pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ doanh nhân gây dựng thương hiệu Việt: Không thể vội vàng, chộp giật
Các nữ doanh nhân vượt khó thời Covid-19, gây dựng thương hiệu Việt
Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam được thực hiện nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, tạo uy tín vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.
Với ý nghĩa đó, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 20/4 hàng năm là "Ngày Thương hiệu Việt Nam".
Thạc sĩ Quản trị Văn hóa, Chuyên gia xây dựng chiến lược và kế hoạch truyền thông Nguyễn Đình Thành từng chia sẻ: "Thương hiệu là cái hiệu được thương". Một cách giải thích đơn giản nhưng chứa đựng trong đó nhiều thông điệp. Để cái "hiệu" của mình được "thương", vượt qua khó khăn mùa dịch, mỗi nữ doanh nhân có một cách làm khác nhau.
Xây dựng thương hiệu bằng chữ "tình"
Vực dậy 2 công ty may đang đứng bên bờ vực phá sản, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần May Hồ Gươm và Công ty May Chiến Thắng, nguyên Giám đốc điều hành Tập đoàn dệt may Việt Nam và tiếp tục mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực nông nghiệp sạch - bà Ninh Thị Ty được nhiều người đặt cho biệt danh "nữ tướng".
Mỗi thương hiệu bà gây dựng đều tạo được dấu ấn riêng. Quá trình đó không chỉ được xây bằng uy tín, bằng tư duy lãnh đạo, dám làm - dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu, mà còn bằng cả chữ tình.
Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Ninh Thị Ty chia sẻ cùng PNVN: Doanh nghiệp của bà tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn công nhân. Trong đó, phụ nữ, người dân tộc chiếm số lượng không nhỏ. Cùng với các chế độ đãi ngộ, đời sống, tâm tư của công nhân luôn được đặt lên hàng đầu. Với chị em phụ nữ, công đoàn thường tổ chức các buổi chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm chi tiêu gia đình, giữ gìn hạnh phúc, nuôi dạy con cái, hướng dẫn nấu ăn. Với đối tượng công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số lại cần có những chương trình riêng, giúp người phụ nữ tự tin làm kinh tế, thực hiện quyền bình đẳng trong mỗi gia đình.
Con người có hạnh phúc, có sức khỏe mới có làm ra sản phẩm chất lượng tốt. Mà sản phẩm có chất lượng tốt mới làm nên thương hiệu của doanh nghiệp - "nữ tướng" ngành may nhấn mạnh.
Xây dựng thương hiệu bằng cách nâng tầm nông sản địa phương
Luôn tìm kiếm và mong muốn phát triển những dòng sản phẩm "made in Vietnam" vừa ngon vừa hợp với khẩu vị người Việt, đồng thời phải tốt cho sức khỏe, chị Trần Thanh Việt (CEO Vgreen Group) đã quyết định ra mắt sản phẩm đồ uống xanh ngay trong mùa dịch Covid-19.
Các loại trái cây quen thuộc của Việt Nam từ Bình Thuận, Sơn La, trà Thái Nguyên... được đưa vào chế biến trà Kombucha, nước trái cây lên men... theo công nghệ mới, giúp nâng tầm nông sản Việt Nam.
"Nhiều người không tin công nghệ của mình có thể sản xuất được các loại thức uống xanh. Nhưng mình luôn nghĩ, cứ đi rồi sẽ đến. Nếu đã dám ước mơ, dám dấn thân thì ta sẽ đi được trên con đường đã chọn. Đi, học hỏi, mình nhận ra: Muốn làm ra sản phẩm tốt, đầu tiên phải có nguyên liệu sạch để chế biến. Đó cũng là xu hướng gần đây của Việt Nam và thế giới. Tự hào hơn nữa là sản phẩm được làm hoàn toàn từ trái cây Việt Nam, ngay tại Việt Nam, tốt cho sức khỏe người Việt, đặc biệt là chị em phụ nữ", chị Thanh Việt chia sẻ.
Bí quyết nữ CEO này luôn tuân thủ để gây dựng thương hiệu, vượt qua khó khăn của mùa dịch, đó là luôn phải thực hiện đúng 3 tiêu chí: Ngon - Tốt - Giá bán hợp lý. Trong đó, chị Việt đã xây dựng kênh phân phối, tiêu thụ từ nhà máy đến người tiêu dùng để loại bỏ khâu trung gian, đảm bảo mức giá phù hợp cho người sử dụng.
Xây dựng thương hiệu không thể vội vàng, chộp giật
Quyết định sản xuất khẩu trang trong những ngày dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ, chị Nguyễn Hải Yến (CEO thương hiệu thời trang trẻ em K's Closet) là một trong số những nữ doanh nhân đầu tiên tại Việt Nam làm khẩu trang vải kháng khuẩn cho trẻ em và gia đình.
Khi khẩu trang trở thành món hàng khan hiếm và đắt đỏ thời đại dịch, năm 2020, mỗi ngày, công ty của chị Hải Yến cung cấp trung bình tới 20.000 chiếc khẩu trang vải ra thị trường.
Để vượt "bão" Covid-19, nữ CEO 8x này cũng đã nhanh nhạy nắm bắt xu hướng tiêu dùng, chuyển sang quảng bá hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử cũng như mạng xã hội. Năm 2021 này, chị tiếp tục thử sức vươn tới các thị trường thế giới qua các "ông lớn" thương mại điện tử xuyên biên giới.
Sau 6 năm xây dựng thương hiệu thời trang trẻ em "Made in Vietnam", với gần 1.000 nhân công cùng hàng nghìn mẫu thiết kế thời trang chất lượng mỗi năm, phát triển được 33 điểm bán tại các tỉnh, thành phố, chị Hải Yến bày tỏ: "Tôi tin rằng yêu thương luôn là nền tảng, là tiền đề tốt nhất cho sự phát triển cả về thể chất và tinh thần của trẻ. Với doanh nghiệp cũng vậy, sự yêu thương là chìa khóa để doanh nghiệp thành công".
Kiên định với những mục tiêu đề ra, linh hoạt xoay chuyển tình thế trong mùa dịch, dù đã là "nữ tướng" hay đang start-up, các nữ doanh nhân đều đang nỗ lực để xây dựng những thương hiệu Việt uy tín trong lòng người tiêu dùng Việt Nam.