na Uy ở Moskva và cũng biết tiếng Nga. Mặc dù tình báo Xô Viết đã dùng mọi cách để bảo vệ Greta - nữ điệp viên quý giá nhất của mình ở vùng Scandinavo khỏi bị lộ nhưng rất tiếc là đã không thành công…

    Những sự kiện trên xảy ra cách đây đã hơn 30 năm tại Na Uy nhưng đến nay vẫn được nhắc đến. Đã có không ít câu chuyện viết về Greta (Gunvor Hovich) và Ingebort Liugren. Thậm chí, câu chuyện ấy còn được dựng thành phim và chiếu vào mùa thu năm 2010. Trong cuốn sách “Nụ hôn băng giá” của mình, nhà văn Na Uy đã viết rằng, số phận của 2 người phụ nữ này đã gắn chặt vào nhau cả 2 đã trở thành nạn nhân của cuộc chiến tranh lạnh…  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm